Ở Việt Nam một số nhà khoa học thú y đã có những nghiên cứu tổng kết về bệnh sinh sản trên đàn lợn nái. Bệnh sinh sản có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất sinh sản của lợn nái, nó không chỉ làm giảm sức sinh sản của lợn nái mà còn có thể làm cho nái mất khả năng sinh sản, chậm sinh hay làm giảm khả năng sống sót của lợn con.
Theo Phạm Sỹ Lăng và cs. (2002) [16], bệnh viêm tử cung do vi khuẩn
Streptococcus và Colibacilus nhiễm qua cuống rốn của lợn con sang lợn mẹ do đẻ khó, sát nhau, sảy thai hay qua dụng cụ thụ tinh nhân tạo cứng gây xây xát tạo các ổ viêm nhiễm trong tử cung, âm đạo.
Nguyễn Xuân Bình (2000) [1] cho biết, ở những nái bị viêm tử cung thường biểu hiện sốt theo quy luật sáng chiều (sáng sốt nhẹ, chiều sốt nặng).
Trần Tiến Dũng và cs. (2002) [6] khuyến nghị rằng: khi gia súc bị bệnh viêm tử cung ở thể viêm cơ, viêm tương mạc thì không nên tiến hành thụt rửa
bằng các chất sát trùng với thể tích lớn. Vì khi bị tổn thương nặng, cơ tử cung co bóp yếu, các chất bẩn không được đẩy ra ngoài, lưu trong đó làm cho bệnh nặng thêm. Các tác giả đề nghị nên dùng oxytoxin kết hợp PGF2α hoặc kết hợp với kháng sinh điều trị toàn thân và cục bộ.
Phạm Hữu Doanh và Lưu Kỷ (2003) [5] cho biết: trước khi đẻ lau, xoa vú và tắm cho lợn nái. Cho con đẻ đầu tiên bú ngay sau 1h đẻ, cắt răng nanh lợn con. Chườm nước đá vào bầu vú để giảm sưng, giảm sốt. Tiêm kháng sinh Penicillin 1,5 - 2 triệu đơn vị với 10ml nước cất tiêm quanh vú. Nếu nhiều vú bị viêm thì pha loãng liều thuốc trên với 20 ml nước cất, tiêm xung quanh các vú viêm. Tiêm trong 3 ngày liên tục.
Trịnh Văn Tuấn (2015) [24] cho biết, do trong quá trình mang thai lợn ăn nhiều chất dinh dưỡng, ít vận động hoặc bị nhiễm một số bệnh truyền nhiễm như: bệnh xoắn khuẩn (Leptospirosis), bệnh sảy thai truyền nhiễm (Brucellosis) và một số bệnh truyền nhiễm khác làm cơ thể lợn nái yếu dần dẫn đến lợn sảy thai, đẻ non, thai chết lưu từ đó dẫn đến viêm tử cung.
Theo Lã Văn Kính và cs. (2019) [11]: khi tăng tỷ lệ xơ trong khẩu phần lợn nái mang thai từ 8% lên 10 - 12% đã giúp tăng khối lượng lợn nái lúc mang thai lên 24 - 35%, tăng khả năng ăn vào của lợn nái nuôi con từ 12 - 17%, tăng khối lượng lợn con sơ sinh/ổ từ 2 - 8% và tăng khối lượng lợn con cai sữa/ổ từ 6 - 10%. Tỷ lệ xơ trong khẩu phần lợn nái mang thai tối ưu là 10 - 12%. Không nên phối hợp khẩu phần có tỷ lệ xơ trong khẩu phần vượt quá 12%.