CÁC PHƯƠNG PHÁP CHIA SẺ VÀ “THU HOẠCH”

Một phần của tài liệu Ebook Kĩ năng giải quyết vấn đề trong kinh doanh: Phần 2 (Trang 39 - 41)

CHIA SẺ VÀ TRIỂN KHAI GIẢI PHÁP

CÁC PHƯƠNG PHÁP CHIA SẺ VÀ “THU HOẠCH”

Bạn đã dành thời gian để giải quyết vấn đề thông qua các nhóm nhỏ, và giờ đây bạn đang đề nghị những nhóm đó báo cáo lại trong buổi thảo luận toàn thể. Sau đây là một vài cách để thu thập thông tin từ họ:

■ Một nhóm sẽ trình bày các suy nghĩ của mình, các nhóm khác sẽ bổ sung những thứ chưa được nhóm này nhắc đến. Đây là cách nhanh chóng để nhận được phản hồi. Hãy cẩn thận: nếu một nhóm tỏ ra quá chắc chắn về những ý tưởng của mình, những nhóm khác có thể sẽ cảm thấy họ đang phí thời gian, bởi vì các ý tưởng của họ không được lắng nghe.

■ Mỗi nhóm sẽ trình bày một điểm quan trọng/chủ chốt (“ý tưởng ưu tú nhất”). Đây là cách hữu hiệu để khiến mọi người cảm thấy họ có vai trò ngang nhau trong quá trình. Một điểm cần lưu ý: nếu một nhóm trình bày một quan điểm mà nhóm khác đã chuẩn bị để trình bày, nhóm kia sẽ bắt đầu nói chuyện riêng (và phân tán tư tưởng) bởi họ sẽ tranh luận về quan điểm chủ chốt thứ hai của nhóm và họ sẽ không lắng nghe phần đóng góp của những nhóm khác.

■ Các nhóm sẽ trình bày ý tưởng của mình lên bảng. Một người trong mỗi nhóm sẽ ở cạnh tấm bảng trong khi cả nhóm sẽ di chuyển xung quanh các bảng khác nhau. Khi đó người ở lại bảng sẽ lần lượt trình bày cho các nhóm đi tới. Hãy thực hiện việc này thật nhanh chóng. Nếu các nhóm đưa ra những quan điểm giống nhau thì hoạt động di chuyển này có thể khá chán. Phương pháp này có hiệu quả nhất khi mỗi nhóm làm việc về một vấn đề nhỏ thuộc một chủ đề lớn.

■ Các ý tưởng được sắp xếp xung quanh bức tường giống như trong một triển lãm nghệ thuật. Các nhóm và các cá nhân sẽ dành thời gian đi xung quanh và xem xét các “vật trưng bày” trước khi cùng thảo luận về các ý tưởng tốt nhất.

■ Các nhóm sẽ trình bày về ba điều mà họ đã học/quyết định/kết luận. Tương tự, nếu tất cả mọi người cùng đi đến một kết luận giống nhau, sự lặp lại này sẽ gây nhàm chán. Tuy nhiên, nếu bạn đề nghị mỗi nhóm tuyên bố một ý kiến khác với các nhóm còn lại, khi đó vài nhóm có thể sẽ tranh luận về điều họ sẽ nói trong lúc nhóm khác đang trình bày quan điểm.

■ Một người từ mỗi đội sẽ có 60 giây để tổng hợp các ý tưởng của nhóm mình. Phương pháp biến tấu này bắt nguồn từ một trò chơi lâu đời trên sóng phát thanh của BBC tên Just a Minute (Chỉ một phút thôi), trong đó những thí sinh buộc phải phát biểu về một chủ đề trong vòng 60 giây không được do dự, lạc đề hay lặp đi lặp lại. Những thí sinh khác có thể đưa ra thử thách cho những lỗi sai! Điều này đặt người ta vào thế khó xử, nhưng nó cũng tạo ra yếu tố thú vị và đảm bảo người chơi sẽ tập trung.

■ Các nhóm sẽ trình bày ba hoặc năm bí quyết tốt nhất của họ. Tương tự, điều này có thể gây lặp ý tưởng và khiến các nhóm nói chuyện riêng.

■ Các nhóm sẽ trình bày cách để thực hiện hoàn toàn sai một việc gì đó, qua đó các nhóm khác sẽ học được cách thực hiện đúng việc đó.

■ “Điểm quan trọng nhất là…” và “Điểm ít quan trọng nhất là…” ■ Các nhóm trình bày các góc nhìn đối lập để làm tiền đề thảo luận. Cách này khá hữu ích để đảm bảo một cuộc tranh luận đầy đủ. ■ “Cấm kỵ” – mô tả một chủ đề nhưng không nhắc đến một vài từ khóa nhất định (những từ này được chọn trước bởi người hướng dẫn). Các nhóm còn lại sẽ phải đoán những từ ngữ đang được mô tả.

■ Tạo ra một bản ghi chép tóm tắt hoặc một cách chơi chữ để giúp mọi người ghi nhớ các điểm chính.

Bạn có thể chọn cách chụp hình các tấm bảng rồi phát những bức ảnh cho mọi người sau khi kết thúc sự kiện, như vậy mọi người sẽ cảm thấy họ đã có những đóng góp hợp lý, những ý tưởng có giá trị và ý kiến của họ không bị “cắt” hoặc mất đi.

Một phần của tài liệu Ebook Kĩ năng giải quyết vấn đề trong kinh doanh: Phần 2 (Trang 39 - 41)