Chức năng quản lý kinh tế của nhà nước đòi hỏi cần bảo đảm tính tương hợp giữa nhà nước với thị trường. Điều đó có nghĩa là những nội dung chức năng quản lý kinh tế của nhà nước vừa phải tạo động lực cho phát triển, vừa bảo đảm dân chủ, cạnh tranh công bằng, ổn định và phát triển bền vững; đồng thời, ngăn ngừa được sự phá vỡ hay hạn chế các hoạt động cạnh tranh quá mức trên thị trường.
Nhà nước không chỉ thực hiện chức năng quản lý kinh tế với tư cách là chủ thể quản lý nhà nước về kinh tế mà còn phải là một đối tác phát triển chủ yếu, bình đẳng, hiệu quả, mang tính phục vụ, “bà đỡ”, định hướng đối với tất cả các chủ thể kinh tế khác, thông qua việc quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực công trong sự kết nối, hợp tác với các chủ thể kinh tế khác vì mục tiêu phát triển của cả nền kinh tế quốc dân. Theo lý thuyết về nền KTTT xã hội, trong nền KTTT đề cao sự cạnh tranh có hiệu quả, cần phải có một nhà nước mạnh để hỗ trợ, ổn định và tương hợp với thị trường thông qua pháp luật và chính sách [23, tr.320-321].
Ở Cộng hòa Liên bang Đức, sự can thiệp kinh tế của Nhà nước tuân theo hai nguyên tắc là hỗ trợ và tương hợp. Với nguyên tắc hỗ trợ, Nhà nước Đức đóng vai trò khơi dậy, bảo vệ các nhân tố của thị trường bằng cách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân phát triển; thực hiện chính sách thị trường mở và xây dựng hành lang pháp lý về kinh tế mang tính khả thi cao, bảo đảm cho các doanh nghiệp tự chủ, độc lập trong sản xuất kinh doanh; ổn định nền kinh tế bằng các chính sách tài chính, tiền tệ đúng đắn, thích hợp và duy trì chế độ sở hữu tư nhân cũng như giữ gìn an ninh, trật tự, đảm bảo công bằng xã hội. Còn theo nguyên tắc tương hợp, vai trò và chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước Đức được thực hiện bằng việc hoạch định các chính sách kinh tế phù hợp với sự vận động của nền KTTT, đồng thời bảo đảm các mục tiêu kinh tế - xã hội của quốc gia. Các chính sách kinh tế thể hiện sự phối hợp trong hoạt động kinh tế giữa Nhà nước với thị trường như chính sách nhân lực, chống khủng hoảng chu kỳ, thương mại, tăng trưởng là những chính sách chủ yếu để thực hiện mục tiêu tăng trưởng và ổn định nền kinh tế Đức [108, tr.58-59].
Còn ở Việt Nam, nguyên tắc hỗ trợ thị trường, trong đó có các doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp tư nhân của Nhà nước ta thời gian qua là khá rõ [149]. Nhưng đến nay, Nhà nước vẫn còn can thiệp trực tiếp, quá lớn trong quản lý kinh tế, dẫn đến mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường theo nguyên tắc tương hợp còn ít [41, tr.100].
Trong thời gian tới, việc Nhà nước ta cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03-6-2017 của Đảng về hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN, trong đó “Xác định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ của Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với KTTT” sẽ góp phần định hình được mối quan hệ Nhà nước, thị trường và xã hội theo nguyên tắc tương hợp [43, tr.28].
Tuy nhiên, như đã biết, hoạt động quản lý kinh tế thuộc kiến trúc thượng tầng còn nền kinh tế quốc dân với hoạt động kinh tế diễn ra thuộc cơ sở hạ tầng; giữa hai yếu tố này có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, theo đó việc quản lý cần xuất phát từ đặc trưng của nền kinh tế, chỉ có như vậy hoạt động quản lý mới bảo đảm bám sát thực tiễn và có tính khả thi. Do đó, ngoài những đặc điểm phổ quát nêu trên, chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước ta hiện nay còn có những biểu hiện mang tính đặc điểm riêng, được quy định bởi bản chất, đặc trưng của KTTT định hướng XHCN cụ thể là: quyền làm chủ về kinh tế của nhân dân (bản chất kinh tế); nền dân chủ XHCN với nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực kinh tế [78, tr.66, 209].
Một trong những biểu hiện chủ yếu mang tính đặc điểm riêng có của chức năng quản lý kinh tế là Nhà nước ta thực hiện chức năng này trong mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, vừa tôn trọng và tuân thủ các quy luật khách quan của thị trường, vừa bảo đảm định hướng XHCN của nền kinh tế; vừa đòi hỏi bảo đảm tăng trưởng kinh tế ở mức cao, vừa “thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển”, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bao trùm, không bỏ ai ở lại phía sau; vừa nhấn mạnh vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước nhưng không phủ nhận khả năng tự điều tiết của thị trường.
Hơn nữa, phát triển nền KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối, trong khi đó “Nhận thức về nền KTTT định hướng XHCN chưa đủ rõ. Tư duy bao cấp còn ảnh hưởng nặng nề” [78, tr.63-64]; [43, tr.26].
2.2. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN CHỨC NĂNG QUẢN LÝKINH TẾ CỦA NHÀ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM