3.1.2.1. Điểm mạnh
(1) Quy mô thị trường dịch vụ logistics Việt Nam tuy nhỏ (khoảng 2% - 4% GDP), nhưng tốc độ tăng trưởng cao (20% - 25%/năm). Với khoảng cách địa lý kéo dài hàng ngàn cây số trên trục Bắc - Nam, nhu cầu vận chuyển hàng hóa đường dài ngày càng tăng. Khối lượng hàng hóa qua cảng biển năm 2020 dự kiến tăng lên mức 900 - 1.100 triệu tấn, năm 2030 dự kiến đạt 1.600 - 2.100 triệu tấn. Nhìn chung, ngành logistics Việt Nam rất có triển vọng phát triển.
(2) Số doanh nghiệp thành lập và hoạt động trong ngành logistics tại Việt Nam khá lớn và gồm nhiều thành phần. Cả nước có khoảng 1.200 doanh nghiệp (vượt cả Thái Lan, Singapore), trong đó các công ty logistics đa quốc gia hàng đầu
trên thế giới (Top 25 hoặc 30) đã có mặt tại Việt Nam. Các công ty nước ngoài hoạt động đa dạng, đặc biệt trong việc cung ứng dịch vụ 3PL (Third Party Logistics) với trình độ công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp như tại các nước phát triển.
3.1.2.2. Điểm yếu
(1) Các doanh nghiệp logistics Việt Nam hoạt động còn manh mún, thiếu kinh nghiệm và chuyên nghiệp, phần lớn chỉ cung cấp dịch vụ cơ bản, dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ, ít giá trị gia tăng hay gia công cho các công ty nước ngoài. Tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu (80% doanh nghiệp thành lập có vốn điều lệ vài tỷ đồng), tổ chức mạng lưới toàn cầu, hệ thống thông tin còn rất hạn chế. Nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics chưa qua đào tạo bài bản và còn thiếu, yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt thiếu các chuyên gia logistics giỏi, có năng lực ứng dụng và triển khai tại các doanh nghiệp.
(2) Sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn nhiều hạn chế, chưa chặt chẽ và tin tưởng. Đây là một trong những lý do làm dịch vụ logistics của chúng ta kém phát triển so với yêu cầu. Tỷ lệ thuê ngoài logistics còn rất thấp, khoảng 25% - 30%, trong khi của Trung Quốc là 63,3% (2010), Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu trên 40%.
(3) Chi phí logistics tại Việt Nam khá cao, chiếm 20,8% GDP (năm 2016), trong đó chi phí vận tải chiếm 40% - 50% giá thành sản phẩm (tỷ lệ này là 15% ở các quốc gia khác). Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân dẫn đến chi phí cao là do hạ tầng giao thông vận tải yếu kém, công nghệ thông tin chưa hỗ trợ hiệu quả nên dẫn đến ùn tắc giao thông và năng suất thấp, kết nối hạ tầng, khả năng xếp dỡ và trung chuyển container còn hạn chế, thời gian thông quan tại cảng kéo dài.