Thông qua nghiên cứu các lý thuyết và các mô hình nghiên cứu trước đó, tác giả đề xuất mô hình cho nghiên cứu này theo hình 2.10. Trên cơ sở mô hình
nghiên cứu đề xuất, tác giả xây dựng thang đo nháp và thiết kế bảng câu hỏi khảo sát sơ bộ. Phương pháp nghiên cứu định tính được thực hiện nhằm xác định mô hình nghiên cứu; các biến quan sát của thang đo; từng mục hỏi trong bảng hỏi là phù hợp với đối tượng viên chức và người lao động đang làm việc tại Trường Tiểu học Thắng Nhì.
3.2.1.1. Hoàn thiện mô hình nghiên cứu
Nghiên cứu định tính là hình thức sử dụng kỹ thuật thảo luận nhóm với giảng viên hướng dẫn và ban quản lý nhà trường; được thực hiện nhằm hoàn chỉnh mô hình nghiên cứu và hiệu chỉnh các thang đo. Cho nên để thực hiện được điều này, tác giả đã xây dựng dàn bài thảo luận nhóm (Phụ lục 1) và gặp gỡ trực tiếp 7 chuyên viên (Phụ lục 2) gồm giáo viên hướng dẫn và 3 cán bộ quản lý; 3 tổ trưởng của tổ chuyên môn, tổ bộ môn và tổ văn phòng của Trường Tiểu học Thắng Nhì - những chuyên viên có kiến thức chuyên môn sâu rộng và kinh nghiệm thực tế về vấn đề tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức và người lao động để tiến hành thảo luận nhóm. Nội dung thảo luận nhóm xoay quanh việc trả lời các câu hỏi mở có tính chất khám phá nhằm xác định lại các nhân tố và các biến quan sát trong từng nhân tố (được rút ra từ các nghiên cứu trước đã trình bày tại Chương 2) đã đầy đủ và hợp lý chưa; mức độ ngữ nghĩa khả năng diễn đạt đã phù hợp chưa. Từ đó, có những thay đổi, điều chỉnh cần thiết để các viên chức và người lao động có thể hiểu đúng và trả lời được đồng thời cũng bổ sung các biến quan sát mới sao cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế của nhà trường.
Và đa số các chuyên viên đều đồng quan điểm thống nhất giữ nguyên 4 nhân tố ban đầu cấu thành nên động lực làm việc mà tác giả đã đề xuất trong mô hình nghiên cứu lý thuyết của mình bao gồm: (1) cơ chế chính sách, (2) nhân tố bên ngoài, (3) nhân tố bên trong và (4) nhân tố nội tại bản thân. Kết quả thảo luận cũng chỉ ra có 02 biến quan sát đo lường nên được chỉnh sửa, đề xuất thêm 3 biến quan sát.
3.2.1.2. Xây dựng thang đo
Xây dựng thang đo các nhân tố trong nghiên cứu này được đánh giá dựa trên thang đo Likert 5 mức độ, tương ứng như sau:
1. Hoàn toàn không đồng ý 2. Không đồng ý
3. Trung bình 4. Đồng ý
5. Hoàn toàn đồng ý
Từ kết quả nghiên cứu định tính hình thành nên thang đo chính thức trong mô hình nghiên cứu gồm có 16 biến quan sát đo lường cho 4 nhân tố tác động đến động lực làm việc của đội ngũ viên chức và người lao động tại Trường Tiểu học Thắng Nhì (các nhân tố độc lập) và 3 biến quan sát đo lường cho nhân tố động lực làm việc (nhân tố phụ thuộc). Thang đo này sẽ được sử dụng để làm bảng câu hỏi khảo sát cho nghiên cứu.
Thang đo chính thức được trình bày (diễn đạt và mã hóa) cụ thể ở bảng dưới đây:
Bảng 3.1: Mã hóa và diễn đạt thang đo
3.2.1.3. Thiết kế bảng câu hỏi
Thiết kế bảng câu hỏi: (Mời quý thầy cô xem bảng Phụ lục 3)
Tác giả đã thiết kế bảng hỏi sơ bộ và tiến hành thảo luận nhóm với 7 chuyên viên để tiếp nhận ý kiến đóng góp và hoàn thiện bảng câu hỏi khảo sát chính thức trước khi triển khai điều tra thực trên diện rộng. Bảng hỏi được đưa ra nhằm thu thập ý kiến của các viên chức và người lao động trong môi trường sư phạm. Những ý kiến của các viên chức và người lao động giúp tác giả phân tích và đánh giá những nhân tố tác động đến động lực làm việc của đội ngũ viên chức và người lao động tại Trường Tiểu học Thắng Nhì.
Bảng câu hỏi khảo sát được xây dựng theo các bước:
Bước 1: Dựa trên cơ sở kế thừa lý thuyết kết hợp với các nghiên cứu liên quan trước đây để thiết kế bảng câu hỏi ban đầu phù hợp với các nhân tố trong mô hình nghiên cứu đề xuất.
Bước 2: Bảng câu hỏi ban đầu được tham vấn ý kiến của giáo viên hướng dẫn và một số cán bộ quản lý tại Trường Tiểu học Thắng Nhì để kiểm tra mức độ phù hợp trong từng mục hỏi và điều chỉnh lại cách trình bày từ ngữ sao cho phù hợp và dễ hiểu.
Bước 3: Bảng câu hỏi chính thức được hoàn chỉnh và tiến hành điều tra thử trước khi gửi đi khảo sát chính thức để thu thập thông tin.
Nội dung bảng câu hỏi cần thiết cho nghiên cứu gồm 2 phần:
Phần 1: Thông tin cá nhân các đối tượng khảo sát bao gồm: độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn, thời gian công tác, chức danh/vị trí công việc.
Phần 2: Thông tin về việc tạo động lực làm việc cho viên chức và người lao động tại Trường Tiểu học Thắng Nhì ở các khía cạnh cụ thể được biểu hiện dưới dạng câu hỏi phản ánh các tiêu chí về 4 nhân tố ảnh hưởng đến động lực làm việc như: cơ chế chính sách, nhân tố bên ngoài, nhân tố bên trong và nhân tố nội tại bản thân.
Bảng câu hỏi chính thức được sử dụng cho nghiên cứu định lượng tiếp theo. Quá trình thu thập thông tin được thực hiện bằng cách viên chức và người lao động trong nhà trường sẽ trả lời ý kiến của mình thông qua phiếu khảo sát bằng giấy. Tác giả phát ra 132 phiếu khảo sát để thăm dò ý kiến của các viên chức và người lao động. Qua sàng lọc có 2 trường hợp phiếu khảo sát không hợp lệ bị loại bỏ (do thiếu thông tin hay trả lời cùng 1 đáp án cho tất cả câu hỏi hay câu trả lời có từ hai lựa chọn trở lên), còn lại 130 quan sát đạt yêu cầu khi thu phiếu về.