Tạo việc làm là lợi thế rõ ràng nhất của FDI. Đó cũng là một trong những lý do quan trọng nhất khiến một quốc gia, đặc biệt là một quốc gia đang phát triển, tìm cách thu hút FDI. FDI tăng thúc đẩy ngành sản xuất cũng như dịch vụ. Điều này lại tạo ra công ăn việc làm và giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên có trình độ học vấn - cũng như lao động có kỹ năng và không có kỹ năng - ở nước đó. Việc làm tăng dẫn đến tăng thu nhập và sức mua của người dân được nâng cao. Điều này thúc đẩy nền kinh tế của đất nước. Khu vực FDI góp phần không nhỏ trong việc tạo việc làm cho người lao động. Theo Tổng cục Thống kê (2019), kết quả Điều tra Lao động - Việc làm quý 1/2019, khu vực doanh nghiệp FDI đã và đang tạo công ăn việc làm cho 3,8 triệu người lao động, chiếm trên 7% trong tổng lực lượng lao động (trên 54 triệu lao động), chiếm trên 15% trong tổng lao động làm công ăn lương (25,3 triệu người) ở Việt Nam. Bên cạnh tạo việc làm trực tiếp, khu vực FDI cũng gián tiếp tạo việc làm cho rất nhiều lao động trong các ngành
công nghiệp phụ trợ hay các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng hàng hoá cho các doanh nghiệp FDI.
Mức lương bình quân của lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp có vốn FDI cao hơn so với trong khu vực nhà nước hoặc khu vực ngoài nhà nước. Cụ thể, mức lương trung bình của lao động trong khu vực có vốn FDI là 8,2 triệu đồng/tháng, trong đó đối với lao động nam là 9,2 triệu đồng/tháng và lao động nữ là 7,6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, lao động trong khu vực nhà nước có mức lương trung bình là 7,7 triệu đồng/tháng và đối với khu vực ngoài nhà nước là 6,4 triệu đồng/tháng (Tổng cục Thống kê, 2019). Bên cạnh mức lương cao, khu vực FDI cũng góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua hệ thống đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo ngoài doanh nghiệp.
Số liệu điều tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xãhội năm 2017 cho thấy, trên 57% doanh nghiệp FDI thực hiện các chương trình đào tạo cho người lao động. Trong đó, tự đào tạo chiếm 40%, liên kết với các cơ sở đào tạo chiếm 17%. Điều này góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động trong doanh nghiệp FDI, tạo hiệu ứng tích cực, thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung ở Việt Nam thông qua việc dịch chuyển lao động từ khu vực FDI sang các khu vực còn lại.