2.1. Những thành tựu trong nghiên cứu mà luận án kế thừa và tiếp tục phát triển
Dựa vào kết quả nghiên cứu từ các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan, luận án dự kiến kế thừa và tiếp tục phát triển những khía cạnh sau đây:
- Kế thừa quan điểm của các học giả nghiên cứu nhìn nhận, đánh giá giới hạn tự do hợp đồng là một trong các giới hạn quyền tự do kinh doanh xuất phát từ quyền con người. Các học giả đã phân tích quyền con người là một quyền hiến định. Hiến pháp của Việt Nam qua các thời kỳ và Hiến pháp của các quốc gia trên thế giới đều ghi nhận và đảm bảo quyền con người. Tuy nhiên, quyền con người trong các bản Hiến pháp này cũng bị hạn chế, giới hạn trong những trường hợp nhất định.
- Kế thừa một số tiêu chí được các học giả đã đưa ra mà từ đó, quyền con người bị giới hạn. Giới hạn tự do hợp đồng của các chủ thể là nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích chung của cộng đồng, bảo vệ giá trị đạo đức trong xã hội, tính không trái quy định của pháp luật hay bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên yếu thế (người tiêu dùng) và nhằm đảm bảo sự phát triển theo một trật tự nhất định của xã hội. Khi nghiên cứu các tiêu chí hạn chế tự do ý chí, hạn chế tự do hợp đồng, phần lớn các học giả đều đồng nhất quan điểm rằng tiêu chí phổ biến nhất nhằm giới hạn tự do ý chí (tự do hợp đồng) là vì lợi ích chung của cộng đồng và nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Kế thừa kết quả nghiên cứu của các học giả về những vấn đề lý luận cơ bản liên quan đến hợp đồng trong hoạt động thương mại. Từ đó, các học giả này cũng đã thể hiện được những quy định thể hiện giới hạn tự do hợp đồng của các chủ thể. Có thể thấy rằng phần lớn các quy định liên quan đến giới hạn tự do hợp hợp đồng được các tác giả đề cập là hợp đồng nói chung. Những quy định liên quan đến hợp đồng trong hoạt đồng thương mại cũng phải dựa trên cơ sở quy định của hợp đồng nói chung. Tuy nhiên hợp đồng trong hoạt động thương mại khá đa dạng; các hợp đồng này có những đặc trưng riêng, thí dụ như hợp đồng tiêu dùng, hợp đồng nhượng quyền thương mại, hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch…. Vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu và phân tích toàn diện những vấn đề lý luận liên quan đến giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại là cần thiết.
- Kế thừa và tiếp tục phát triển một số đánh giá thực trạng của các học giả liên quan đến giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở một số khía cạnh liên quan đến chủ thể, hình thức, hợp đồng vô hiệu…cũng như việc nghiên cứu pháp luật của một số quốc gia về giới hạn tự do hợp đồng của các học giả. Các học giả cũng đã so sánh sự tương đồng giữa các quy định của các quốc gia về vấn đề này, làm cơ sở cho việc rút ra bài học kinh nghiệm quý báu mà pháp luật của các quốc gia có thể tiếp thu, học hỏi nếu phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của quốc gia mình.
- Kế thừa một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng và một số biện pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về vấn đề này ở những khía cạnh mà các học giả đề cập trong các công trình nghiên cứu. Đây sẽ là căn cứ gợi mở cho NCS tiếp tục nghiên cứu, phát triển để đưa ra những giải pháp cụ thể khác cho việc hoàn thiện đề tài luận án của mình.
2.2. Những vấn đề còn bỏ ngỏ, chưa được giải quyết thấu đáo cần tiếp tục nghiên cứu
Thông qua các công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước và ngoài nước, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những lý luận cơ bản, mang tính nền tảng của pháp luật về hạn chế quyền con người, hạn chế quyền tự do kinh doanh, NCS thực hiện việc triển khai việc nghiên cứu đề tài “Giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam” bao gồm những vấn đề sau đây:
- Làm rõ sự cần thiết giới hạn tự do hợp đồng trong hợp đồng nói chung và hợp đồng trong hoạt động thương mại nói riêng. Trong quan hệ hợp đồng, tự do ý chí (tự do hợp đồng) là một yếu tố luôn luôn được đề cao và xu hướng tự do hợp đồng ngày càng được mở rộng trong nền kinh tế hiện đại. Mặc dù vậy, tự do ý chí trong đó có tự do hợp đồng vẫn có thể bị giới hạn trong một số trường hợp nhất định. Vì vậy luận án đề cập đến vấn đề này từ đó có những lý giải sâu sắc sự cần thiết giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại.
- Làm rõ khái niệm, đặc điểm giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại và pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại. Giới hạn tự do hợp đồng thể hiện sự can thiệp của Nhà nước đối với quan hệ hợp đồng thông qua các quy định của pháp luật. Vì vậy giới hạn tự do hợp đồng và pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng cần được nhận diện rõ nét dưới góc độ khái niệm, cũng như những đặc trưng cơ bản.
- Làm rõ và nghiên cứu nội dung pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại. Đây chính là một trong những nội dung quan trọng, làm căn cứ để NCS tiếp tục phân tích, đánh giá và nghiên cứu ở các chương tiếp theo của luận án. Bên cạnh đó, NCS còn nghiên cứu, so sánh kinh nghiệm của một số quốc gia về giới hạn tự do hợp đồng, từ đó chỉ ra sự tương đồng, khác biệt trong các quy định pháp luật có liên quan.
- Đánh giá thực trạng pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại và thực thi pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam hiện nay. Nội dung này sẽ được luận án triển khai, đánh giá dưới hai góc độ là ưu điểm và hạn chế, bất cập còn tồn tại trong quy định pháp luật, cũng như thực tiễn thi hành pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại. Trong đó, NCS sẽ tập trung chủ yếu nghiên cứu những điểm còn hạn chế, tồn tại làm căn cứ đưa ra một số giải pháp cụ thể.
- Đề xuất một số phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật và các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại trong thời gian tới. Những đề xuất này được NCS đưa ra tương ứng với những hạn chế, bất cập được phân tích, đánh giá thực trạng quy định pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại trong thời gian vừa qua.