Các dịch vụ và hạ tầng Logistics cơ bản

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ẢNH HƯỞNG của HIỆP ĐỊNH THƯƠNG mại tự DO VIỆT NAM hàn QUỐC tới đầu tư hạ TẦNG của các CÔNG TY LOGISTICS VIỆT NAM (Trang 25 - 28)

1.2.2.1. Dịch vụ logistics

Các nhà cung ứng dịch vụ logistics bao gồm các tổ chức, cá nhân cung ứng các dịch vụ logistics cho khách hàng bằng cách tự mình thực hiện hoặc thuê lại thương nhân khác thực hiện một hay nhiều công đoạn của dịch vụ đó. Dịch vụ logistics thường phân chia thành 3 nhóm:

- Các dịch vụ logistics chủ yếu, bao gồm: Dịch vụ bốc xếp hàng hoá, bao gồm cả hoạt động bốc xếp container; Dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, bao gồm cả hoạt động kinh doanh kho bãi container và kho xử lý nguyên liệu, thiết bị; Dịch vụ đại lý vận tải, bao gồm cả hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan và lập kế hoạch bốc dỡ hàng hóa; Dịch vụ bổ trợ khác, bao gồm cả hoạt động tiếp nhận, lưu kho và quản lý thông tin liên quan đến vận chuyển và lưu kho hàng hóa trong suốt cả chuỗi logistics; hoạt động xử lý lại hàng hóa bị khách hàng trả lại, hàng hóa tồn kho, hàng hóa quá hạn, lỗi mốt và tái phân phối hàng hóa đó; hoạt động cho thuê và thuê mua container.

- Các dịch vụ logistics liên quan đến vận tải, bao gồm: Dịch vụ vận tải đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường ống.

- Các dịch vụ logistics liên quan khác, bao gồm: Dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật; Dịch vụ bưu chính; Dịch vụ thương mại bán buôn; Dịch vụ thương mại bán lẻ, bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa, phân phối lại và giao hàng; Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.

Phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ logistics bao gồm các nội dung chủ yếu: - Phát triển các loại hình doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics xét trên các khía cạnh: hình thức sở hữu (doanh nghiệp của Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần,

doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), quy mô, tính chuyên môn hóa, chất lượng dịch vụ cung ứng...

- Phát triển các phương thức cung ứng dịch vụ logistics: 1PL, 2PL, 3PL... - Phát triển các loại hình dịch vụ logistics từ đơn lẻ đến dịch vụ trọn gói…

1.2.2.2. Hạ tầng Logistics của nền kinh tế

Có nhiều khái niệm về kết cấu hạ tầng. Trong nhiều tài liệu, từ cơ sở hạ tầng và từ kết cấu hạ tầng được dùng tương tự nhau, với nghĩa là các cấu trúc vật chất và tổ chức cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của một xã hội, một nền kinh tế hoặc/và một doanh nghiệp. Trong luận án, để thống nhất, thuật ngữ “kết cấu hạ tầng” được sử dụng. Hiểu một cách khái quát, kết cấu hạ tầng là một bộ phận đặc thù của cơ sở vật chất kỹ thuật trong nền kinh tế quốc dân có chức năng, nhiệm vụ cơ bản là đảm bảo những điều kiện chung cần thiết cho quá trình sản xuất và tái sản xuất mở rộng được diễn ra bình thường, liên tục. Kết cấu hạ tầng cũng được định nghĩa là tổng thể các cơ sở vật chất, kỹ thuật, kiến trúc đóng vai trò nền tảng cho các hoạt động kinh tế - xã hội được diễn ra một cách bình thường.

Kết cấu hạ tầng, theo nghĩa chung nhất, là tổng thể các cơ sở vật chất, kỹ thuật, kiến trúc đóng vai trò nền tảng cho các hoạt động kinh tế - xã hội được diễn ra một cách bình thường. Kết cấu hạ tầng logistics, do đó, có thể được hiểu là tổng thể các yếu tố vật chất, kỹ thuật, kiến trúc đóng vai trò nền tảng cho các hoạt động logistics nói chung và các dịch vụ logistics nói riêng diễn ra một cách bình thường. Kết cấu hạ tầng logistics thông thường được chia thành 2 nhóm: kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và kết cấu hạ tầng thông tin liên lạc.

Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải là hệ thống các công trình kỹ thuật, các công trình kiến trúc và các phương tiện mang tính chất nền móng cho sự phát triển của ngành giao thông vận tải và của nền kinh tế. Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải bao gồm các tuyến đường và phương tiện vận chuyển (đường bộ, đường sắt, đường không, đường thủy, đường ống…), hệ thống ga cảng và các yếu tố phụ trợ như tín hiệu, biển báo điều khiển giao thông, đèn chiếu sáng… Các công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông thường có quy mô lớn, chủ yếu tồn tại ở ngoài trời, được phân bổ thành mạng lưới và chịu nhiều ảnh hưởng của yếu tố tự nhiên.

Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thường được chia thành:

- Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: bao gồm hệ thống các loại đường (quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã…), hệ thống các loại cầu trên đường, các loại phương tiện vận chuyển cùng các yếu tố vật chất khác phục vụ cho việc vận chuyển trên đường bộ như bến bãi đỗ xe, đèn tín hiệu, biển báo giao thông, đèn chiếu sáng trên đường…

- Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường sắt bao gồm các tuyến đường ray, cầu sắt, đường hầm, các nhà ga, các loại đầu máy, toa xe và hệ thống thông tin đường sắt…

- Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường không bao gồm các sân bay, đường băng, máy bay và các hệ thống phụ trợ…

- Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường thủy bao gồm hệ thống cảng, đội tàu, phương tiện, cầu cảng, và các yếu tố phụ trợ… Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải lại thường được chia thành đường thủy nội địa và đường biển.

Kết cấu hạ tầng thông tin liên lạc bao gồm mạng lưới điện thoại cố định, di động, vệ tinh, internet, cáp viễn thông… đảm bảo cho quá trình truyền đạt thông tin logistics được tiến hành bình thường. Dịch vụ logistics liên quan đến việc thực hiện và kiểm soát toàn bộ hàng hóa cũng như thông tin có liên quan từ nơi hình thành hàng hóa đến nơi tiêu thụ cuối cùng. Do đó, thông tin chính xác, kịp thời là nền tảng đảm bảo sự thành công của hoạt động logistics, bởi thực chất, nếu xét ở khía cạnh công nghệ thông tin, logistics chính là sử dụng và xử lý thông tin để tổ chức và quản lý chu trình di chuyển của hàng hóa qua các chặng vận chuyển, các phương tiện vận chuyển tại các địa điểm khác nhau đáp ứng yêu cầu của các chủ thể trong toàn bộ hệ thống logistics. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, công nghệ thông tin là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với quá trình cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics. Sự tiến bộ của công nghệ thông tin, với cơ sở hạ tầng thông tin hiện đại có thể giúp cho doanh nghiệp logistics tích hợp, xử lý, trao đổi và quản lý hiệu quả các dòng thông tin trong quá trình cung ứng các dịch vụ của mình một cách dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả.

Có thể nói, kết cấu hạ tầng logistics có vai trò quan trọng đối với sự phát triển dịch vụ logistics của một quốc gia. Sự phát triển và trình độ của kết cấu hạ tầng có ảnh hưởng đến nhiều hoạt động logistics khác nhau của cả nền kinh tế, các vùng/khu vực kinh tế, các ngành và các doanh nghiệp. Nếu kết cấu hạ tầng không phát triển, hệ thống logistics của cả doanh nghiệp lẫn các vùng, ngành khác nhau rất khó phát huy hiệu quả, từ đó hạn chế sự giao thương trong nội bộ nền kinh tế cũng như với nước ngoài. Ngược lại, một kết cấu hạ tầng phát triển sẽ khiến các dịch vụ logistics có hiệu quả hơn, giảm chi phí dịch vụ và thúc đẩy chất lượng dịch vụ. Nói cách khác, một kết cấu hạ tầng phát triển có thể tăng năng lực cạnh tranh của các dịch vụ logistics và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ẢNH HƯỞNG của HIỆP ĐỊNH THƯƠNG mại tự DO VIỆT NAM hàn QUỐC tới đầu tư hạ TẦNG của các CÔNG TY LOGISTICS VIỆT NAM (Trang 25 - 28)