Nguyên nhân của hiện tượng bỏ học rất đa dạng, có thể kể ra một số lí do như:
- SV có mong muốn và tư tưởng theo học đại học nên cố gắng ôn thi lại đại học, sau khi thi đỗ thì tự khắc bỏ học ở trường nghề.
- Sau khi vào học SV nhận thấy nghề nghiệp chuyên môn đang được đào tạo không như kỳ vọng của mình và gia đình nên muốn chuyển ngành hoặc chuyển trường học.
- Nhiều SV tâm lí chưa ổn định, chưa chú tâm vào việc học, đi tìm việc làm thêm và khi tìm được việc làm hấp dẫn trong quá trình học nghề nên chuyển đổi mục tiêu học tập, bỏ học để đi làm.
- Trong quá trình học tập tại trường HS - SV gặp phải các vấn đề sức khỏe, tai nạn... nên phải tạm dừng quá trình học tập (bảo lưu kết quả học tập) hoặc bỏ học luôn.
- Những SV có động cơ học tập chưa mang tính tự quyết, vào học để chốn nghĩa vụ quân sự, học vì thấy bạn bè đi học, học mà thiếu sự định hướng nên khi vào học thấy khó, thấy chán, thấy khả năng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp không cao thì sẵn sàng bỏ ngay.
- Một số SV trong quá trình học tập do mải chơi, bạn bè rủ rê, xã hội có nhiều cạm bẫy nên bị dính lứu đến tệ nạn xã hội dẫn đến không tập trung vào việc học, học hành xa xút, chán nản và dần bỏ học.
- Một số SV đi học xa nhà, kinh tế khó khăn nên không có quyết tâm cao, động lực bên trong thì sẽ không vượt quá những khó khăn, dẫn đến ý định bỏ học và hành vi bỏ học thực sự...
1.3.3 Các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng bỏ học của HS-SV tại Thanh Hóa
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng bỏ học của HS-SV, nhưng xét đến cùng thì những yếu tố này vừa có mối liên hệ với nhau vừa đơn lẻ khi tác động đến HS- SV gây ra hậu quả bỏ học.
* Về phía xã hội: kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã góp phần làm cho kinh tế nước ta tăng trưởng, đời sống của đại bộ phận dân cư đã được cải thiện, tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã làm cho
25
một bộ phận dân cư đang bị nghèo đi, trở thành nhóm xã hội bên lề do không có cơ hội phát triển. Đây có thể được xem là nguyên nhân chính của tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh khó khăn dẫn đến tình trạng bỏ học. Bên cạnh đó, tình trạng một số sinh viên ra trường, những người có học thức cao vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Bệnh duy ý chí vẫn còn trong một số cấp lãnh đạo trong việc đề ra mục tiêu và chính sách giáo dục; đời sống giáo viên vẫn còn nhiều khó khăn… đã tác động đến nhà trường và tác động lại HS-SV.
* Về phía nhà trường: nhà trường là nơi có nhiệm vụ cao cả là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh của tiến bộ khoa học kỹ thuật và sự phát triển của phương tiện thông tin đại chúng hiện nay, quá trình đào tạo của nhà trường nói chung và trường dạy nghề nói riêng đang gặp một số thách thức như:
Trừ những trường hợp có sự đầu tư tốt và ở các vùng thuận lợi đạt chuẩn về cơ sở vật chất - sư phạm, số còn lại vẫn còn trong tình trạng nghèo. Các máy móc thiết bị không đáp ứng kịp với nhu cầu phát triển xã hội nên không đáp ứng được nhu cầu của HS-SV. Chương trình học còn mang nặng tính lý thuyết thiếu thực hành, thực tế dẫn đến tình trạng chán học ở các em.
Đời sống giáo viên mặc dù đã được cải thiện, song vẫn còn nhiều khó khăn, chính điều này đã nảy sinh ra việc dạy thêm, học thêm tràn lan, cộng thêm chương trình học ngày càng khó và quá tải đã tạo cơ hội cho một số giáo viên thiếu phẩm chất biến việc dạy thêm thành việc cải thiện thu nhập, trục lợi bằng cách ép buộc học sinh đi học thêm. Dạy thêm, học thêm bị tác động bởi cơ chế thị trường đã trở thành một vấn nạn làm xói mòn quan hệ thiêng liêng của tình thầy trò.
Tất cả những tiêu cực trên đã tác động trực tiếp đến HS - SV và hậu quả là các em bỏ học vì chán trường. Tình trạng bỏ học đang ở mức báo động; nhưng một số trường vẫn xem đó là chuyện nhỏ, bởi vì số học sinh bỏ học thường không quá 10% so với số học sinh của nhà trường; còn đối với một số giáo viên chủ nhiệm và một số người trong các bộ phận đoàn thể của trường thì việc bỏ học của học sinh là
26
làm giảm đi gánh nặng cho trường cho lớp, vì họ cho rằng đa số các em bỏ học là vì quá nghèo, quá yếu và quá ngỗ nghịch.
* Về phía gia đình: gia đình là tế bào của xã hội, là xã hội thu nhỏ, là môi trường gần gũi của học sinh, những nhân tố tích cực, tiêu cực hàng ngày hàng giờ tác động đến học sinh. Nhận thức hạn hẹp về mục đích học tập, trình độ giáo dục thấp, phương pháp giáo dục của cha mẹ không phù hợp với tâm lý của con cái, hoàn cảnh sống, nề nếp gia đình… gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của các em. Bên cạnh đó còn phải kể đến những tác động của xã hội đến gia đình và thông qua gia đình tác động đến học sinh, về mặt này có thể kể đến tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường gây phân hoá xã hội mạnh mẽ làm thay đổi sâu sắc định hướng giá trị của cha mẹ học sinh về việc học của con mình.
Gia đình là chủ thể đầu tiên trong việc thực hiện chăm sóc và giáo dục trẻ em. Pháp lệnh nhà nước quy định rõ: cha mẹ phải làm đầy đủ nghĩa vụ của mình là chăm sóc, giáo dục các con phát triển toàn diện, nhưng ở nhiều gia đình khó khăn thì "lực bất tòng tâm", cho dù rất hiểu lợi ích của việc học tập, cho dù nhà nước quy định phổ cập bắt buộc và miễn phí, nhưng trên thực tế, chi phí cho một đứa con đi học là quá tốn kém. Hơn nữa, những gia đình khó khăn thường ít chú ý, chăm sóc và tạo điều kiện cho con cái học tập, bởi những lo toan kiếm sống trước mắt còn quan trọng hơn nhiều so với việc đầu tư cho con em học tập. Chỉ cần biết đọc biết viết để xoá mù, rồi làm việc giúp đỡ cha mẹ hoặc ra thành phố tìm cơ hội kiếm sống. Trong điều kiện kinh tế và việc làm hiện nay dưới con mắt của nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì tương lai đầu ra của việc học tập không mấy lạc quan: học mấy rồi cũng quay về kiếm việc làm và sinh sống. Chính vì quan niệm như vậy, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thường ít học và bỏ học giữa chừng.
Nằm trong xu thế toàn cầu hoá, quy mô gia đình ngày càng thu nhỏ, gia đình một con ngày càng nhiều; chính vì có một con nên gia đình dành cho các em tất cả sự nuông chiều, và mặt trái của việc này là các em trở nên ích kỷ, kém ý chí, thiếu sự quyết đoán và thiếu lòng tin. Hậu quả của việc này là các em trở thành những kẻ
27
khó giáo dục, dễ sa ngã vào cạm bẫy và tệ nạn, ham chơi, đua đòi… và cuối cùng là bỏ học.
* Về phía bản thân HS-SV: về phía HS-SV với tư cách là thực thể của xã hội cũng chịu tác động của xã hội, là thành viên của gia đình cũng bị ảnh hưởng của gia đình, là khách thể của quản lý trường học nên cũng bị tác động bởi trường học. Xét cho cùng, HS-SV là đối tượng bị nhiều áp lực nhất, áp lực từ môi trường, từ thầy cô, gia đình và bè bạn, những áp lực này đã ảnh hưởng đến sự định hướng giá trị về học tập của học sinh. Đối với những em sinh ra trong những gia đình khó khăn bắt buộc phải bỏ học sớm, nhưng cũng có em từng bỏ học để đi làm với hy vọng “đổi đời”, với những em sinh ra trong gia đình khá giả, nhưng cha mẹ mải mê làm ăn, quản lý con lỏng lẻo, dẫn đến việc các em dễ sa vào việc ham chơi, chán học. Bên cạnh đó, cũng có những HS-SV bỏ học vì chán phương pháp dạy cứng nhắc, khô khan và nhàm chán của một số giáo viên; cũng như bất mãn, thất vọng về phẩm chất của một số giáo viên đứng lớp, cũng có em không đủ sức kham nổi chương trình nặng nề, quá tải.
* Động cơ học tập của người học.
Từ điển trực tuyến wikipedia đã đưa ra một định nghĩa về động cơ như sau : «Động cơ là một chuỗi các lí do khiến chủ thể quyết định tham gia vào một hành vi cụ thể». Theo từ điển Larousse 2009, động cơ là “tập hợp các lí do giải thích cho một hành động”. Cả hai định nghĩa này phù hợp với cách sử dụng thông thường nhưng đối với những mục tiêu khoa học thì chưa rõ ràng.
Vallerand & Thill (1993) [31] nhà tâm lý học hành vi người Canada đã đưa ra một định nghĩa như sau: « Khái niệm động cơ là một cấu trúc giả định được dùng để mô tả những sức mạnh từ bên trong, bên ngoài để tạo ra: sự khởi đầu, hướng, cường độ và sự bền bỉ của hành vi ».
Trong đó:
- Sự khởi đầu của hành vi : Động cơ khởi động hay kích hoạt hành vi. Khi chúng ta quan sát thấy sự thay đổi trạng thái ở một người từ chỗ không thực hiện nhiệm vụ đến thực hiện, ta nói rằng người đó có động cơ. Ví dụ : một người bạn
28
đang ngủ gật trong lớp đột ngột tỉnh dậy chép bài. Mặc dù không cần biết chính xác động cơ của người đó là gì (vì kỳ thi sắp đến gần hay vì lời hứa sẽ chép bài đầy đủ để cho bạn khác mượn), chúng ta có thể chắc chắn rằng người đó có động cơ.
- Hướng của hành vi : Động cơ cung cấp năng lượng cần thiết để thực hiện hành vi, không những thế nó còn hướng chúng ta đến những hành vi phù hợp. Động cơ khiến cho hành vi của chúng ta phù hợp với nhu cầu. Ví dụ : khi mệt mỏi, nhìn chung chúng ta sẽ nghỉ ngơi chứ không đi làm việc.
- Cường độ của hành vi: Động cơ được đặc trưng bởi yếu tố thứ ba là cường độ. Ví dụ : khi một nhân viên mong muốn được thăng tiến, người đó sẽ làm việc tích cực ; một sinh viên muốn thành công trong thi cử, người đó phải học tập chăm chỉ hơn.
- Sự bền bỉ của hành vi: Sức mạnh của động cơ cũng ảnh hưởng đến sự kiên trì của hành động. Sự kiên trì là một dấu hiệu quan trọng về động cơ thể hiện sự tích cực của chúng ta vào những hoạt động thường ngày. Ví dụ: đọc một cuốn sách tới những trang cuối cùng, xem một bộ phim cho đến khi kết thúc.
Bốn đặc trưng trên của động cơ được trình bày một cách độc lập nhưng trên thực tế chúng có thể phụ thuộc lẫn nhau.
Định hướng, thúc đẩy và duy trì tính tích cực học tập của người học là một trong những nhiệm vụ chính của hoạt động dạy học. Vì vậy, trong quá trình đi tìm các giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động học tập của những nhóm người khác nhau, động cơ học tập đã trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều nhà tâm lý học trong và ngoài nước.
Mặc dù khái niệm động cơ học tập được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau, song nhìn chung các tác giả đều thống nhất khi xem xét động cơ học tập là yếu tố tâm lý kích thích, định hướng, thúc đẩy, duy trì người học học tập.
Động cơ theo lý thuyết về tính tự quyết
Lý thuyết về tính tự quyết là một lý thuyết về động cơ được xây dựng và phát triển bởi các nhà tâm lý học người Mỹ là E. Deci va R. Ryan (1985). Lý thuyết về tính tự quyết đã chia động cơ ra làm ba chủng loại: động cơ bên trong, động cơ
29
bên ngoài và không động cơ. Trong đó động cơ bên ngoài thành lại được chia thành 4 kiểu được sắp xếp theo mức độ tự quyết từ thấp đến cao.
- Điều chỉnh bên ngoài : lý do thực hiện hành vi xuất phát từ các yêu cầu bên ngoài, để đạt được một phần thưởng hay tránh một hình phạt.
- Điều chỉnh nội nhập: các nguyên nhân thực hiện hành vi có sự chuyển vào trong nhưng chưa đủ để trở thành một phần của chủ thể. Sự điều chỉnh này vẫn là bên ngoài, hành vi được thúc đẩy bởi các sức ép từ bên trong, ví dụ : “Tôi chuẩn bị bài đầy đủ trước khi tới lớp vì tôi cảm thấy xấu hổ nếu không làm” hay những ảnh hưởng từ bên ngoài để đạt được sự ngợi khen hay niềm kiêu hãnh, ví dụ : “Tôi chăm chỉ làm bài trên lớp để cô giáo nghĩ rằng tôi là học trò siêng năng” (lợi ích xã hội).
- Điều chỉnh đồng nhất: xuất hiện khi chủ thể đánh giá cao hành vi đang thực hiện, thấy nó là quan trọng và lựa chọn hành vi đó một cách tự nguyện, ví dụ: “Tôi chuẩn bị bài trước khi tới lớp vì việc đó giúp tôi hiểu rõ hơn bài học trên lớp”.
- Điều chỉnh hội nhập: các nguyên nhân thực hiện hành vi gắn liền với một sự hiểu rõ và chấp nhận có ý thức các giá trị của hành động và các mục tiêu đạt được.
Trong 4 kiểu động cơ bên ngoài này, hai kiểu điều chỉnh đồng nhất và hội nhập được coi là động cơ tự chủ (nguyên nhân thực hiện hành vi nằm ở bên trong) còn hai kiểu điều chỉnh bên ngoài và nội nhập là không tự chủ hay bị kiểm soát (nguyên nhân thực hiện hành vi nằm ở bên ngoài)
Sự khác biệt cơ bản nhất là sự khác biệt giữa động cơ bên ngoài và động cơ bên trong. Động cơ bên trong gắn với việc thực hiện hành vi bởi những hứng thú liên quan trực tiếp đến hành động (Ví dụ : Học sinh theo học đều đặn một khóa học mỹ thuật bởi lí do đơn giản là em thích vẽ).
Ngoài ra, không có động cơ là trạng thái không có mong muốn và ý định thực hiện hành động. Đối với những người không có động cơ, hành động của họ không bắt nguồn từ ý muốn chủ quan nên họ không cảm thấy mình có năng lực và vì thế mà không đạt được kết quả như mong đợi (Ví dụ : Tôi chẳng hiểu tại sao phải làm bài tập ở nhà).
30
Các kiểu động cơ và mức độ tự quyết được trình bày tóm tắt ở sơ đồ dưới đây:
Mối liên hệ giữa động cơ và bỏ học
Một số nghiên cứu thực hiện theo lí thuyết về sự tự quyết đã chỉ ra rằng, trong một số kiểu nhà trường và mô hình đào tạo, học sinh có động cơ tự quyết ít bỏ học hơn và mong muốn theo đuổi việc học tập nhiều hơn so với những học sinh có động cơ bị kiểm soát và không động cơ.
Vallerand & Bissonnette [30] đã tìm hiểu vấn đề bỏ học từ quan điểm động cơ bên trong và động cơ bên ngoài và xem chúng như những biến độc lập dự báo hiện tượng bỏ học một khóa học bắt buộc ở trình độ cao đẳng. Hơn 1000 sinh viên năm thứ nhất điền một bảng hỏi đánh giá động cơ học tập ngay từ đầu khóa học. Đến khóa học sau, tên tuổi của những sinh viên bỏ học được xác định. Điểm số thu được từ bảng hỏi mà họ đã tích trong học kỳ trước được đem so sánh với điểm số của những sinh viên vẫn đang theo học. Kết quả cho thấy những sinh viên bỏ khóa học bắt buộc đó ngay từ đầu đã có điểm số về động cơ bên trong và điều chỉnh đồng