- Sự nghiệp CM giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động muốn thắng lợi trước hết phải có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
- Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu bảo đảm sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
- Muốn có đường lối đúng đắn Đảng phải độc lập, tự chủ, sáng tạo, xây dựng đường lối cách mạng dựa trên cơ sở lý luận Mác-Lênin, phù hợp với yêu cầu của lịch sử, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mỗi điều kiện, mỗi hoàn cảnh cụ thể
- Muốn giữ vững vai trò lãnh đạo, Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, giữ vững bản chất của GCCN.
4.2.5.3. Ý nghĩa bài học
- Về lý luận, bài học đã tổng kết, khái quát hóa và làm sáng tỏ vấn đề mang tính quy
luật, xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam là vai trò lãnh đạo của Đảng.
- Về thực tiễn, bài học là cơ sở vững chắc để Đảng kiên định vai trò lãnh đạo của
Đảng và nhân dân ta tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, bài học cũng nhắc nhở Đảng phải nỗ lực thường xuyên tự đổi mới, chỉnh đốn, trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để xứng đáng là đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo đất nước, xã hội.
Trong thời kỳ mới, Đảng phải không ngừng củng cố, bồi đắp nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao trình độ lý luận, trí tuệ. Không ngừng bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đường lối, lãnh đạo Nhà nước, cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối thành chính sách, pháp luật. Rèn luyện đạo đức cách mạng theo tấm gương Hồ Chí Minh đề cao trách nhiệm nêu gương. Giữ vững các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.
NỘI DUNG ÔN TẬP VÀ THẢO LUẬN
1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của những bài học lớn về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
2. Sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trong các bài học đã được Đảng tổng kết
3. Giá trị lý luận và thực tiễn của các bài học lớn đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
KẾT LUẬN
Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi Đảng ra đời đến nay đã trải qua những thời kỳ, giai đoạn lịch sử quan trọng, ghi những dấu mốc lịch sử của Đảng, của cách mạng và dân tộc Việt Nam. Đó là thời kỳ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đi tìm con đường cứu nước (1911-1920), truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam (1920-1930) và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2-1930. Từ năm 1930 đến năm 1945, Đảng lãnh đạo các phong trào cách mạng rộng lớn (1930-1931); khôi phục tổ chức (1932-1935); phong trào đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939); hoàn chỉnh đường lối giải phóng dân tộc, lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập, giành chính quyền (1939-1945) dẫn tới thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, Đảng lãnh đạo Nhà nước và trở thành Đảng cầm quyền. Đảng lãnh đạo xây dựng, củng cố, bảo vệ Nhà nước dân chủ nhân dân, đề ra đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính và chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh bại các kế hoạch chiến tranh lớn của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc Pháp ký Hiệp định Geneve (21-7-1954), công nhận các quyền dân tộc cơ bản, độc lập, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Sau Hiệp định Geneve, Mỹ chiếm miền Nam Việt Nam, xây dựng chế độ thực dân kiểu mới, âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam. Trong hoàn cảnh đó, từ 1954-1975, Đảng lãnh đạo đồng thời thực hiện 2 chiến lược cách mạng, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai chiến lược cách mạng đó có mối quan hệ mật thiết và quyết định lẫn nhau thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với khát vọng của cả dân tộc là độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc.
Với sự toàn thắng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30-4-1975), đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất. Đảng đề ra đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và lãnh đạo cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng lại đất nước sau 30 năm kháng chiến lâu dài, gian khổ, đồng thời lại phải tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây-Nam và biên giới phía Bắc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, hồi sinh đất nước, tiếp tục giúp đỡ cách mạng Lào. Những năm 1975-1986, Đảng từng bước đổi mới tư duy, đổi mới cơ chế, chính sách, khảo nghiệm thực tiễn để tìm con đường đổi mới đất nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986) đã hoạch định đường lối đổi mới toàn diện cả về cơ chế, chính sách kinh tế, hệ thống chính trị, các chính sách xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trên cơ sở đổi mới tư duy, tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tại Đại hội VII của Đảng (6-1991). Cương
lĩnh được bổ sung, phát triển năm 2011 tại Đại hội lần thứ XI của Đảng. Thực hiện công cuộc đổi mới vừa bổ sung, phát triển đường lối đổi mới và Cương lĩnh vừa chú trọng những chủ trương, chính sách lớn về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đề ra và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng và thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ, Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng thế giới, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Thành công của công cuộc đổi mới làm cho thế và lực của đất nước tăng lên, khẳng định con đường phát triển đúng đắn của dân tộc Việt Nam.