Đối với tình hình đại dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng, các chủ doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam cần chú trọng hơn vào cách sử dụng đòn bẩy tài chính đối với tất cả các ngành nói chung và lĩnh vực sản xuất nói riêng. Như kết quả nghiên cứu ở trên, có ngành sản xuất bị tác động tiêu cực, tích cực và trung lập bởi dịch bệnh. Tùy vào mức độ tác động mạnh yếu mà các doanh nghiệp nên tăng cường cảnh giác vào việc sử dụng tỷ lệ ĐBTC tương ứng. Đối với việc này, tác giả có những khuyến nghị như sau:
• Theo Murray Z. Frank và Vidhan K. Goyal (2006), cách điều chỉnh ĐBTC có sự tương quan với tài chính hành vi của nhà quản trị và trình độ học vấn của họ (các CEO và CFO). Trong đó, CFO có tầm ảnh hưởng hơn CEO trong việc điều chỉnh đòn bẩy. Bên cạnh đó, các nhà CEO lớn tuổi có xu hướng điều chỉnh tỷ lệ ĐBTC chậm hơn so với các CEO có trình độ thạc sĩ. Tốc độ điều chỉnh nhanh hơn sẽ có ý nghĩa hơn trong tình hình đại dịch Covid-19 này vì đại dịch diễn biến rất nhanh, các doanh nghiệp phải ứng xử nhanh chóng và kịp thời mới có thể khắc phục được những vấn đề trước mắt. Do đó, đầu tiên các DNSX cần có đội ngũ quản trị (CEO và CFO) thật sự có năng lực, tốt hơn là có trình độ học vấn cao và tài chính hành vi thích hợp.
• Theo Coles và cộng sự (2006), việc thiết kế hợp đồng thù lao ảnh hưởng gián tiếp đến tỷ lệ đòn bẩy. Những doanh nghiệp thắt chặt hợp đồng thù lao hơn (tức là nhà quản trị phải làm tốt công việc của mình thì mới nhận được thù lao tương xứng) có tỷ lệ ĐBTC thấp hơn. Điều này có thể giải thích bởi áp lực từ nợ vay đến trách nhiệm vận hành doanh nghiệp của nhà quản trị. Khi hợp đồng thù lao bị thắt chặt sẽ hạn chế ảnh hưởng của vấn đề người đại diện. Từ đó, các nhà quản trị sẽ cẩn trọng trong quá trình làm việc nhằm mang lại hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp, và họ cũng sẽ hạn chế sử dụng nợ vay để giảm gánh nặng cho chính bản thân trong việc quản lý công ty.
• Theo đặc điểm chung của các DNSX, các doanh nghiệp này thường có tài sản cố định lớn và chu kỳ kinh doanh dài. Việc có tài sản cố định lớn đều mang lại mặt lợi và hại cho doanh nghiệp. Khi DNSX có nợ phải trả lớn, chủ nợ sẽ ít lo sợ hơn về khả năng thanh toán do tổng tài sản của các DNSX cao, họ có thể thanh lý tài sản để trả nợ. Tuy nhiên, trong đại dịch Covid-19, các DNSX phải lo nhiều chi phí như tiền thuê mặt bằng nhà xưởng, nhà máy sản xuất và các chi phí về lương, quản lý doanh nghiệp,… do đó các nhà quản trị phải tái cơ cấu nguồn vốn trong tình hình đại dịch. Nếu không phân chia hợp lý, các doanh nghiệp đó phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ cao.
• Theo như phân tích ở trên, ngành hàng tiêu dùng và nguyên vật liệu đang đối diện với nguy cơ vỡ nợ cao nhất. Do đó, các nhà quản trị có thể tiết kiệm chi phí bằng cách đưa ra những chiến lược marketing mới như mở rộng bán hoặc bỏ sỉ lẻ các sản phẩm thông qua các kênh online, đẩy mạnh truyền thông hơn trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ ổn thoả đối với một số khu vực vì có một số khu vực bị tắc nghẽn hoạt động logistics do dịch bùng phát mạnh.
4.2.2. Đối với Nhà nước và các Ngân hàng
Cấu trúc vốn của một doanh nghiệp được hoạch định như thế nào là do các nhà quản trị của doanh nghiệp đó quyết định. Vì vậy, nhà nước và các ngân hàng thương mại và ngân hàng trung ương chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho doanh nghiệp chứ không can thiệp vào cách sử dụng ĐBTC của các DNSX. Một số khuyến nghị của tác giả
đối với việc tạo điều kiện giảm sử dụng nợ vay cho các DNSX là như sau:
• Trong bối cảnh đại dịch Covid, người dân và cả doanh nghiệp đối diện với rất nhiều khó khăn về chi phí. Nhà nước có thể giảm chi phí điện và giảm tiền thuế để hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm bớt chi phí quản lý doanh nghiệp. Tuy rằng chi phí được cắt giảm bởi tiền điện là không nhiều nhưng vẫn tiết kiệm được một phần tiền cho công ty để trả nợ, giảm sự phụ thuộc vào nợ vay.
• Ngân hàng trung ương và nhà nước tung gói kích thích ra thị trường nhằm cứu rỗi nền kinh tế. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng hỗ trợ gia hạn cho doanh nghiệp về lãi vay phải trả hoặc tung ra các gói vay với lãi suất thấp cho doanh nghiệp vay vốn phục hồi lại hoạt động kinh doanh.
• Vận động và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh. Công nghệ số sẽ giúp các phòng ban trong doanh nghiệp dễ dàng kết nối và làm việc với nhau trong điều kiện giãn cách xã hội. Đây cũng là phương pháp giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và làm tăng thêm phần khả năng trả nợ cho doanh nghiệp.