Vắcxin LMLM vô hoạt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc tính sinh miễn dịch của chủng vi rút o FMD AVAC3 để sản xuất vắc xin vô hoạt phòng bệnh lở mồm long móng (Trang 34 - 35)

Vắc xin sống được sử dụng rộng rãi để ngăn ngừa hầu hết các bệnh do vi rút và các hoạt động nghiên cứu cho việc phát triển các vắc xin LMLM sống nhược độc cũng đang được tiến hành. Tuy nhiên hiện nay, tất cả các vắc xin LMLM được sử dụng trên toàn thế giới là vắc xin vô hoạt.

Năm 1927, với thành công bước đầu trong phòng thí nghiệm làm suy yếu vi rút, các nhà nghiên cứu đã tập trung phát triển vắc xin nhược độc. Năm 1950, Frenkel và cộng sự đã nghiên cứu nuôi cấy vi rút LMLM trên môi trường tế bào biểu mô lưỡi sơ cấp và vô hoạt bằng formaldehyde. Tuy nhiên, phương pháp này có những hạn chế như khả năng nuôi cấy trên tế bào sơ cấp thấp và vô hoạt bằng formaldehyde thường không hoàn toàn. Vào thập niên 60, các nhà khoa học đã sử dụng tế bào BHK dạng treo thay thế tế bào biểu mô lưỡi để nuôi cấy vi rút và sử dụng chất vô hoạt là ethylene imines thay cho formaldehyde (Rodriguez & Gay, 2011). Ngày nay, người ta sử dụng tế bào BHK để nuôi cấy vi rút và phương pháp của Frenkel được xem là nền tảng cho việc sản xuất vắc xin nhiều năm sau.

Ngày nay, đại đa số các vắc xin LMLM thương mại được sản xuất từ kháng nguyên tinh sạch vô hoạt là các protein cấu trúc phối trộn với chất bổ trợ nhũ dầu. Nhiều công thức vắc xin đã được chứng minh có hiệu quả trong việc phòng và khống chế dịch bệnh LMLM ở các nước Nam Mỹ, châu Âu và châu Phi. Đối với vắc xin được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, do tính không ổn định của công

thức vắc xin, vắc xin thường được lưu trữ ở dạng đông lạnh kháng nguyên và tập trung thành ngân hàng vắc xin ở các quốc gia sạch bệnh. Ví dụ, khối liên kết Mỹ, Canada và Mexico có ‘‘ngân hàng vắc xin LMLM Bắc Mỹ’’. Công thức vắc xin bằng cách đông lạnh kháng nguyên gồm ít nhất 6PD50, có khả năng bảo hộ trong 4 – 7 ngày tiêm vắc xin sử dụng trên gia súc, lợn và cừu và kháng nguyên có khả năng bảo hộ toàn bộ các subtype trong một serotype (Golde & cs., 2005).

Vắc xin nhũ dầu thông thường chứa ít nhất 3PD50. Vắc xin làm giảm các triệu chứng lâm sàng và sự nhân rộng của vi rút nhưng không thể ngăn chặn sự hình thành quá trình lây nhiễm (lên đến 50%) của các chủng thực địa. Miễn dịch tạo bởi vắc xin nhũ dầu chỉ kéo dài khoảng 6 tháng, do đó, cần tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, phản ứng miễn dịch sớm hay muộn tuỳ thuộc vào từng loài gia súc (ví dụ như: dê có đáp ứng miễn dịch muộn hơn so với bò) và ngưỡng bảo hộ ở các loài như: Cừu, dê hoặc trâu cũng khác nhau hoặc vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể. Nhìn chung, khả năng bảo hộ đạt trên bê thì được xem như là đạt trên các loài khác (Oie, 2018). Hiệu quả sử dụng vắc xin nhũ dầu trên dê vượt trội hơn hẳn khi sử dụng vắc xin keo phèn.

Công thức vắc xin sử dụng Al(OH)3 – saponin có một số ưu điểm như: quá trình sản xuất đơn giản, kháng nguyên bám vào các hạt gel Al(OH)3. Tuy nhiên, vắc xin có các nhược điểm như: có thể gây sưng cục ở vị trí tiêm, hiệu quả không cao và độ dài miễn dịch ngắn hơn vắc xin nhũ dầu. Mặc dù vậy, trên thế giới, vắc xin vô hoạt keo phèn vẫn đang được sản xuất và sử dụng cho đa số động vật nhai lại (Doel, 2003; Valtulini & cs., 2005).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc tính sinh miễn dịch của chủng vi rút o FMD AVAC3 để sản xuất vắc xin vô hoạt phòng bệnh lở mồm long móng (Trang 34 - 35)