5.1. Tổng quan về lãnh đạo
5.1.1. Bản chất của lãnh đạo
5.1.1.1.Khái niệm và các yếu tố cấu thành lãnh đạo
Khái niệm lãnh đạo
Có nhiều khái niệm khác nhau về lãnh đạo. Mỗi khái niệm dù theo nghĩa hẹp hay nghĩa rộng đều nhấn mạnh đến một hoặc một số nội dung của lãnh đạo. Dù với cách hiểu nào, hoạt động lãnh đạo đều xuất hiện trong mối quan hệ giữa con người với con người, liên quan đến việc sử dụng khả năng tác động để thực hiện các mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên trong học phần này, chúng ta đề cập đến lãnh đạo với tư cách một chức năng quản lý và sử dụng định nghĩa sau đây:
Lãnh đạo là quá trình truyền cảm hứng, khơi dậy sự nhiệt tình, động lực của con người để họ làm việc một cách tốt nhất nhằm đạt được các mục tiêu kế hoạch.
Các yếu tố cấu thành của sự lãnh đạo
Lãnh đạo là sự kết hợp của ít nhất ba yếu tố cấu thành chính: (1) khả năng hiểu được con người với những động cơ thúc đẩy khác nhau ở những thời gian khác nhau và trong những hoàn cảnh khác nhau; (2) khả năng khích lệ, lôi cuốn; (3) khả năng thiết kế và duy trì môi trường để thực hiện nhiệm vụ.
Yếu tố thứ nhất đòi hỏi một mặt phải biết lý thuyết về động cơ thúc đẩy, các loại động cơ thúc đẩy và bản chất của hệ thống động cơ thúc đẩy; mặt khác cần có khả năng áp dụng kiến thức đó đối với con người trong các tình huống. Điều này ít nhất cũng giúp người quản lý hay người lãnh đạo có nhận thức tốt hơn về bản chất và sức mạnh của các nhu cầu của con người, có khả năng hơn để xác định và dự kiến các phương pháp thỏa mãn chúng sao cho có được những hưởng ứng từ đối tượng bị lãnh đạo.
Yếu tố cấu thành thứ hai của sự lãnh đạo là khả năng khích lệ những người đi theo phát huy toàn bộ năng lực của họ cho một nhiệm vụ hay mục tiêu. Nếu như việc sử dụng các động cơ thúc đẩy hầu như chỉ tập trung vào cấp dưới và các nhu cầu của họ, thì sự khích lệ xuất phát từ những người đứng đầu nhóm. Họ có thể có sức hấp dẫn và sức cuốn hút để tạo ra lòng trung thành, sự tận tâm và một ước muốn mạnh mẽ từ phía những người đi theo để thúc đẩy những gì mà các nhà lãnh đạo muốn.
Yếu tố cấu thành thứ ba của sự lãnh đạo liên quan đến phong 65
cách, hành vi của người lãnh đạo và bầu không khí mà họ tạo ra. Cải thiện mối quan hệ giữa các cá nhân, xây dựng hệ thống thảnh một tập thể đoàn kết, vững mạnh và dẫn dắt tập thể hoàn thành mục đích và mục tiêu, đó là một nhiệm vụ quan trọng của nhà quản lý.
5.1.1.2.Phân biệt lãnh đạo và quản lý Lãnh đạo bao hàm hai ý nghĩa đối với nhà quản lý. Thứ nhất, lãnh đạo có nghĩa là gây ảnh hưởng tới những người khác, để họ tự nguyện hành động nhằm đạt được mục tiêu chung của hệ thống. Thứ hai, lãnh đạo là một chức năng cơ bản trong quá trình quản lý và nếu quan niệm như vậy, thì quản lý bao gồm nhiều vấn đề hơn lãnh đạo, mặc dù sự thật là một nhà lãnh đạo giỏi hầu như chắc chắn là một nhà quản lý giỏi.
John C.Maxwell - người được đánh giá là bậc thầy nổi tiếng thế giới về nghệ thuật lãnh đạo - đã viết: “Đảm bảo những người khác hoàn thành công việc là thành công của nhà quản lý. Biết khích lệ những người khác làm việc tốt hơn là thành công của nhà lãnh đạo”.
Các nhà quản lý (managers) là những người được bổ nhiệm, có quyền lực pháp lý. Ngược lại, người lãnh đạo (leaders) có thể có hoặc không có vị trí quản lý nhất định trong hệ thống.
Nhiệm vụ của người quản lý là làm như thế nào để thực hiện được mục tiêu của hệ thống. Họ sử dụng quyền lực từ vị trí, cơ cấu tổ chức và hệ thống thể chế (kế hoạch, quy tắc, quy chế, thủ tục.) để thực hiện nhiệm vụ của mình. Còn nhiệm vụ của người lãnh đạo là làm thế nào để thúc đẩy mọi người hành động một cách tự nguyện và nhiệt tình vì mục tiêu chung. Họ có thể gây ảnh hưởng đến những người khác mà không nhất thiết phải dùng quyền lực chính thức. Bảng 5.1 tóm tắt những điểm khác nhau giữa nhà lãnh đạo và nhà quản lý.
Bảng 5.1. Phân biệt giữa nhà lãnh đạo và nhà quản lý
Người lãnh đạo Người quản lý
1. Làm đúng công việc 1. Làm việc theo đúng cách (hợp lý)
2. Có tầm nhìn, xác định được tương
lai cho hệ thống 2. Xác định được các mục tiêuđúng 3. Gây cảm hứng và tạo động cơ 3. Chỉ đạo và kiểm tra
4. Thực hiện ảnh hưởng (chiều dọc
và chiều ngang) 4. Thực hiện quyền lực (từ trênxuống dưới) 5. Có tính đổi mới 5. Có tính phân tích
6. Tập trung vào sự thay đổi 6. Tập trung vào việc duy trì, 66
hoàn thiện
7. Hướng vào con người 7. Hướng vào nhiệm vụ
5.1.1.1. Tiền đề để lãnh đạo thành công
Để lãnh đạo thành công, cần có được một số điều kiện tiên quyết - những tiền đề để lãnh đạo.
Xác định được chiến lược phát triển và cơ cấu tổ chức
Chiến lược chỉ ra mục tiêu mà một hệ thống cố vươn tới và con đường đi tới mục tiêu đó. Để triển khai chiến lược cần xây dựng các hình thức cơ cấu và tiến hành các hoạt động lãnh đạo.
Suy cho cùng tất cả các hoạt động lãnh đạo như tạo động lực cho con người, xây dựng các nhóm làm việc, truyền thông, tư vấn nội bộ. đều nhằm hỗ trợ việc thực thi chiến lược. Do vậy để lãnh đạo thành công trước hết phải xác định được chiến lược.
Cơ cấu tổ chức chỉ rõ các vị trí trong hệ thống và mối quan hệ giữa các vị trí, xác định chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn cho từng vị trí, qua đó tạo cơ sở quyền lực để lãnh đạo. Xác định được cơ cấu tổ chức mới có thể làm rõ: chủ thể lãnh đạo, đối tượng bị lãnh đạo, các quan hệ quyền lực và môi trường.
Hiểu biết con người
Thực chất của quản lý hệ thống xã hội là quản lý con người, do vậy các nhà quản lý sẽ không thể lãnh đạo thành công nếu không hiểu biết con người, không xem xét các yếu tố về vai trò, cá tính, động cơ và tính cách của con người.
• Con người có nhiều vai trò khác nhau trong các hệ thống. Con người không đơn thuần là yếu tố nguồn lực
trong các kế hoạch quản lý mà còn là công dân và là thành viên của các hệ thống xã hội như gia đình, trường học, doanh nghiệp và hành vi của một người thay đổi theo các vai trò của họ trong hệ thống. Để hiểu được tâm lý và hành vi của một người trong những tình huống cụ thể, các nhà lãnh đạo cần biết được các vai trò mà cá nhân đó đang thực hiện, từ đó dự đoán chính xác hơn về hành vi của nhân viên và tìm được cách tốt nhất để xử lý các tình huống đó.
• Không có con người theo nghĩa chung chung mà
mỗi người đều có nhu cầu, tham vọng, quan điểm khác nhau, trình độ hiểu biết và các kỹ năng khác nhau, tiềm năng cũng khác nhau. Nếu nhà quản lý không hiểu được tính phức tạp và cá tính của con người thì họ có thể áp dụng sai những nguyên tắc và mô hình mang tính lý thuyết về động cơ thúc đẩy, về lãnh đạo trong các tình huống cụ thể.
• Cần xem xét con người một cách toàn diện. Con người không thể tự gạt bỏ ảnh hưởng của những lực lượng bên ngoài như gia đình, tôn giáo, trường học, các tổ chức chính trị - xã hội. khi họ đến làm việc. Các nhà quản lý phải nhận thấy những thực tế đó và chuẩn bị cách ứng xử với chúng.
• Nhân cách con người là một điều quan trọng.
Người lãnh đạo không bao giờ được phép xúc phạm đến nhân cách của những người dưới quyền. Tất cả mọi người đều phải được đối xử một cách tôn trọng và bình đẳng bất kể chức vụ của họ trong hệ thống đó là cao hay thấp.
• Lãnh đạo cần tìm hiểu con người một cách thận
trọng thông qua nhiều nguồn thông tin. Những cuộc
tiếp xúc chính thức và phi chính thức; phản ứng của họ trước một quyết định, trước các sự kiện xảy ra; thái độ trong các cuộc họp; trong quan hệ với đồng nghiệp; sáng kiến và gợi ý mà họ đưa ra. Tránh các sai lầm có tính chủ quan, định kiến trong đánh giá con người như ảo tưởng hoặc quy kết về người nào đó; hoặc đánh giá con người một cách vội vàng chỉ qua hình thức.
Có quyền lực và uy tín
Con người có xu hướng nghe theo người có quyền lực và có uy tín đối với họ, tức là người có khả năng chi phối và ảnh hưởng đến hành vi của họ. Do vậy người lãnh đạo muốn gây ảnh hưởng lên người khác thì họ phải có quyền lực và uy tín. Ảnh hưởng này không phải chỉ là từ chức vụ hay vị trí trong hệ thống mà còn từ phẩm chất, năng lực, tư cách, sự cuốn hút của người lãnh đạo.
Quyền lực là sức mạnh được thừa nhận nhờ đó có khả năng chi phối, khống chế người khác và giải quyết các vấn đề trong phạm vi cho phép.
Quyền lực là yếu tố cần thiết để lãnh đạo. Một nhà quản lý sẽ khó thành công nếu không nắm một quyền lực nào cả. Thật vậy:
Quyền lực là công cụ để đạt được sự tuân thủ. Nói đến quyền lực là nói đến quyền ra quyết định, quyền phân bổ, định đoạt các nguồn lực, quyền thưởng phạt, quyền kiểm tra. Thiếu các quyền đó người quản lý khó có thể làm cho người khác tuân thủ, phục tùng.
Quyền lực còn là công cụ nhà lãnh đạo sử dụng để gây ảnh hưởng đến hành vi người khác. Có thể dùng quyền lực để động viên, khuyến khích nhân viên, hỗ trợ cho việc thực hiện các mục tiêu quan trọng. Người có quyền lực có thể đem lại cho hệ thống và nhân viên những gì họ muốn: tầm nhìn, sự phát triển và nguồn lực. Nếu quyền lực được người lãnh đạo sử dụng một cách hợp lý ở nơi làm việc sẽ có nhiều khả năng làm thỏa mãn nhân viên, đem lại tính hiệu quả và động cơ thúc đẩy.
Uy tín là sự ảnh hưởng của một người tới cấp dưới và được cấp dưới tôn trọng nhờ những phẩm chất cá nhân và kết quả công việc của họ.
Jay Conger và Rabindra Kanungo đã tiến hành phân tích một cách toàn diện và kết luận rằng: nhà lãnh đạo cần có uy tín với các đặc điểm chính sau (bảng 5.2):
Bảng 5.2. Các đặc điểm chính của nhà lãnh đạo uy tín
Tự tin. Nhà lãnh đạo uy tín hoàn toàn tự tin vào sự đánh giá và khả
năng của họ
Tầm nhìn. Họ có một mục tiêu lý tưởng cho tương lai tốt hơn. Sự
khác biệt giữa mục tiêu lý tưởng với tình trạng hiện tại càng nhiều, cấp dưới sẽ nhìn nhận nhà lãnh đạo có tầm nhìn phi thường.
Khả năng tuyên bố tầm nhìn. Họ có khả năng lựa chọn và tuyên bố
tầm nhìn theo cách dễ hiểu cho người khác. Khả năng này thể hiện việc am hiểu sâu sắc mong muốn của cấp dưới và vì vậy, hành động như tác nhân động viên.
Tính nhất quán và sự thuyết phục mạnh mẽ về tầm nhìn. Tính
nhất quán giúp họ tập trung theo đuổi tầm nhìn đến cùng. Nhà lãnh đạo uy tín được nhìn nhận là cam kết cao và sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao, gánh chịu chi phí cao và chấp nhận sự hy sinh để đạt được tầm nhìn, viễn cảnh của họ.
Hành vi khác thường. Hành vi của nhà lãnh đạo uy tín được xem
như là mới lạ, khác thường và đối ngược với thông thường. Khi thành công, những hành vi này gợi lên sự ngạc nhiên và khâm phục ở cấp dưới.
Thể hiện như là tác nhân của sự thay đổi. Nhà lãnh đạo uy tín
được nhìn nhận như là tác nhân của những thay đổi triệt để hơn là như người giữ nguyên hiện trạng.
Nhạy cảm với môi trường. Họ có khả năng đánh giá tình thế về
điều kiện môi trường và nguồn lực cần thiết cho sự thay đổi.
Uy tín của người lãnh đạo là nền tảng để mọi người tin tưởng đi theo, nghe theo. Nếu không có điều đó, không thể có thành công thật sự cho dù người đó chỉ lãnh đạo một nhóm người, một đội bóng, hay một tốp nhân viên trong văn phòng.
Trong thực tế, không phải cứ có chức vụ là có uy tín; chức vụ không sinh ra uy tín mà chỉ là cơ sở pháp lý của quyền lực. Một người lãnh đạo có được uy tín không phải vì người đó giữ chức vụ gì, mà vì thái độ và hành vi ứng xử của họ đối với công việc và con người và điều chủ yếu nhất là họ đã hoàn thành công việc với kết quả xuất sắc.
Để tạo lập uy tín cần tuân theo những nguyên tắc sau:
• Nhanh chóng tạo được thắng lợi ban đầu cho hệ thống và tạo thắng lợi liên tục.
Con người thường tin vào những gì mà họ nhìn thấy hơn là những gì mà họ nghe thấy. Thắng lợi của hệ thống là kết quả của sự nỗ lực tập thể, trong đó lãnh đạo là yếu tố quyết định và do đó nó là tiêu chí đánh giá tài năng và phẩm chất của người lãnh đạo.
• Nhất quán trong lời nói và hành động. Những gì nhà
lãnh đạo nói và làm phải thống nhất nhau, đã hứa là phải thực hiện.
• Mẫu mực về đạo đức. Những phẩm chất nổi bật cần có ở
người lãnh đạo là: trung thực; công bằng với cấp dưới; luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công tác; dám chịu trách nhiệm; biết đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Tính cách tốt được ca ngợi hơn nhiều so với tài năng. Nhưng tính cách tốt không có sẵn trong mỗi người chúng ta, mà nó phải được xây dựng dần dần thông qua giáo dục và rèn luyện trong cuộc sống cũng như trong công việc.
• Thành thạo chuyên môn và biết ủy quyền. Người
lãnh đạo không nhất thiết phải là người có chuyên môn giỏi nhất, nhưng phải đủ ở mức thành thạo; đó là yếu tố cần thiết để mọi người tin tưởng vào các quyết định của người đó. Người lãnh đạo giỏi không có nghĩa là “cái gì cũng giỏi” mà phải là người sử dụng được người giỏi, biết ủy quyền cho cấp dưới, phát huy được sức mạnh của tập thể để hoàn thành mục tiêu chung, khi đó họ sẽ nhận được sự ủng hộ của mọi người.
5.1.2. Các cách tiếp cận chủ yếu về lãnh đạo
Có nhiều cách tiếp cận để nghiên cứu về lãnh đạo, trong đó phổ biến nhất là ba cách: tiếp cận theo đặc điểm/ phẩm chất cá nhân; tiếp cận theo hành vi/ phong cách; tiếp cận theo tình huống. Ba cách tiếp cận này có liên quan và bổ sung cho nhau, bởi vì có được tố chất và đặc điểm cá nhân cần thiết mới chỉ cho bạn tiềm năng để lãnh đạo. Muốn lãnh đạo tốt, bạn cần có phong cách lãnh đạo phù hợp với tình huống lãnh đạo.
Các cách tiếp cận lãnh đạo theo đặc điểm và phẩm chất
đi vào so sánh, tìm sự khác biệt giữa những người lãnh đạo và
những người không phải là lãnh đạo về các đặc điểm như: tố chất, tính cách, năng lực, thái độ và động cơ; nghiên cứu các đặc điểm mà nhà lãnh đạo cần có; tương quan giữa các đặc điểm với hiệu quả lãnh đạo. Cách tiếp cận này cho rằng chỉ nên đào tạo những người có năng lực lãnh đạo bẩm sinh - được coi là nhà lãnh đạo tiềm năng - để trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu tiếp theo đã khẳng định việc có tố chất không thôi chưa đủ, người lãnh đạo còn cần phải có các kỹ năng