Cơ sở lý thuyết nghiên cứu

Một phần của tài liệu Giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại theo quy định pháp luật Việt Nam. (Trang 43 - 44)

3. Cơ sở lý thuyết nghiên cứu, câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu

3.1.Cơ sở lý thuyết nghiên cứu

Một số lý thuyết nghiên cứu được NCS đề cập trong luận án bao gồm:

- Thứ nhất, NCS nghiên cứu giới hạn tự do hợp đồng nói chung, hợp đồng trong hoạt động thương mại nói riêng trước hết dựa trên cơ sở học thuyết về quyền con người. Xét ở góc độ chung nhất, quyền con người đã hàm chứa cả quyền tự do kinh doanh và quyền tự do hợp đồng. Ở Việt Nam, quyền con người được Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, ghi nhận và đảm bảo thực hiện trong các bản Hiến pháp ở các thời kỳ khác nhau. Các bản Hiến pháp, bên cạnh việc ghi nhận các quy định về/liên quan đến quyền con người, cũng đồng thời quy định nghĩa vụ của con người. Nói cách khác, đó chính là sự hạn chế quyền con người, trong đó có sự hạn chế quyền tự do kinh doanh, hạn chế quyền tự do hợp đồng. Theo Hiến pháp (2013) “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14). Qua thời gian, quyền con người được ghi nhận một khá đầy đủ và toàn diện. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và bảo đảm cho quyền con người được thực hiện, trong đó có những cơ chế, quy định để khuyến khích các chủ thể thực hiện quyền tự do kinh doanh trong khuôn khổ của pháp luật. Tuy nhiên cũng phải khẳng định, muốn quyền con người được bảo đảm trọn vẹn thì con người cũng phải thực hiện các nghĩa vụ tương ứng.

- Thứ hai, việc nghiên cứu giới hạn tự do hợp đồng nói chung và hợp đồng trong hoạt động thương mại nói riêng còn dựa vào học thuyết tự do ý chí. Học thuyết này có nhược điểm nhất định, không thể giải quyết một cách thỏa đáng những mối quan hệ xã hội phức tạp khi mà con người có sự phụ thuộc lẫn nhau, khi mà vị thế của mỗi chủ thể trong quan hệ hợp đồng luôn ngang bằng hay bình đẳng với nhau…Vì vậy các nhà làm luật buộc phải đưa ra quy định có tính chất bắt buộc và điều này cũng đồng nghĩa với việc tự do ý chí (tự do hợp đồng) bị giới hạn. Tuy nhiên việc giới hạn này là không thể tùy tiện, chỉ đặt ra trong “trường hợp cần thiết” như Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật khác quy định

- Thứ ba, ngoài học thuyết quyền con người, học thuyết tự do ý chí, giới hạn tự do hợp đồng còn được xác định trên cơ sở học thuyết lạm dụng vị thế. Trong

quan hệ hợp đồng, có thể có những chủ thể ở vị thế chiếm ưu thế hơn so với chủ thể còn lại, dẫn đến sự thiếu bình đằng giữa các chủ thể. Trong khi nguyên tắc bình đẳng về chủ thể là một trong những nguyên tắc cơ bản trong pháp luật dân sự nói chung. Vì vậy, cần thiết phải có sự can thiệp của Nhà nước trong trường hợp này, nhằm đảo bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể. Theo nghĩa rộng, sự can thiệp của Nhà nước là sự can thiệp đối với toàn bộ nền kinh tế. Theo nghĩa hẹp, sự can thiệp của Nhà nước là sự can thiệp vào khu vực quyền lợi tư3. Vì vậy, giới hạn tự do hợp đồng cũng đồng nghĩa với sự can thiệp của Nhà nước đối với quyền lợi của các chủ thể trong quan hệ hợp đồng. Tuy nhiên sự can thiệp này được đặt ra nhằm cân đối lợi ích của cá nhân với lợi ích công cộng hay bảo vệ bên yếu thế trong một giao dịch cụ thể hoặc nền kinh tế cần được phát triển theo những định hướng nhất định nào đó.

Một phần của tài liệu Giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại theo quy định pháp luật Việt Nam. (Trang 43 - 44)