Phân tích đặc điểm hình thái và định danh

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thành phần loài, đặc điểm sinh thái của thằn lằn chân ngắn (lygosoma hardwicke gray, 1827) ở vùng ven biển các tỉnh bình thuận và bà rịa vũng tàu (Trang 29 - 31)

4. Bố cục đề tài

2.2.2.Phân tích đặc điểm hình thái và định danh

Định danh và mô tả các loài Thằn lằn chân ngắn Lygosoma dựa vào đặc điểm hình thái theo các tài liệu Geissler và cs. (2011) [20], Gray (1939) [22], Siller và cs. (2018) [36], Smith (1921) [39], Smith (1935) [40], Taylor (1962) [42], Ziegler và cs. (2007) [45]. Các chỉ số đếm và chỉ số đo được quan sát dưới kính hiển vi soi nổi có độ phóng đại 7X-45X (Akeiyo, Hong Kong) và sử dụng thước kẹp điện tử (Exploit 150 mm, China) với độ chính xác 0,1 mm.

Các chỉ số đo (đơn vị tính mm) bao gồm: SVL: dài mõm-hậu môn (đo từ mút mõm đến khe hậu môn); AGD: dài mình (đo từ nách đến bẹn); TL: dài đuôi (đo từ khe hậu môn đến mút đuôi); HL: dài đầu (đo từ mút mõm đến mép trước của lỗ tai); HW: rộng đầu (đo tại vị trí khớp xương hàm); HD: cao đầu (đo tại vị trí đo rộng đầu); ED: đường kính mắt (đo theo chiều ngang); END: dài mắt-mũi (đo từ mép trước mắt đến mép sau của mũi); SNL: chiều dài mõm (đo từ mép trước mắt đến mút mõm); IND: khoảng cách giữa hai mũi (đo từ hai mép ngoài của mũi); FLL: dài chân trước (đo từ nách chân

trước tới mút ngón thứ ba); HLL: dài chân sau (đo từ bẹn đến mút ngón thứ tư). Cách đo một số đặc điểm được thể hiện ở Hình 2.2.

Hình 2.2. Minh họa một số chỉ số đo trên loài Thằn lằn chân ngắn Lygosoma. AGD: dài mình, SVL: dài mõm-hậu môn, TL: dài đuôi.

Các chỉ số đếm vảy gồm: MBSR: số hàng vảy dọc quanh thân (đếm ở vị trí giữa thân); PVSR: số vảy dọc sống lưng (đếm từ sau vảy đỉnh đến vị trí đối diện hậu môn); AGSR: số vảy dọc thân (đếm ở mặt lưng tương ứng vị trí từ nách tới bẹn); V: số vảy bụng (đếm từ vảy họng đến vảy hậu môn); SCa: số vảy dưới đuôi (đếm vảy bên dưới đuôi giữa hậu môn và mút đuôi, không tính vảy ở mút đuôi); F3lam: số tấm mỏng ở ngón 3 chân trước; T4lam: số tấm mỏng dưới ngón 4 chân sau; SL: vảy môi trên; IFL: vảy môi dưới; SC: vảy trên mí; SO: vảy trên mắt; EL: vảy bờ trước hậu môn.

Một số đặc điểm vảy khác được sử dụng trong việc mô tả gồm: vảy mõm (R); vảy mũi (N); vảy trên mũi (SN); vảy trán-mũi (FN); vảy trước trán (PF); vảy trán (F); vảy trán đỉnh (FP); vảy đỉnh (P); vảy gian đỉnh (IP); vảy gáy (NU); vảy má (L); vảy thái dương (Temp); vảy cằm (M); vảy sau cằm (PM); vảy họng (C). Các kí hiệu được minh họa ở Hình 2.3.

Hình 2.3. Minh họa các vảy ở mặt trên và mặt bên đầu của Thằn lằn chân ngắn Lygosoma. Các chữ viết tắt xem ở mục 2.2.2.

Ngoài ra, sử dụng thêm các mẫu vật sẵn có từ bảo tàng để nghiên cứu hình thái và đối chiếu mẫu vật khi định danh. Hệ thống phân loại theo Uetz và cs. (2021) [52]. Tên tiếng Việt theo Nguyen và cs. (2009) [32]. Tên gọi các vảy theo Đào Văn Tiến (1979) [10] và Smith (1935) [40].

* Phân tích độ tương đồng với các khu hệ lân cận

Để đánh giá mức độ tương đồng về thành phần loài Thằn lằn chân ngắn ở khu vực nghiên cứu so với các khu hệ lân cận khác, tạm thời chia ra các khu hệ sau đây để so sánh, gồm: 1, Ninh Thuận và Khánh Hòa; 2, Nam Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông); 3, Đồng Nai; 4, Phía Tây miền Đông Nam bộ (Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh); và 5. Tây Nam bộ.

Chỉ số tương đồng SI được tính theo công thức: SI = 2C/(A+B), trong đó: C là số loài xuất hiện ở cả hai khu vực, A là số lượng loài tại khu vực A, B là số lượng loài tại khu vực B [35].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thành phần loài, đặc điểm sinh thái của thằn lằn chân ngắn (lygosoma hardwicke gray, 1827) ở vùng ven biển các tỉnh bình thuận và bà rịa vũng tàu (Trang 29 - 31)