Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh tỉnh Nam Định đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các cấp triển khai rộng khắp hệ thống tổ vay vốn và tiết kiệm (VV và TK) trên địa bàn toàn tỉnh nhằm tạo kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả. Đến nay, mô hình tổ VV và TK đã thực sự trở thành kênh chuyển tải vốn tín
dụng nhanh chóng, chính xác, hiệu quả, an toàn đến đông đảo người dân trên địa bàn nông thôn.
Tính đến 31-7-2020, tổng dư nợ cho vay của Agribank Nam Định qua tổ VV và TK trên toàn tỉnh là 10.623 tỷ 947 triệu đồng; trong đó, dư nợ kênh Hội Nông dân là 7.659 tỷ 249 triệu đồng; Hội Phụ nữ là 291 tỷ 731 triệu đồng; hội khác là 2.672 tỷ 966 triệu đồng. Tổng doanh số cho vay qua tổ 7 tháng đầu năm đạt 7.634 tỷ 861 triệu đồng. Tổng số thành viên của tổ VV và TK là 47.415 thành viên. Tổng số tổ VV và TK là 2.289 tổ; trong đó Hội Nông dân có 1.744 tổ, Hội Phụ nữ có 90 tổ, các hội khác là 455 tổ. Nợ xấu 34 tỷ 131 triệu đồng, chỉ chiếm 0,25% tổng dư nợ. Mức cho vay bình quân là 224 triệu đồng/tổ. Từ thực tế hoạt động, mô hình tổ VV và TK luôn được đánh giá cao về hiệu quả nhờ chuyển tải đồng vốn đến tay bà con nông dân một cách thuận lợi, nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, đồng thời tránh được những tiêu cực hoặc hạn chế “tín dụng đen” ở nông thôn. Tổ VV và TK còn là nơi để bà con nông dân gửi gắm niềm tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, đầu tư hiệu quả hơn… Qua đó, các hộ trong tổ nhóm liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, sử dụng vốn có hiệu quả để nâng cao thu nhập, tạo tính cộng đồng ngày càng gắn bó, tạo niềm tin của người dân đối với các chủ trương, chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước.
Agribank chi nhánh tỉnh Nam Định tập trung củng cố tổ chức, hoạt động của tổ VV và TK, nâng cao chất lượng tín dụng. Chú trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ ngân hàng cho các tổ trưởng, chủ dự án để nâng cao hiệu quả công tác chuyển tải vốn tới hộ sản xuất và bảo đảm an toàn tín dụng cho vay qua tổ. Chỉ đạo cán bộ tín dụng tích cực bám sát cơ sở, phối hợp với tổ trưởng nắm chắc tình hình vay vốn của hộ dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn của cơ sở. Không ngừng cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, đơn giản hóa thủ tục; đa dạng hoá các kênh dẫn vốn, đồng thời đưa ra nhiều sản
phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn. Phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường tổ chức kiểm tra công tác triển khai cho vay trong năm, phối hợp với cán bộ tín dụng kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn các tổ VV và TK, kiểm tra mục đích sử dụng vốn của các hộ vay sau giải ngân.
Có thể nói, hệ thống tổ VV và TK đã thực sự là “cánh tay nối dài” giữa ngân hàng và khách hàng, giúp khách hàng tiếp cận nhanh chóng, kịp thời, sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Về phía ngân hàng, cho vay qua tổ VV và TK giúp ngân hàng tìm được những khách hàng có chất lượng, giảm tỷ lệ nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần giảm tải cho cán bộ tín dụng khi phải quản lý nhiều khách hàng.