Danh từ. - Tương tự trong tiếng Pháp là: recherche; tiếng Tây Ban Nha: investigación; tiếng Đức: forschung; tiếng Ý: ricerca; tiếng Bồ Đào Nha: pesquisa, investigaçāo.
Nghiên cứu bao gồm việc khám phá các lĩnh vực được xác định trước với mục đích nâng cao kiến thức về những lĩnh vực đó và hành động có thể thực hiện được. Trong bảo tàng, nghiên cứu bao gồm các hoạt động trí tuệ và công việc nhằm mục đích khám phá, phát minh và nâng cao kiến thức mới liên quan đến các bộ sưu tập của bảo tàng, hoặc các hoạt động mà nó thực hiện.
1. Đến năm 2007, ICOM đã đưa khái niệm nghiên cứu vào phiên bản tiếng Pháp (và chính thức) về định nghĩa bảo tàng, với tư cách là động lực thúc đẩy hoạt động của bảo tàng, mục tiêu của bảo tàng là thực hiện nghiên cứu về bằng chứng vật chất của con người và xã hội, đó là lý do tại sao bảo tàng “sưu tầm, bảo tồn và trưng bày” bằng chứng này. Định nghĩa chính thức này đã coi bảo tàng như một loại phòng thí nghiệm (mở cửa cho công chúng) không còn đại diện cho thực tế bảo tàng ngày nay, vì một phần lớn những nghiên cứu
như thế đã chuyển từ bảo tàng đến phòng thí nghiệm và trường đại học trong khoảng một phần ba thời gian cuối thế kỷ 20. Giờ đây, bảo tàng “sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu, truyền đạt và trưng bày di sản vật thể và phi vật thể của nhân loại” (ICOM, 2007). Định nghĩa này, ngắn hơn định nghĩa trước (và với thuật ngữ “fait des recherches” [làm nghiên cứu] trong tiếng Pháp được thay thế bằng “étudier” [nghiên cứu]) nhưng vẫn cần thiết cho hoạt động chung của bảo tàng. Nghiên cứu là một trong ba hoạt động của mô hình PRC (bảo tồn - nghiên cứu - truyền thông) do Reinwardt Acade- mie (Mensch, 1992) đưa ra nhằm xác định chức năng của các bảo tàng; nó dường như là một yếu tố cơ bản cho các nhà tư tưởng khác biệt như Zbyneˇk Stránský hay Georges Henri Rivière và nhiều nhà bảo tàng học khác từ Trung và Đông Âu, như Klaus Schreiner. Tại Bảo tàng quốc gia về nghệ thuật và truyền thống dân gian, và chính xác hơn là thông qua tác phẩm Aubrac, Rivière đã minh họa cụ thể những hậu quả của chương trình nghiên cứu khoa học đối với tất cả các chức năng của bảo tàng, đặc biệt là các chính sách sưu tầm, xuất bản và triển lãm.
2. Với cơ chế thị trường ưa thích các triển lãm tạm thời gây bất lợi đến trưng bày thường xuyên, một phần của nghiên cứu cơ bản đã được thay thế bằng nghiên cứu ứng dụng, đặc biệt là trong việc chuẩn bị các trưng bày tạm thời. Nghiên cứu trong phạm vi hoạt động của bảo tàng hoặc gắn liền với nó có thể được phân loại thành bốn hạng mục (Davallon, 1995), tùy theo việc nó là một phần trong hoạt động của bảo tàng (công nghệ của nó) hay tạo ra kiến thức về bảo tàng.
Loại nghiên cứu đầu tiên, chắc chắn là phát triển nhất, là bằng chứng trực tiếp về hoạt động truyền thống của các bảo tàng và dựa trên các bộ sưu tập của bảo tàng, chủ yếu dựa vào các bộ môn tham khảo liên quan đến nội dung của các bộ sưu tập (lịch sử nghệ thuật, lịch sử, khoa học tự nhiên, v.v.). Việc xây dựng các hệ thống phân loại, nhằm xây dựng bộ sưu tập và sản xuất các vựng tập, là một trong những ưu tiên nghiên cứu hàng đầu trong bảo tàng, đặc biệt là trong các bảo tàng khoa học tự nhiên (đây là bản chất của phân loại học), trong bảo tàng dân tộc học, khảo cổ học và tất nhiên là trong bảo tàng mỹ thuật.
Loại nghiên cứu thứ hai liên quan đến khoa học và các ngành nằm bên ngoài lĩnh vực nghiên cứu của bảo tàng học (vật lý, hóa học, khoa học truyền thông, v.v.), được theo đuổi
để phát triển các công cụ cho thực hành bảo tàng (được coi là kỹ thuật bảo tàng): vật liệu và các tiêu chuẩn về bảo tồn, nghiên cứu hoặc tu sửa, khảo sát công chúng, phương pháp quản lý, v.v.
Mục đích của loại nghiên cứu thứ ba, có thể được gọi là nghiên cứu bảo tàng học (ví dụ, đạo đức bảo tàng), là kích thích suy nghĩ về sứ mệnh và hoạt động của các bảo tàng, đặc biệt là thông qua công việc của ICOFOM. Các ngành học liên quan về cơ bản là triết học và lịch sử, hoặc bảo tàng học theo định nghĩa của trường phái Brno.
Cuối cùng, loại nghiên cứu thứ tư, cũng có thể được coi là bảo tàng học (được hiểu là tất cả các tư duy phản biện liên quan tới bảo tàng) đề cập đến những phân tích về thể chế, cụ thể là thông qua các khía cạnh truyền thông và di sản của nó. Các ngành khoa học được sử dụng để xây dựng nên hiểu biết về bản thân bảo tàng là lịch sử, nhân học, xã hội học và ngôn ngữ học, v.v.
▹ PHÁI SINH: TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU BẢO TÀNG HỌC, NHÀ NGHIÊN CỨU.
☞ TƯƠNG QUAN: CURATOR, TRUYỀN THÔNG, BẢO TÀNG HỌC, NGHIÊN CỨU BẢO TÀNG, BẢO TÀNG, CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA BẢO TÀNG, NGHIÊN CỨU.