2. Thiết chế và thể chế làng xã cổ truyền
4.1. Mặt tích cực của tính tự trị làng xã cổ truyền
Có thể thấy tác dụng tích cực nhất của tính tự trị làng xã là làm cho nội bộ làng xã có một sự cố kết chặt chẽ mà khó có thế lực nào có thể phá vỡ. Nó làm nên sức sống lâu bền của làng. Điều này có ý nghĩa lịch vô cùng lớn lao, thể hiện rõ nhất là khi đất nước bị nạn ngoại xâm, các đô thị nhanh chóng rơi vào tay giặc, nhưng làng thì không.
Có thể nói mỗi làng xã Việt Nam là một pháo đài kiên cố chống giặc. Làng xã hoàn chỉnh như một cơ thể. Cơ thể này không những có “cá tính” như trên chúng ta đã nói mà nó còn biết và chủ động tự bảo vệ mình khỏi các thế lực khác. Trong lịch sử Việt Nam đã có hàng ngàn làng chiến đấu điển hình. Giáo sư Trần Quốc Vượng nói: “1000 năm Bắc thuộc, ta giành lại được độc lập là do ta mất nước nhưng không mất làng”. Đến thời Pháp thuộc, nhà cầm quyền thực dân cũng xác định rõ rằng làng xã là nơi chúng không thể “đụng chạm” tới.
Toàn quyền P.Pasquier nhận định: “Làng xã là nước cộng hoà nhỏ…một tổ chức phức tạp như thế, dân chủ như thế, một tổ chức mà trong đó không bao giờ kỳ mục được phép hành động đơn độc, một tơ chức đã tồn tại theo truỳên thống từ thời rất xa xưa, tổ chức đó chúng ta không nên đụng chạm tới kẻo làm xứ sở rối loạn…” Nhờ làng xã có tính tự trị tương đối góp phần làm cho đất nước có một nền văn hoá phong phú, đa dạng. Chúng ta đã có những làng văn hoá với những
nét văn hoá đặc trưng nổi bật. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, nó không bị văn hoá của tổ chức xã hội khác đồng nhất. Nó không bị xoá bỏ bởi văn hoá làng khác, vùng miền khác, hay sự can thiệp của chính quyền trung ương, thậm chí là chính quyền của ngoại xâm. Tiêu biểu là thời Bắc thuộc hàng ngàn năm. Đó là thời kỳ bọn phong kiến phương Bắc tiến hành đồng hoá văn hoá Việt Nam một cách ồ ạt, dữ dội (bắt dân ta để tóc, mặc đồ Trung Quốc, dùng chữ Hán, tổ chức những ngày lễ tết của người Hán…) nhưng cuối cùng chúng đã thất bại trước hàng ngàn làng văn hoá truyền thống nước Nam. Truyền thống đó được gìn giữ lâu đời và vô cùng vững chắc nhờ làng xã, văn hoá ngoại lai khó có thể xâm nhập.
Với tính tự trị tự quản của mình, làng xã là nơi bảo lưu tốt nhất những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, đáng quý để cho con cháu đời sau noi gương học tập như: truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, truyền thống giữ đạo hiếu, nhân nghĩa, truyền thống học tập…