Có nhiều phương pháp nghiên cứu và tìm hiểu về lo âu ở học đường như dùng thang đo Zung (SAS), Hamilton,… Nhưng trong bài nghiên cứu, chúng tôi sử dụng thang đo lo âu học đường B.N.Phillips để đánh giá và phân tích. Trắc nghiệm gồm 58 câu hỏi tình huống, chia làm 8 yếu tố, nội dung chủ yếu tập trung vào các tình huống có thể làm cho tình trạng lo âu ở trường học xảy ra ở học sinh:
- Lo âu học đường nói chung: là yếu tổ chỉ trạng thái cảm xúc chung có liên quan đến các mối quan hệ, các hình thức hoạt động trong cuộc sống tại trường học của các em gồm các câu: 2, 3, 7, 12, 16, 21, 23, 26, 28, 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58.
- Stress xã hội: chỉ trạng thái cảm xúc trong mối liên hệ với những người xung quanh của các em gồm câu: 5, 10, 15, 20, 24, 30, 33, 36, 39, 42, 44.
- Sự hụt hẫng nhu cầu đạt được thành tích: chỉ những cảm xúc bất lợi, làm cho các em không có nhu cầu đạt thành tích, kết quả học tập cao gồm câu: 1, 3, 6, 11, 17, 19, 25, 29, 32, 35, 38, 41, 43.
- Lo âu liên quan đến sự tự thể hiện: là những tình huống trải nghiệm cảm xúc âm tính, làm mất mong muốn khám phá bản thân, ức chế nhu cầu thể hiện sở trường, năng lực của các em gồm câu: 27, 31, 34, 37, 40, 45.
- Lo âu liên quan đến các tình huống kiểm tra kiến thức: chỉ những trải nghiệm lo sợ và thái độ tiêu cực trong các tình huống kiểm tra kiến thức trên lớp gồm câu: 2, 7, 12, 16, 21, 26.
- Sự lo lắng không làm thoả mãn mong đợi của người khác: chỉ trạng thái lo sợ sự đánh giá của người khác về kết quả học tập, chờ đợi những đánh giá âm tính gồm câu: 3, 8, 13, 17, 22.
- Khả năng chống đợ stress sinh lý thấp: đặc điểm tâm sinh lý làm giảm khả năng thích ứng của trẻ gồm câu: 9, 14, 18, 23, 28.
- Lo âu liên quan đến quan hệ với giáo viên: chỉ trạng thái cảm xúc âm tính trong các mối quan hệ của trẻ với thầy cô giáo ở trường gồm câu: 2, 6, 11, 32, 35, 41, 44, 47. Yêu cầu thực hiện đối với học sinh: cần trả lời trung thực, nhanh và có thể không suy nghĩ nhiều. Học sinh thực hiện khảo sát đánh dấu “x” vào ô có hoặc không.
Mục đích sử dụng thang đo để tìm hiểu thực trạng lo âu ở học sinh cấp 2 trên địa bàn TP Thủ Đức. Nghiên cứu đưa ra tỉ lệ học sinh có lo âu ở mực độ khác nhau cụ thể là: không lo âu, lo âu vừa, lo âu nặng, nghiên cứu chỉ tập trung phân tích nhóm lo âu vừa và nặng. Ngoài ra, luận văn đề xuất phương án giải quyết.
Việc sử dụng thang đo lo âu học đường nhằm mục đích phát hiện sớm những biểu hiện lo âu học đường.
Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều tác giả đã triển khai thang đo lo âu học đường trong nghiên cứu của mình, nhằm phù hợp với tình hình và đặc điểm tâm sinh lý của học sinh Việt Nam, qua quá trình trải nghiệm cũng như quan sát thực tế các tác giả đã xây dựng các item phù hợp với học sinh trung học cơ sở. Chính vì vậy, thang đo lo âu học đường đã được Việt hóa, trong luận văn này đã kế thừa những tinh hoa của các tác giả nghiên cứu trước.
Khi sử dụng thang đo lo âu học đường trong luận văn, vì đây là thang đo dễ sử dụng, người khảo sát có thể đọc cho học sinh nghe hoặc đưa cho học sinh tự trả lời theo suy nghĩ ban đầu của các em.