Tập phục hồi chức năng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật thay lại khớp háng. (Trang 67 - 68)

Tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay lại khớp háng về cơ bản giống với sau mổ thay khớp háng lần đầu. Tuy nhiên cần chú ý những bệnh nhân mới chỉ mổ 1 trong 2 bên thì sau mổ do tổn thương phần mềm và xương nhiều nên cần có người hỗ trợ tập cùng, tránh để xảy ra các tai nạn sinh hoạt trượt ngã khi tập. Ngoài ra, thời gian bị bệnh càng lâu thì khi tập phục hồi chức năng thời gian tiến triển sẽ chậm hơn, cần chú ý tăng cường các liệu pháp xoa bóp, thư giãn, chiếu tia hồng ngoại và tăng cường tưới máu cho cơ. Tất cả bệnh nhân trong nghiên cứu sau phẫu thuật được thực hiện tập theo phác đồ phục hồi chức năng được sử dụng tại viện Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và tham khảo các nguồn khuyến nghị của quốc tế như sau:108,109

- 24h đầu sau mổ: Bệnh nhân tập thụ động các khớp, ngồi dậy, co cơ thụ động tại giường, tập co duỗi nhẹ cổ chân, gối, các khớp khác, thay đổi tư thế tránh các biến chứng do nằm lâu.

- 24h-48h sau mổ: tập vận động tại giường:

+ Gấp - duỗi bàn chân từ từ tăng dần: làm nhiều lần trong ngày, mỗi lần 5-10 phút.

+ Xoay cổ - bàn chân lần lượt từ trong ra ngoài: làm 3-4 lần/ngày, mỗi lần từ 5-10 phút.

+ Gấp - duỗi gối: Gấp gối, kéo nhẹ gót chân về phía mông, trong khi đó gót chân vẫn tì sát xuống giường, sau đó duỗi gối ra từ từ, lặp lại động tác này khoảng 10 lần, thực hiện 4-5 lần/ngày.

+ Căng cơ mông và đùi: Làm căng cơ tĩnh, và giữ căng cơ khoảng 3 giây (đếm từ 1 đến 5), thực hiện 10 lần, nhắc lại 3-4 đợt/ngày.

+ Căng cơ đùi và giữ duỗi gối: Căng cơ đùi 5-10 giây, giữ căng gối, lặp lại khoảng 10 lần, thực hiện 3-4 đợt/ngày.

+ Giạng khớp háng: Đưa nhẹ bàn chân ra ngoài, càng nhiều càng tốt, sau đó khép lại từ từ, lặp lại 10 lần, thực hiện 3-4 đợt/ngày.

+ Tập sức cơ tứ đầu đùi: nhấc chân khỏi mặt giường khoảng 30 cm, gối duỗi thẳng, giữ khoảng 5 giây, sau đó đặt chân xuống giường từ từ, lặp lại khơảng 10 lần, thực hiện 3-4 đợt/ngày.

- Luôn dặn bệnh nhân lưu ý:

+ Khi nằm nghỉ, chân luôn ở tư thế hơi dạng: 2 bàn chân dạng bằng vai. + Không được gấp đùi vào bụng, không được ngồi xổm.

+ Cấm bắt chéo 2 chân.

+ Cấm nằm nghiêng hoặc có gối đệm ở giữa hai chân.

- Tập đứng dậy và đi lại nhẹ nhàng sau 3-4 ngày (đối với bệnh nhân tổn thương xương đùi độ I, độ II, không có gãy xương đùi theo kèm), duy trì đi bằng 2 nạng hoặc khung tập đi, sau một tháng tập đi bằng gậy, sau 3 tháng bỏ hoàn toàn gậy, hoặc bệnh nhân bỏ gậy khi chân vững. Trong trường hợp tổn thương xương đùi nặng hoặc gãy xương có KHX thì tập tỳ chân muộn hơn sau 1-3 tháng, có nạng hỗ trợ kéo dài.

2.2.8.Phân tích và xử lý số liệu

Các số liệu được thu thập theo mẫu bệnh án nghiên cứu, được nhập và xử lý bằng phần mềm SPSS 26.0. Khảo sát các biến định tính bằng tỉ lệ %, các biến định lượng bằng giá trị trung bình, độ lệch. Kiểm định sự khác biệt giữa 2 giá trị trung bình bằng test T-student, test Kruskal Wallis, Wilcoxon. Kiểm định sự khác biệt giữa 2 tỉ lệ bằng test Chi-square hoặc Fisher's exact test. Giá trị p <0,05 được coi là có ý nghĩa thống kê với khoảng tin cậy 95%.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật thay lại khớp háng. (Trang 67 - 68)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(174 trang)
w