Nghiên cứu về sâu bệnh gây hại trên cây có múi

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng sản xuất và nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng cam khe mây tại hà tĩnh (Trang 29 - 33)

a. Nghiên cứu về sâu bệnh gây hại cây có múi trên thế giới

Đối với cây có múi nói chung có khá nhiều sâu bệnh hại, đặc biệt có những bệnh rất nguy hiểm gây hủy diệt hàng loạt như bệnh tristeza, greening. Ở Nhật Bản đã ghi nhận 240 loài côn trùng và nhện hại (Japan Plant Protection Association, 1987); tại 14 tỉnh miền Nam Trung Quốc ghi nhận 489 loài chân khớp gây hại trên cam (Li Li Ying & CTV, 1997), Đài Loan có 167 loài, Malaysia có 174 loài,...

Ở Cuba áp dụng IPM trên cam quýt đã giảm được 50% lượng thuốc hóa học và làm tăng 20% lượng quả xuất khẩu. Qing Tang Yu (1990) nghiên cứu phòng trừ rầy truyền bệnh Greening bằng các ký sinh trên rầy như Tomrixia Radiata và Diaphonrecytus Aligarhenisis. Ở Thái Lan Weerawut Panomkorm (1990) nghiên cứu diệt rầy truyền bệnh Greening bằng bảng dính màu vàng (Trap) saturn,…

Một số nước có kỹ thuật sản xuất cây ăn quả có múi tiên tiến như Úc, Hàn Quốc,... đã áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh trên cây có múi trên cơ sở sử dụng dầu khoáng PSO để phòng trừ tập đoàn chích hút, sâu vẽ bùa,.... kết hợp với phòng trừ các loại bệnh hại khác, bảo vệ tập đoàn ký sinh, thiên địch trên các vườn quả, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Tiến bộ kỹ thuật đáng ghi nhận nhất trong phòng chống bệnh, đó là kỹ thuật xét nghiệm, chuẩn đoán các bệnh virus và siêu vi khuẩn bằng PCR và ELISA. Hiện nay những kỹ thuật này đã được sử dụng như là một phương tiện chủ yếu để xét nghiệm chuẩn đoán bệnh cũng như sàng lọc bệnh trong sản xuất cây sạch bệnh, đồng thời việc kết hợp các phương pháp ghép đỉnh sinh trưởng (shoot-tip grafeting), nuôi cấy mô phân sinh (meristem) với xét nghiệm sàng lọc bệnh bằng PCR và ELISA đã trở thành một khâu bắt buộc trong sản xuất cây sạch bệnh ở các nước trồng cam quýt trên thế giới. Ngoài phát triển các công nghệ xét nghiệm chuẩn đoán bệnh, các nghiên cứu phòng, chống bệnh bằng chọn tạo giống cũng đã được thực hiện và thành công ở nhiều nước. Người ta đã liệt kê được hàng chục các loại gốc ghép có khả năng chịu (tolerance) các bệnh virus cũng như chống (risistance) được các bệnh do nấm để phục vụ cho nhân giống, ví dụ như poncirus trifoliata, citrumelo, citrange carrizo, quýt cleopatre, chanh volkameriana, chanh sần,...

Trong lĩnh vực bảo vệ thực vật nói chung và trên cây có múi nói riêng đã phát triển khá nhiều các biện pháp phòng trị hiệu quả, tuy nhiên những biện pháp phòng trừ hiệu quả mà không làm tổn hại đến môi trường và chất lượng sản phẩm vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, đặc biệt cho từng đối tượng cây trồng cụ thể. Trong đó phải kể đến việc kết hợp giữa biện pháp cắt tỉa và biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại đang là xu hương nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu hiện nay.

Robert E. Rouse (2017), nghiên cứu phòng trừ bệnh Greening trên cây có múi bằng phương pháp cắt tỉa kết hợp với cung cấp dinh dưỡng qua lá trên cây cam Valencia (Citrus sinensis Macf.) ghép trên gốc Swingle citrumelo [C.

paradisi × Poncirus trifoliata (L.) Raf.] đã cho kết quả bước đầu thấy rằng biện

pháp cắt tỉa không đem lại hiệu quả về chi phí trong 5 năm đầu tiên sau khi cắt tỉa. Tuy nhiên, phán ứng bật lộc nhanh chóng của những cây bị Greeng sau khi cắt tỉa đã có hiệu quả hơn so với phương pháp đánh bỏ các cây bị bệnh. Bên cạnh đó biện pháp cung cấp dinh dưỡng qua lá cũng góp phần tăng năng suất trong những năm đầu thí nghiệm. Tuy nhiên, biện pháp cung cấp dinh dưỡng qua lá không đem lại hiệu quả kinh tế cho người trồng.

Bệnh đốm nâu là một bệnh do nấm Alternaria Alternata f. sp. Citri gây ra.

Bệnh gây hại trên cây cam quýt, làm rụng lá, rụng quả làm ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng. Ở lá, ban đầu xuất hiện các đốm nhỏ màu nâu hoặc đen, bao quanh hoặc không, bởi quầng sáng màu vàng. Ở quả, các mảng vỏ não tối xuất hiện có thể dễ dàng bị phá vỡ. Đối với cây tangor Honey Murcott 10 năm tuổi, De Azevedo (2019) đã tiến hành cắt tỉa vào mùa đông trước khi cây ra hoa (tháng 9 ở Brazil), các cành cây được cắt sát thân chính, cắt bỏ những nơi có cành dày, rậm rạp. Kết quả cho thấy hiệu quả tích cực của việc cắt tỉa vào mùa đông đối với việc quản lý bệnh đốm nâu giúp giảm tỷ lệ mắc, mức độ nghiêm trọng và giá trị AUDPC- diện tích theo đường cong tiến triển bệnh.

b. Nghiên cứu về sâu bệnh hại cây có múi ở Việt Nam

Trên nhóm cây có múi nói chung, đặc biệt là đối với cam (Citrus sinensis) đã có khá nhiều công trình nghiên cứu ở Việt Nam tập trung trên các đối tượng sâu bệnh hại quan trọng và có nguy cơ thành dịch cao.

Theo Ngô Vĩnh Viễn & cs. (2006), trên cây có múi có 13 loại sâu hại, trong đó các đối tượng sâu vẻ bùa, rầy chổng cánh, rệp, sâu dục thân, đục cành, ruồi đục quả, ngài chích hút nhựa quả, nhện,… gây ảnh hưởng rất đáng kể nếu không có biện pháp phòng trừ tổng hợp và đồng bộ. Trong số 10 bệnh hại được đánh

giá, các bệnh quan trọng cần đặc biệt lưu ý là greening, tristeza, phấn trắng, sẹo và thán thư.

Theo Trần Thị Thanh Vân & cs. (2008), bước đầu khảo sát được hiệu quả của việc phun tỏi, chiết xuất từ củ gừng và củ hành ở các nồng độ khác nhau đều có hiệu lực trong phòng trừ bọ trĩ Thrip spp và Scirtothips dorsalis Hood trên lộc non của bưởi Da xanh trong điều kiện phòng thí nghiệm.

Từ kết quả của một số chương trình hợp tác song phương và đa phương với các tổ chức khu vực và quốc tế như chương trình bệnh vàng lá greening (UNDP- FAO), dự án phục hồi cây có múi ở Việt Nam (FFTC và CIRAD-FLHOR), đã xác định nguyên nhân, mô tả triệu chứng và thiết lập bản đồ phân bố bệnh vàng lá greening trên toàn quốc đồng thời thiết lập hệ thống sản xuất cây sạch bệnh bao gồm cả sử dụng phương pháp vi ghép đỉnh sinh trưởng (STG) cùng với kỹ thuật giám định, chẩn đoán phù hợp.

Nghiên cứu về bệnh chảy gôm (Phytophthora) hại cây có múi ở miền Bắc Việt Nam cho thấy bệnh gây hại nặng trên các giống bưởi Sửu, bưởi Phúc Trạch, bưởi Thanh Trà, trong khi đó cam chua Hải Dương, chấp, cam Dân tộc và quất rất ít bị hại. Ở miền Bắc bệnh gây hại nặng trong các tháng mưa nhiều (tháng 7, 8, 9). Cây có độ tuổi càng cao khả năng nhiễm bệnh càng lớn. Sử dụng Ridomil MZ 72 WP và Aliette 80 WP ngăn ngừa và phòng trừ bệnh này trên đồng ruộng bằng quét gốc, thân cành và tưới vòng quanh tán cây cho hiệu quả cao (Nguyễn Thị Kim Sơn, 2003).

Bệnh đốm đen (Phyllosticta citricarpa) là loại bệnh nguy hiểm, có ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng bưởi Phúc Trạch tại Hà Tĩnh. Nhóm tác giả Vũ Việt Hưng & cs. (2016, 2017) đã nghiên cứu và chỉ ra rằng thuốc Score 250EC (hoạt chất hóa học chính là Difenoconazolen) cho hiệu quả cao nhất trong việc phòng trừ bệnh đốm đen. Thời điểm xử lý thuốc thích hợp nhất là phun sau tắt hoa 6 – 7 tuần với số lần phun là 3 lần, các lần phun cách nhau 15 ngày.

Những công trình nghiên cứu trong các năm qua mới chỉ dừng lại ở từng đối tượng gây hại cụ thể trên cây có múi, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hiện nay. Cần có một nghiên cứu đồng bộ, trên cơ sở kế thừa và kiểm nghiệm các kết quả nghiên cứu trước đây, nhằm xây dựng quy trình phòng trừ sâu bệnh tổng hợp trên cây cam ở những vùng sản xuất bưởi tập trung.

Tóm tắt tổng quan tài liệu trong mối quan hệ với tổng quan đề tài:

- Tình hình sản xuất cam trên thế giới và ở Việt Nam vẫn đang được chú trọng đầu tư. Nước ta có nhiều vùng cây ăn quả có múi lớn như vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trung du miền núi phía Bắc (Hà Giang, Lào Cai,…), Bắc Trung Bộ (Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa,…). Tuy nhiên, việc nghiên cứu để xác định vùng trồng tiềm năng cho các giống thích hợp với từng vùng vẫn còn chưa đc nghiên cứu mở rộng.

- Cam quýt là cây ăn quả lâu năm, quá trình sinh trưởng, phát triển của cây chịu ảnh hưởng vào nhiều yếu tố như: yếu tố nội tại (di truyền), đặc điểm sinh vật học của từng dòng/giống (tuổi cây, hình thức nhân giống, điều kiện sinh sống,…), kỹ thuật canh tác. Vì vậy, cần tiến hành nghiên cứu các đặc điểm riêng của từng dòng/giống để đưa ra các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp trong điều kiện sống của từng loại.

- Việc tìm hiểu chế độ dinh dưỡng thích hợp đối với cây cam góp phần quản lý được hiệu quả sử dụng phân bón trong từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây. Tuy nhiên, cần xác định được công thức bón phân thích hợp với từng dòng/giống, trên từng điều kiện sống khác nhau.

- Trên cơ sở đó tiến hành nghiên cứu việc kết hợp kỹ thuật cắt tỉa phù hợp trong từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây làm tăng năng suất, chất lượng quả.

- Các nghiên cứu cũng chỉ ra được một số sâu bệnh gây hại trên cây cam cần được quan tâm. Trong quá trình nghiên cứu cần đưa ra được các biện pháp tối ưu giảm thiểu lượng sâu bệnh hại.

PHẦN 3. VẬT LIỆU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng sản xuất và nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng cam khe mây tại hà tĩnh (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)