Danh từ. - Tương tự trong tiếng Pháp là: muséalisation; tiếng Tây Ban Nha: musealisación; tiếng Đức: muse- alisierung; tiếng Ý: musealizazione; tiếng Bồ Đào Nha: musealisaçāo.
Với sự hiểu biết chung về thuật ngữ này, bảo tàng hoá có nghĩa là sự sắp xếp trong bảo tàng, hay rộng hơn là biến một trung tâm đời sống, có thể là một trung tâm diễn ra các hoạt động của con người hay một di tích tự nhiên thành một loại bảo tàng. Cách nói “di sản hoá” mô tả rõ hơn nguyên tắc này, chủ yếu là bảo tồn một hiện vật hoặc một địa điểm mà không nêu toàn bộ quy trình bảo tàng. Thuyết tân học về “bảo tàng học” sử dụng nghĩa tiêu cực của từ “hoá đá” (hoặc ướp xác) một khu vực sống, có thể là kết quả của quá trình nêu trên và có thể tìm thấy trong các bài phân tích về “bảo tàng hoá thế giới”. Từ quan điểm bảo tàng học chính xác, quá trình bảo tàng hoá là sự cố gắng chắt lọc vật chất hay quan niệm từ môi trường tự nhiên và văn hoá và cho nó tư cách bảo tàng,
biến đổi nó thành bảo tàng hoặc “hiện vật bảo tàng”, điều đó có nghĩa là đưa nó vào lĩnh vực bảo tàng.
Quá trình bảo tàng hoá không bao gồm việc lấy một hiện vật và đặt nó vào vị trí được gọi là bảo tàng, như Zbyneˇk Stránskýlý giải. Qua việc thay đổi bối cảnh và quá trình lựa chọn và trưng bày, tình trạng của hiện vật thay đổi. Cho dù đó là hiện vật tôn giáo, hiện vật hữu dụng hay hiện vật để giải trí, động vật hay thực vật, thậm chí cái gì đó có thể không nhận diện rõ ràng là hiện vật, một khi đã ở trong bảo tàng, nó trở thành bằng chứng vật thể và phi vật thể của con người và môi trường, là nguồn nghiên cứu và trưng bày, vì vậy đòi hỏi một thực thể văn hoá cụ thể.
Năm 1970, việc nhận ra sự thay đổi về bản chất này đã giúp Stranský đề xuất thuật ngữ musealia nhằm xác định những hiện vật đã trải qua quá trình bảo tàng hoá và có thể nói, đó là tình trạng của hiện vật bảo tàng. Thuật ngữ được dịch sang tiếng Pháp là muséalie (xem Object - Hiện vật).
Bảo tàng hoá bắt đầu bằng giai đoạn phân tách (Malraux, 1951) hoặc treo (Déotte, 1986): hiện vật hoặc đồ vật (hiện vật thật) được tách ra khỏi bối cảnh gốc để nghiên cứu như những tư liệu đại diện cho hiện thực chúng thuộc về trước đó. Một hiện vật bảo tàng không còn là một vật để sử dụng hay trao đổi nữa, mà bây giờ nó sẽ cung cấp bằng chứng xác thực về
hiện thực. Sự di chuyển (Desvallées, 1998) khỏi hiện thực là dạng thức đầu tiên của việc thay thế. Một vật bị tách khỏi bối cảnh thực của nó trên thực tế không khác gì vật thay thế cho hiện thực mà nó được tin nó chính là bằng chứng. Tách khỏi môi trường gốc khiến cho sự chuyển đổi này không tránh khỏi bị mất thông tin, chủ yếu là qua việc khai quật khảo cổ phi pháp, nơi bối cảnh của hiện vật bị mất hoàn toàn khi nó được đào lên khỏi mặt đất. Chính vì lý do đó mà việc bảo tàng hoá, với tư cách là quy trình khoa học, cần thiết phải bao gồm những hoạt động cốt yếu của bảo tàng là: bảo tồn (lựa chọn, sưu tầm, quản lý sưu tập, bảo quản), nghiên cứu (bao gồm việc làm hồ sơ hiện vật) và truyền thông (thông qua trưng bày, xuất bản…), hay, từ góc nhìn khác, những hoạt động xoay quanh việc lựa chọn, sưu tầm và trưng bày những gì đã trở thành musealia (hiện vật bảo tàng). Nhiều nhất thì việc bảo tàng hoá cũng chỉ tạo ra một hình ảnh phụ cho hiện thực mà từ đó hiện vật được lựa chọn. Sự thay thế phức hợp này, hay là mô hình của hiện thực (được dựng lên bên trong bảo tàng) mang giá trị bảo tàng, tức là một giá trị cụ thể phản ánh hiện thực, nhưng bản thân nó không có cách nào là hiện thực.
Việc bảo tàng hoá vượt trên logic của những bộ sưu tập và là một phần của truyền thống được tạo dựng từ quá trình tư duy phát triển cùng với sự
ra đời của những khoa học hiện đại. Hiện vật chứa thông tin hoặc hiện vật- tư liệu, một khi được bảo tàng hoá, trở thành cốt lõi của hoạt động khoa học trong bảo tàng như cách nó đã phát triển từ thời kỳ phục hưng. Mục đích của hoạt động này là khám phá hiện thực bằng những công cụ tư duy giác quan, thử nghiệm và nghiên cứu các bộ phận hợp thành. Góc nhìn khoa học này xem xét điều kiện khách quan và nghiên cứu về những gì được gán cho hiện vật, vượt ra khỏi hào quang làm mờ đi ý nghĩa của nó. Không mơ màng, mà rõ ràng: một bảo tàng khoa học không chỉ trưng bày những hiện vật đẹp mà nó còn kích thích người xem suy nghĩ về ý nghĩa của chúng. Hành động bảo tàng hoá đưa bảo tàng rời xa khỏi một ngôi đền để biến nó thành một phần của quá trình đến gần với phòng thí nghiệm.
☞ TƯƠNG QUAN: SƯU TẦM, TRUYỀN THÔNG, BÀY, HIỆN VẬT TƯ LIỆU, TÍCH TRỮ, HIỆN VẬT ĐƯỢC BẢO TÀNG HOÁ, GIÁ TRỊ BẢO TÀNG, HIỆN VẬT BẢO TÀNG, BẢO QUẢN, NGHIÊN CỨU, DI TÍCH, LỰA CHỌN, TÁCH RỜI, TREO. _______________________________