Bên cạnh những kết quả đạt được, tuyến phố ẩm thực còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, vì vậy TP.Hà Nội đã chỉ đạo các khu ẩm thực tăng cường giữ gìn, phát huy giá trị. Đặc biệt là tăng tuyên truyền để các hộ dân trong khu vực xác định được trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị khu phố cổ, tạo sự đồng thuận, ủng hộ và cùng tham gia của các hộ dân.
Việc tuyên truyền cần để người dân nhận thức được, khi người dân sinh sống tại khu ẩm thực cần có trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ khi sinh sống, kinh doanh trên các tuyến phố ẩm thực trong Hà Nội. Có thể mở các lớp đào tạo, hướng dẫn về vệ sinh an toàn thực phẩm để người dân tham gia, nâng cao hiểu biết và trách nhiệm.
Đối với các hộ dân sống trong khu vực các tuyến phố ẩm thực có điều kiện để xe đạp, xe máy trong nhà, thành phố sẽ có các giải pháp phù hợp để các hộ dân mang xe vào để trong nhà, cho phép dắt xe qua các tuyến phố đi bộ. Còn đối với các hộ dân không có chỗ để xe trong nhà sẽ bố trí các điểm trông giữ miễn phí, bảo đảm an toàn phương tiện cho các hộ dân. Các phương tiện (ô tô, xe đạp, xe máy) của các đối tượng khác đi vào khu phố đi bộ đều phải gửi ở ngoài. TP.Hà Nội cũng đã cho phép quận Hoàn Kiếm mở rộng phạm vi và thời gian (từ 18h hôm trước đến 8h sáng hôm sau các đêm thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật) khu vực trông giữ xe tại gầm vòng xoay đầu cầu
Chương Dương để vừa trông xe miễn phí cho các hộ dân, vừa phục vụ cho khách đến thăm quan, mua bán trong khu Phố cổ.
Khu vực các tuyến phố ẩm thực quy tụ rất nhiều mặt hàng kinh doanh, trong đó chủ yếu là các mặt hàng ẩm thực thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước. Thành phố Hà Nội đã khuyến khích các hộ dân kinh doanh các mặt hàng phù hợp, bảo đảm hiệu quả, trật tự văn minh đô thị, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các hộ dân trong ngõ được đăng ký kinh doanh trên hè phố nhưng phải đảm bảo trật tự công cộng, không có tranh chấp, khiếu kiện với các hộ dân có nhà ở mặt phố; bàn ghế sẻ dụng phải sạch sẽ, gọn gàng; người tham gia kinh doanh mặc lịch sự, văn hóa. Các hộ dân chỉ được kinh doanh trên hè, không kinh doanh dưới lòng đường (riêng phố Tạ Hiện không có vỉa hè cho phép kinh doanh hai bên đường, nhưng phải dành tối thiểu 3m ở giữa làm lối đi).
Ý thức của người dân kinh doanh có vai trò quan trọng trong việc tạo một môi trường kinh doanh. Để triển khai hiệu quả, Công ty CP Đồng Xuân, đơn vị thực hiện đề án đang tích cực vận động các hộ dân kinh doanh các món ăn truyền thống của Hà Nội như: Bún thang, bún ốc, phở, phở cuốn, bánh cuốn Thanh Trì, bánh tôm Hồ Tây, các loại chè cổ truyền..., đồng thời tổ chức sắp xếp cửa hàng, quầy hàng đảm bảo mỹ quan, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Riêng tình trạng hàng quán nấu nướng giữa lòng đường sẽ bị nghiêm cấm.