7. Kết cấu của luận văn
1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng công chức cấp xã
1.3.1. Yếu tố khách quan
1.3.1.1. Công tác tuyển dụng, bố trí - sử dụng công chức cấp xã
Hiện nay việc tuyển dụng CCCX đã được quy định khá cụ thể tại Thông tư 06/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ. Việc tuyển dụng, bố trí và sử dụng CCCX chủ yếu được thực hiện theo cơ chế thi tuyển cạnh tranh và có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng CCCX. Cơ chế tuyển dụng được thực hiện công khai,
minh bạch sẽ khuyến khích những người có năng lực và phẩm chất, có nhu cầu công tác thực sự, có tâm huyết với công việc ở cơ sở tham gia thi tuyển và do đó sẽ có được những công chức đáp ứng tốt yêu cầu công tác theo vị trí việc làm.
1.3.1.2. Công tác đào tạo, bồi dưỡng
Chất lượng công chức chịu tác động từ quan điểm, chủ trương, đường lối của cấp ủy chính quyền các cấp về xây dựng đội ngũ và chính sách cán bộ nói chung. Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến năng lực thực thi công vụ của CCCX.
Thông qua việc tổ chức thực hiện các chính sách về quyền lợi và nghĩa vụ của đội ngũ công chức, phù hợp với hoàn cảnh khách quan và những mục tiêu của Đảng, Nhà nước về CCHC cũng như những nỗ lực xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng sẽ tạo điều kiện cho công chức đạt chuẩn theo vị trí việc làm.
1.3.1.3. Chính sách tiền lương và các chế độ đãi ngộ
Chế độ đãi ngộ và chính sách tiền lương có tác động trực tiếp đến đời sống cũng như tâm lý của công chức. Đó là nguồn thu nhập để đảm bảo cuộc sống cho công chức và tái sản xuất sức lao động. Nó trực tiếp tác động đến CBCC trên cả 2 mặt tích cực và tiêu cực. Chính sách tiền lương phù hợp, thỏa đáng sẽ khuyến khích công chức an tâm công tác, nỗ lực học hỏi và không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mặt khác, việc đảm bảo cuộc sống cũng là một trong những yếu tố góp phần ngăn ngừa, hạn chế được những hành vi sách nhiễu đối với nhân dân khi thực thi công vụ.
Chính sách tiền lương, phụ cấp và các chế độ phúc lợi khác cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách hiện nay chưa tương xứng với công việc họ đảm nhiệm và chưa đảm bảo được đời sống do sự biến động giá cả thị trường.
1.3.1.4. Điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội và những yếu tố đặc thù của địa phương
- Chất lượng CCCX chịu ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan như đặc thù địa bàn, điều kiện tự nhiên cũng như điều kiện phát triển KT - XH. UBND xã - thị trấn các huyện là đơn vị hành chính gắn liền với những nét đặc thù của nông thôn. Tính chất này có ảnh hưởng rất lớn đến QLNN cũng như ảnh hưởng đến tâm lý, phong cách của CBCC cơ sở nói chung, CCCX nói riêng.
Những biểu hiện tâm lý như tính mùa vụ, ảnh hưởng các mối quan hệ địa phương, họ tộc, làng xóm… nhất là ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS chi phối khá lớn đến việc thực thi công vụ và có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng CCCX. Do đó, công tác QLNN ở cơ sở cần hết sức chú trọng đến vấn đề văn hóa địa phương, nhất là những địa phương có sự đa dạng về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa như ở một số huyện của các tỉnh vùng Tây Nguyên.
- Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát khá phức tạp trên diện rộng và kéo dài nhiều đợt ở các địa phương là nét mới của tình hình chung và có ảnh hưởng không ít đến công việc, điều kiện công tác cũng như những kế hoạch của địa phương về công tác đào tạo, bồi dưỡng CCCX. Mặt khác, công tác phòng - chống địch cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với năng lực, kỹ năng công tác của CCCX trong tình hình mới.
1.3.1.5. Môi trường làm việc, văn hóa công sở
- Công sở chính là nơi công chức thực hiện nhiệm vụ của mình, có tác động đến kết quả thực thi công vụ cũng như việc đánh giá công chức. Nếu môi trường làm việc thân thiện, dân chủ, đoàn kết, không bè phái thì việc thực thi công vụ của công chức cũng như việc đánh giá công chức sẽ có tác động tích cực (công tâm, khách quan và công bằng, không cục bộ) và ngược lại.
- Văn hóa công sở cũng là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc thực thi công vụ của công chức. Không gian làm việc thân thiện, văn minh và thuận lợi sẽ góp phần động viên công chức làm việc hiệu quả. Mặt khác, tác động khách quan từ mội trường văn hóa công sở còn có tác dụng tích cực đến việc hình thành nhân cách, phong cách và thái độ công tác của CCCX.
1.3.1.6. Thanh tra công vụ; công tác kiểm tra đánh giá - xếp loại công chức cấp xã
Công tác thanh tra công vụ, kiểm tra, giám sát có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực thi công vụ của công chức nói chung. Thông qua công tác này, cơ quan quản lý nắm bắt được đặc điểm, tình hình thực tế của CCCX, những ưu điểm, khuyết điểm, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để có biện pháp khắc phục. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát còn nhằm đảm bảo cho công vụ được diễn ra đúng theo quy định của pháp luật, ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng đến yêu cầu giữ gìn phẩm chất của CCCX.
- Đội ngũ CCCX khá đa dạng và có những đặc thù riêng. Mỗi công chức đều có chức năng, nhiệm vụ theo lĩnh vực công tác đảm nhiệm. Do đó, khi đánh giá cần xem xét đặc điểm của từng vị trí việc làm và bản mô tả công việc, tình hình thực tiễn công vụ của công chức cũng như việc thăm dò sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn để đánh giá công chức chính xác, khách quan, công bằng, có tác dụng tích cực đối với CCCX.
1.3.2. Yếu tố chủ quan
1.3.2.1. Định hướng giá trị của cá nhân; ý thức học tập, rèn luyện và tinh thần cầu tiến của công chức cấp xã
- Nhận thức của công chức đối với yêu cầu nâng cao trình độ và năng lực thực thi công vụ là yếu tố ảnh hưởng sâu sắc tới chất lượng CCCX. Nếu mỗi công chức đều nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng, phương pháp làm việc của bản thân, họ sẽ
có ý thức trong việc tự rèn luyện, trau dồi kiến thức, tham gia các khóa bồi dưỡng một cách tích cực, tự giác và có hiệu quả.
- Điều kiện về mức sống, khả năng kinh tế của CCCX; văn hóa, phong tục tập quán ở một số vùng - miền, của một số dân tộc nơi công chức sinh sống và công tác cũng có những chi phối nhất định đến chất lượng CCCX của một số địa bàn có yếu tố đặc thù.
1.3.2.2. Động lực làm việc góp phần nâng cao chất lượng công chức Qua thực tiễn quản lý nhân sự, có thể thấy bên cạnh công tác tuyển dụng, việc thực hiện tốt chế độ - chính sách; việc đánh giá thỏa đáng, khen thưởng kịp thời và đặc biệt là việc quan tâm tạo cơ hội thăng tiến trong chức nghiệp… có ý nghĩa rất lớn nhằm tạo động lực làm việc và góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng, tinh thần, thái độ công tác của CCCX.
1.3.2.3. Nhận thức và công tác của các cấp thẩm quyền quản lý trong lĩnh vực xây dựng và phát triển đội ngũ công chức cấ p xã
Quan điểm và năng lực quản lý của người lãnh đạo có tác động tương đối sâu sắc đến việc triển khai - thực hiện cũng như kết quả nâng cao chất lượng CCCX. Nếu công tác xây dựng đội ngũ công chức không được quan tâm chăm lo đúng mức; hoặc công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng CCCX bị chi phối vì một số lệch lạc sẽ làm cho công chức mất niềm tin, hạn chế điều kiện tiếp cận cơ hội thăng tiến nghề nghiệp sẽ làm giảm động lực của người CCCX trong phấn đấu, học tập nâng trình độ.