7. Kết cấu của luận văn
1.4. Sự cần thiết phải nâng cao chất lượng công chức cấp xã
Trong bối cảnh tiếp tục thực hiện chương trình CCHC, việc tăng cường xây dựng đội ngũ CBCCVC là một trong những yếu tố then chốt, là cơ sở đảm bảo hiệu quả cho công tác phát triển nguồn nhân lực cho chính quyền địa phương các cấp. Trước yêu cầu đó, việc nâng cao chất lượng CCCX là một yêu cầu tất yếu khách quan bởi những lý do chủ yếu sau:
1.4.1. Nâng cao chất lượng công chức cấp xã góp phần tiếp tục đổi mới và củng cố hiệu quả hoạt động chính quyền địa phương
1.4.1.1. Vị trí, vai trò của chính quyền cấp xã đòi hỏi không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã
Trong bộ máy Nhà nước, đội ngũ CCCX có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước có đến được với nhân dân hay không, có được nhân dân tiếp thu đúng đắn hay không đều thông qua kết quả thực thi công vụ của đội ngũ CCCX. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã tác động trực tiếp đến việc bảo đảm quyền, nghĩa vụ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần bảo đảm cho sự ổn định và phát triển của đất nước.
1.4.1.2. Xây dựng đội ngũ CCCX ngang tầm nhiệm vụ mang ý nghĩa là sự đầu tư - phát triển nguồn nhân lực nhằm xây dựng chính quyền cơ sở
Trong xây dựng và hoàn thiện bộ máy chính quyền cơ sở cũng như trong hoạt động thi hành công vụ, hiệu lực - hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã và cả hệ thống chính trị nói chung, xét đến cùng được quyết định bởi phẩm chất, năng lực và hiệu quả công tác của đội ngũ CCCX.
Do tính chất đặc thù của cấp xã nên hoạt động của CCCX khá phức tạp và đa đạng. Chính quyền cấp xã quản lý toàn diện các hoạt động sản xuất, đời sống dân cư trên địa bàn. Nhiệm vụ của đội ngũ CCCX là thực thi công vụ mang tính tự quản theo pháp luật, bảo toàn tính thống nhất của thực thi quyền lực nhà nước ở cơ sở thông qua việc giải quyết các công việc hàng ngày có tính chất quản lý mọi mặt ở địa phương, góp phần bảo đảm kỷ cương phép nước tại cơ sở. Mặt khác, thông qua hoạt động của đội ngũ CCCX, nhân dân thể hiện được quyền làm chủ và trực tiếp thực hiện quyền tự quản của địa phương mình.
Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ CCCX vững vàng về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức; có năng lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Mỗi một CCCX phát huy ý thức tự học tập - rèn luyện cũng như việc các cấp có thẩm quyền đầu tư chăm lo đào tạo - bồi dưỡng về năng lực cho đội ngũ CCCX ngang tầm với nhiệm vụ mang ý nghĩa như sự đầu tư - phát triển nguồn nhân lực trong công tác xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh.
1.4.2. Nâng cao chất lượng công chức cấp xã góp phần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
1.4.2.1. Yêu cầu xây dựng nền hành chính hiện đại, mang tính chuyên nghiệp
Sự thành thục trong kỹ năng là tiêu chí đánh giá tính chuyên nghiệp, tính chuyên môn hóa của CCCX, kết hợp với việc ứng dụng khoa học và công nghệ để giải quyết công việc đạt được năng suất và hiệu quả trong điều kiện môi trường công vụ luôn vận động, đổi mới và phát triển. Nâng cao năng lực thực thi công vụ của CCCX là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tiến tới xây dựng nền hành chính hiện đại, mang tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Ngày 01 tháng 9 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, trong đó quy định mục tiêu đào tạo - bồi dưỡng công chức nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của CBCC và hoạt động nghề nghiệp của viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ CBCCVC chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự nghiệp phát triển của đất nước. Trên cơ sở đó, công tác xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng CBCC là một trong những yêu cầu và là khâu then chốt để tiếp tục
xây dựng nền hành chính vững mạnh, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, hoạt động thông suốt và hiệu quả.
1.4.2.2. Nâng cao chất lượng công chức cấp xã nhằm góp phần tiếp tục thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước
CCCX là nguồn nhân lực quan trọng bộ máy hành chính của các địa phương. Mọi hoạt động quản lý, điều hành ở cấp xã đều được thực hiện bởi đội ngũ này. Do đó, việc không ngừng nâng cao chất lượng CCCX là rất cần thiết nhằm góp phần xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở cơ sở.
- Ngày 15/7/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 76/NQ-CP “về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030”. Trong đó Chính phủ đã đề ra yêu cầu và các mục tiêu: Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tối ưu hóa quy trình, tiến tới thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động; xây dựng được đội ngũ CBCC có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định [17].
Trong công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước hiện nay và những năm sắp tới, bên cạnh các nội dung cải cách quan trọng, nhà nước ta còn tập trung vào xây dựng đội ngũ CBCC. Vấn đề đặt ra là không chỉ có chính sách tốt mà phải có đội ngũ tốt thì chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống và đến được với người dân ở mọi vùng - miền của đất nước. Vì vậy, phải xây dựng đội ngũ và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới công vụ nhằm nâng cao chất lượng CCCX.
1.4.2.3. Nâng cao chất lượng công chức cấp xã góp phần xây dựng chính quyền cơ sở, phát huy bản chất Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”
Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2, Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân… Yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN “của dân, do dân và vì dân” đặt ra cho nền hành chính nước ta những nhiệm vụ to lớn, cấp bách. Đó là CCHC, đồng thời xây dựng đội ngũ CBCC, nhất là đội ngũ CCCX có phẩm chất, năng lực và thực sự là công bộc của dân. Hiện nay, việc xây dựng đội ngũ CCCX có năng lực ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ quản lý xã hội vẫn đang là vấn đề cấp bách, cần được ưu tiên hàng đầu.
1.4.3. Từng bước khắc phục những bất cập về năng lực của công chức góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã
1.4.3.1. Nâng cao năng lực thực thi công vụ nhằm khắc phục những yếu kém hiện nay của đội ngũ công chức cấp xã
Mặc dù trong những năm gần đây đã có nhiều đổi mới, chuyển biến trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ CCCX về nhiều mặt. Tuy nhiên, so với yêu cầu cũng như đòi hỏi của người dân và doanh nghiệp, những bất cập về năng lực thực thi công vụ của một số CCCX đã ảnh hưởng không ít đến hiệu quả QLNN của chính quyền cấp xã; một số địa phương còn chậm trễ trong việc thực hiện chức trách - nhiệm vụ, có khi người dân phải đi lại nhiều lần để giải quyết một thủ tục hành chính.
Số lượng, tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của CCCX đã được quy định chi tiết tại Khoản 1, Điều 4 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ) và Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/1019 của Bộ Nội vụ “Hướng dẫn quy định về
CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố”. Tuy nhiên, do tính chất công việc cũng như những đặc thù về QLNN của chính quyền cấp xã, công chức chuyên môn của xã phải đảm nhiệm tác nghiệp thuộc nhiều chuyên ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng so với yêu cầu, không ít CCCX chưa có tính chuyên nghiệp và am hiểu sâu về vấn đề, lĩnh vực mình đang công tác nhưng chưa được bồi dưỡng bổ trợ đúng mức về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra (nhất là về kỹ năng và tinh thần - thái độ công tác). Trước yêu cầu đó, công tác nâng cao chất lượng CCCX cần được quan tâm chỉ đạo, triển khai một cách thường xuyên, linh hoạt và phù hợp hơn nữa.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng của mỗi CCCX còn là nhu cầu tự thân. Bản thân mỗi CCCX luôn mong muốn được hoàn thiện chính mình, có cơ hội thăng tiến và đạt kết quả ngày càng cao trong hoạt động thực thi công vụ.
1.4.3.2. Trước xu hướng đổi mới công vụ và công chức, một bộ phận công chức cấp xã vẫn cần được đào tạo - bồi dưỡng để đạt chuẩn chức danh
Trước đây, tiêu chuẩn CCCX đã được quy định tại Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn. Đến năm 2019, đã có thêm Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ “về việc hướng dẫn một số quy định về cán bộ, CCCX và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố”.
Trước yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn, trình độ và kỹ năng của đội ngũ CCCX, công tác bồi dưỡng giúp công chức đạt tiêu chuẩn theo chức danh, theo ngạch bậc vừa để chuẩn hóa đội ngũ CCCX (nhất là đối với các địa bàn khó khăn, vùng sâu - vùng dân tộc) vừa tạo điều kiện cho CCCX đủ năng lực giải quyết công việc nhanh và hiệu quả.