Kinh tế thị trường là cơ chế tốt nhất để điều tiết, bảo đảm cho một nền kinh tế tăng trưởng, phát triển. Tuy nhiên, KTTT ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả ở các quốc gia phát triển, cũng tồn tại những khuyết tật vốn có của nó, chủ yếu là:
(1) Lạm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến hậu quả khó lường về môi trường và xã hội
Trong KTTT, hoạt động của các doanh nghiệp với mục đích là lợi nhuận tối đa, vì vậy nhiều khi họ lạm dụng, khai thác tài nguyên bừa bãi, kém hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường sống, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người; dẫn đến không bảo đảm được hiệu quả kinh tế - xã hội và xã hội phát triển thiếu bền vững.
(2) Phân cực xã hội, phân hóa giàu nghèo, không toàn dụng lao động phân cực xã hội, phân hóa giàu nghèo, không toàn dụng lao động
Tác động của KTTT sẽ dẫn tới tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, phân phối thu nhập không công bằng, phân cực về của cải và sự phân hoá giàu - nghèo. KTTT không tự động mang lại những giá trị mà xã hội muốn vươn tới, mặc dù tác động của KTTT có thể tạo ra hiệu quả kinh tế cao.
(3) Độc quyền, thủ tiêu cạnh tranh
Kinh tế thị trường cũng dễ dẫn đến độc quyền, ảnh hưởng xấu đến cạnh tranh bình đẳng. Độc quyền thường tìm cách thủ tiêu cạnh tranh, kìm hãm việc đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp, nhất là trong quản lý, kỹ thuật, công nghiệp. Cạnh tranh giữa các chủ thể kinh tế trong và ngoài nước nhiều khi không lành mạnh, thiếu trung thực cùng các thủ đoạn vi phạm pháp luật, gian lận thương mại với những việc làm tiêu cực như chuyển giá, trốn lậu thuế, làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, lừa đảo, bôi nhọ lẫn nhau,…
Cạnh tranh cũng làm cho một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị phá sản, người lao động thất nghiệp, bị bần cùng hoá, góp phần nới rộng khoảng cách giàu nghèo, phân hoá xã hội.
(4) Khủng hoảng kinh tế có tính chu kỳ
Khủng hoảng kinh tế diễn ra theo chu kỳ là khó tránh khỏi và khó lường với nhiều nước có nền KTTT, dẫn đến phát triển kinh tế quốc gia trở nên bất ổn, thiếu bền vững và điều này đã trở thành vấn đề toàn cầu. Chu kỳ khủng hoảng kinh tế khiến cho kế hoạch kinh doanh của khu vực tư nhân cũng như chương trình, kế hoạch, chính sách kinh tế của nhà nước gặp khó khăn. Việc làm và lạm phát cũng thường biến động theo chu kỳ kinh tế. Đặc biệt là khi suy thoái, kinh tế - xã hội của quốc gia thường gánh chịu những tổn thất to lớn, cùng chi phí khổng lồ.
Chính vì vậy, chức năng quản lý kinh tế, với những nhiệm vụ cụ thể, của nhà nước là để điều chỉnh, can thiệp thông qua hệ thống pháp luật và chính sách kinh tế nhằm khắc phục kịp thời những khuyết tật cố hữu nói trên của KTTT.
Ở nước ta, KTTT định hướng XHCN chính là nền KTTT hiện đại, có tổ chức và được Nhà nước định hướng, điều tiết thông qua chức năng quản lý kinh tế, nhằm phục vụ cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trong đó có sử dụng và phát huy cao độ vai trò tích cực của KTTT, đồng thời hạn chế, sửa chữa những khuyết tật vốn có của nó. Cụ thể là xây dựng và triển khai thực hiện pháp luật, các chính sách kinh tế về dự báo và chủ động đối phó với khủng hoảng, suy thoái kinh tế, chung tay cùng xã hội “xóa đói, giảm nghèo”, giảm bất bình đẳng xã hội và phân hóa giàu nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, việc làm cho
người lao động, chống độc quyền (của doanh nghiệp và bản thân Nhà nước thông qua các doanh nghiệp nhà nước), bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, xử lý kịp thời những vi phạm môi trường, ảnh hưởng xấu đến xã hội,… Có thể nói, trong KTTT định hướng XHCN, chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước bảo đảm các hoạt động kinh tế diễn ra thuận lợi, trong trật tự được quy định bởi các quy phạm pháp luật về kinh tế và liên quan đến kinh tế, phục vụ lợi ích của người dân, hướng đến các mục tiêu của CNXH.