Một số giải pháp chung hoàn thiện công tác quản lý dự án tại Vietinbank:
Thứ nhất,rà soát đánh giá tổng thể hiệu quả các dự án công nghệ thông tin đã và đang thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 để từ đó có được những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Những dự án nào đem lại hiệu quả thực tế cao cần được khen thưởng, động viên, những dự án chi phí cao nhưng thực tế đem lại hiệu quả thấp cần được rà soát kỹ lưỡng để rút ra các bài học kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án sau này.
Thứ hai, xây dựng kiến trúc tổng thể về CNTT của Vietinbank nhằm tận dụng tối đa hiệu quả các dự án CNTT đem lại. Mạnh dạn loại bỏ các hệ thống không cần thiết hoặc đã quá lạc hậu để tránh lãng phí nguồn lực duy trì và tích hợp tương thích với các hệ thống trên.
Thứ ba, chỉ đạo các phòng, ban, khối nghiệp vụ trong hệ thống phối hợp chặt chẽ với khối Công Nghệ Thông Tin trong việc triển khai các dự án Công Nghệ Thông Tin nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng thực tế của các dự án trên. Đưa việc tham gia triển khai dự án CNTT thành một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các phòng ban liên quan.
Thứ tư, tăng cường đào tạo, truyền thông cho cán bộ dự án về kiến thức cũng như các quy trình Quản Lý Dự Án, tăng cường đào tạo về các Công Nghệ và các kiến thức nghiệp vụ, văn bản chính sách của Nhà nước và của Vietinbankcó liên quan tới dự án nhằm đáp ứng được các yêu cầu trong quá trình khởi tạo, và triển khai dự án.
Thứ năm, việc trưng tập các thành viên dự án từ các phòng ban nghiệp vụ cần diễn ra đồng bộ, phù hợp với mức độ công việc, có cơ chế đánh giá
101
khen thưởng riêng đặc thù dành cho các cán bộ dự án để đảm bảo chất lượng nhân sự và mức độ tập trung khi tham gia dự án. Đồng thời cần đảm bảo tính ổn định trong cơ cấu tổ chức và nhân sự dự án. Những nhân sự tham gia xây dựng phạm vi của dự án cần tham gia dự án từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc để đảm bảo tất cả các yêu cầu của dự án được đáp ứng đầy đủ.
Thứ sáu, sát nhập chức danh Giám Đốc Dự Án và Quản Lý Dự Án, để đảm bảo người Giám Đốc Dự Án vừa có kiến thức chuyên môn về Quản Lý Dự Án, vừa có thực quyền đánh giá, ra quyết định đối với các nhóm chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ từ đó hoàn thiện công tác Quản lý dự án. Bên cạnh đó hạn chế tối đa việc đưa các thành viên cấp cao của Ngân hàng (Ban điều hành, Hội Đồng Quản Trị) vào chức danh Giám Đốc dự án để đảm bảo tính sát sao thường trực của Giám Đốc đối với Dự Án.
Thứ bảy, thực hiện ký kết bảo lãnh hợp đồng đối với các nhà thầu tham gia triển khai dự án để đảm bảo chế tài xử phạt trong trường hợp nhà thầu vi phạm về tiến độ, chi phí hoặc chất lượng, có thể sử dụng tiền đặt cọc thay thế hợp đồng bảo lãnh.
Thứ tám, trong các yếu tố cấu thành tam giác CNTT (chi phí, thời gian, chất lượng) cần tập trung chú trọng nhất vào yếu tố chất lượng thay vì hai yếu tố thời gian và chi phí, vì chất lượng của dự án chính là giá trị sử dụng sau này của người dùng cuối và cũng là mục đích cơ sở của việc hình thành dự án. Vì vậy cần đẩy mạnh, kiểm soát chặt chẽ vấn đề liên quan đến quản lý chất lượng.
Thứ chín, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về triển khai các dự án CNTT tại Vietinbank để quản lý dự án tiện tra cứu các thông tin phục vụ cho các dự án sau này.