Hiện nay, nền kinh tế trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là nền kinh tế số, và sự phát triển của kinh tế số với tác động tích hợp giữa các công nghệ, nhất là công nghệ cao đang làm thay đổi sâu sắc thế giới từ sản xuất đến các mối quan hệ kinh tế. Khái niệm công nghệ đã được mở rộng và phần mềm của nó bao gồm các thành tố về tri thức, trí tuệ, bí quyết, phương pháp tổ chức, quản lý, cải tiến một giải pháp đã tồn tại hay thực hiện một chức năng cụ thể như là chức năng quản lý kinh tế của nhà nước.
Ở nhiều nước, công nghệ mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại đang đưa đến những thay đổi kinh tế - xã hội với biến chuyển nhanh, rộng và sâu sắc. Đó vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với từng người dân, doanh nghiệp ở mọi quốc gia: thích ứng thành công khi có năng lực thích ứng để tận dụng được cơ hội, giảm thiểu rủi ro; ngược lại nguy cơ phân hoá giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội là rất lớn nếu không đủ năng lực thích ứng. Ở tầm quốc gia, nếu nhà nước không sớm đổi mới và hoàn thiện chức năng quản lý kinh tế của mình để thích ứng với những thay đổi khách quan dưới tác động của công nghệ thì nền kinh tế đất nước sẽ khó phát triển bền vững, nguy cơ bất ổn xã hội là rất lớn. Ở chiều ngược lại, sự phát triển của công nghệ tạo nền tảng bảo đảm thực hiện chức năng quản lý kinh tế của nhà nước theo những nội dung và yêu cầu mới.
Trong những năm gần đây, không chỉ người dân, doanh nghiệp tích cực ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động kinh tế của mình, mà nhà nước ở nhiều quốc gia cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong việc thực hiện chức năng quản lý kinh tế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mình, tăng tính công khai, minh bạch, giảm thiểu quan liêu, tham nhũng.
Hơn nữa, dưới tác động của công nghệ, việc hình thành kinh tế số đã trở lên rõ nét ở nhiều quốc gia với việc hạ tầng số và chính phủ điện tử đang dần hoàn thiện. Do đó, yêu cầu về đổi mới chức năng quản lý kinh tế của nhà nước trong việc tạo khung khổ pháp lý nhằm bảo đảm sự minh bạch, trách nhiệm giải
trình và sự tương tác thân thiện với người dân, doanh nghiệp để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh là hết sức cấp thiết, nhất là khi việc thực thi các cam kết hội nhập, như CPTPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu đang được gấp rút triển khai ở Việt Nam hiện nay [143, tr.218-245]; [114, tr.63-65].
Tiểu kết chương 2
Chức năng quản lý kinh tế là một trong những chức năng quan trọng của các nhà nước nói chung trên thế giới và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nói riêng. Đây là chức năng được quy định trong Hiến pháp và pháp luật, được Đảng và nhân dân thừa nhận. Chương 2 của luận án đã tiếp cận khái niệm chức năng quản lý kinh tế của nhà nước trên cơ sở phân tích, làm rõ các trường phái kinh tế và vai trò của Nhà nước đối với kinh tế và phát triển kinh tế. Từ đó có kết quả nghiên cứu sau:
1. Khái niệm: chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là phương diện hoạt động của Nhà nước tác động tới các ngành, lĩnh vực, khu vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân trong từng giai đoạn, nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
2. Chức năng quản lý kinh tế của nhà nước và chức năng kinh tế của nhà nước có nhiều nét giống và khác nhau với tới mức, có thể gây nhầm lẫn giữa hai khái niệm. Sự khác biệt tinh tế nằm ở tính chất quản lý và quản trị mà mỗi chức năng thiên về. Trong khi chức năng quản lý kinh tế thiên về tính quản lý còn chức năng kinh tế lại có nhiều đặc tính quản trị hơn. Sự khác biệt thể hiện rõ ở chỗ, chức năng kinh tế mang ý nghĩa nội hàm rộng hơn chức năng quản lý kinh tế, cụ thể là chức năng kinh tế của Nhà nước bao gồm cả hoạt động quản trị các doanh nghiệp nhà nước tiến hành đầu tư, sản xuất, kinh doanh như một chủ thể kinh tế, mà về hình thức trong các mối quan hệ kinh tế là Nhà nước cũng bình đẳng với các chủ thể kinh tế khác. Do đó, chức năng quản lý kinh tế là một “tập con”, nằm trong chức năng kinh tế của Nhà nước. Dù cả hai chức năng này đều thể hiện vai trò trên lĩnh
vực kinh tế của Nhà nước đối với xã hội và đều là phương thức để Nhà nước thực hiện quản lý, định hướng nền KTTT.
3. Chức năng quản lý kinh tế của nhà nước nói chung có các đặc điểm cơ bản: tính định hướng; tính thống nhất; tính pháp quyền; tính tương hợp (“đối tác phát triển”).
Với Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, do nền kinh tế đất nước có các đặc trưng riêng có nên chức năng quản lý kinh tế có thêm một số đặc điểm: chủ thể quản lý đa dạng nhưng thống nhất; phương pháp quản lý kinh tế đa dạng; đối tượng quản lý đa dạng, bao gồm nhiều chủ thể, cả các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế cấp dưới đến các chủ thể kinh tế khác.
4. Nội dung của chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước gồm có: xây dựng hệ thống pháp luật về kinh tế; tổ chức thi hành pháp luật về kinh tế; xử lý các vi phạm và giải quyết tranh chấp kinh tế; giải quyết các khuyết tật của KTTT; mở rộng kinh tế đối ngoại, thúc đẩy hội nhập quốc tế.
5. Phương pháp thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước gồm: phương pháp hành chính và giáo dục; phương pháp kinh tế; phương pháp tài phán. Trong đó, phương pháp kinh tế là phương pháp đặc trưng, giữ vai trò chủ đạo, còn phương pháp hành chính và giáo dục giữ vai trò ưu tiên.
6. Chức năng quản lý kinh tế của nhà nước vừa chịu sự chi phối vừa được bảo đảm bởi các điều kiện về chính trị - pháp luật, kinh tế, văn hóa và công nghệ.
Chương 3
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ THỰC TRẠNG THỰC HIỆNCHỨC NĂNG QUẢN LÝ KINH TẾ CỦA NHÀ NƯỚC