Câu hỏi nghiên cứu 1: Vậy chức năng quản lý kinh tế của nhà nước là gì ? Đặc điểm, nội dung, phương pháp, các điều kiện bảo đảm thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là gì ?
Câu hỏi nghiên cứu 2: Quá trình vận động, phát triển và thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có tuân theo quy luật khách quan không ? Còn có những hạn chế gì và do những nguyên nhân nào ?
Câu hỏi nghiên cứu 3: Quan điểm nào cần quán triệt để bảo đảm chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong giai đoạn hiện nay ? Có những giải pháp nào để hoàn thiện và bảo đảm thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước?
Tiểu kết chương 1
Qua các công trình nghiên cứu về chức năng quản lý kinh tế của nhà nước ở trong nước và nước ngoài, luận án rút ra kết luận như sau:
1. Nhân loại đã chứng kiến sự ra đời, phát triển, đấu tranh sinh tồn và suy vong của các hình thái nhà nước khác nhau trong lịch sử phát triển của mình. Gắn với quá trình đó, vai trò và chức năng của nhà nước với sự phát triển kinh tế, xã hội chiếm một vị trí quan trọng, không chỉ mang tính giai cấp mà còn phản ánh đặc
trưng của thể chế, cơ cấu, tổ chức xã hội từng thời kỳ và phù hợp với sự phát triển nhận thức con người. Nhà nước trong nền KTTT định hướng XHCN, mang những nội hàm tương đồng và cả khác biệt khi so sánh với nhà nước nói chung.
2. Ở Việt Nam, việc thiếu những định nghĩa rõ ràng để phân biệt các khái niệm “chức năng kinh tế”, “chức năng quản lý nhà nước về kinh tế” và “chức năng quản lý kinh tế” khiến việc thiết kế, triển khai, giám sát và đánh giá pháp luật về kinh tế, các chính sách kinh tế của Nhà nước nói chung và Chính phủ nói riêng trở nên kém hiệu quả bởi ngay trong lý luận đã tồn tại nhiều khoảng mờ và chồng chéo. Phải chăng, chức năng quản lý kinh tế là của Nhà nước nói chung, còn Chính phủ cần tập trung hơn vào việc thực hiện quản lý hành chính về kinh tế (quản lý nhà nước về kinh tế), thông qua việc thể chế hoá các luật về kinh tế và liên quan đến kinh tế, cùng với nhiệm vụ ban hành, điều hành các chính sách cụ thể một cách linh hoạt, mềm dẻo, khả thi và năng động, bảo đảm môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế của người dân, doanh nghiệp được diễn ra trên thực tế.
Bên cạnh đó, khoảng cách giữa chính sách được thiết kế và việc hiện thực hóa các quyết sách đó còn khá xa với thực tiễn. Các chuyên gia đóng vai trò như cố vấn chính sách cho các lãnh đạo nhưng không có quyền hành thực hiện. Do đó, từ khi chính sách được thiết lập và ban hành, cho tới khi các chính sách đó phát huy tác dụng còn nhiều vấn đề đáng bàn.
3. Những khoảng mờ lý luận đó trong các nghiên cứu về vai trò, chức năng kinh tế, chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và đặc biệt là chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và xây dựng thể chế KTTT định hướng XHCN cũng chính là nội dung sẽ được tập trung xem xét, làm sáng tỏ trong luận án. Trong các chương tiếp theo, luận án sẽ được phát triển dựa vào việc tập hợp dữ liệu, tìm kiếm căn cứ thực chứng để làm rõ và củng cố những đề xuất mới trên nền tảng lý luận.
Chương 2