Tình hình nghiên cứu về cây bưởi ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khả năng sinh trưởng của một số giống bưởi tại xã tân cương, thành phố thái nguyên (Trang 36 - 39)

Ở Việt Nam, trong nhóm cây ăn quả có múi thì bưởi ít được nghiên cứu hơn so với cam, chanh, quýt.

Theo Phạm Văn Côn (2005)[10] thì những cây có múi được nghiên cứu sớm nhất trong các cây ăn quả ở nước ta. Hiện nay, nước ta có rất nhiều giống bưởi. Bưởi Đoan Hùng nhiều nước, hương vị thơm ngon bảo quản được 4-5 tháng nhưng nhiều hạt, thịt nát, ít róc vỏ. Bưởi Phúc Trạch có nhiều ưu điểm hơn. Bưởi Năm Roi trái to mẫu mã đẹp, dẽ bóc múi và vỏ, hương vị thơm, ít hạt, bưởi Biên Hòa, bưởi Da Xanh (Bến Tre), bưởi Hồng (Tiền Giang).

Theo Phạm Thị Chữ (1996)[8], qua 3 năm tuyển chọn giống bưởi Phúc Trạch (1993-1995) đã chọn được 3 dòng tiêu chuẩn là M4, M1, M5, đặc biệt là M4 với các đặc điểm sau (đối với cây 20 năm tuổi): sinh trưởng tốt, năng suất đạt 253 quả/cây, tỷ lệ phần ăn được đạt 54,5%, hàm lượng vitamin C đạt 53,56mg/100g, đường đạt 9,3%.

Hội thi giống tốt do Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam tổ chức, cùng với việc điều tra nghiên cứu của các trung tâm và các nhà khoa học trong nhiều năm đã tuyển chọn được một số giống quýt và bưởi có triển vọng như Cam sành (C58), quýt tiểu (QT12), bưởi Năm Roi, v.v… Các giống này đã được Bộ Nông Nghiệp và PTNT công nhận là giống tốt theo quyết định số 2767NN-KHCN/QD ngày 27/10/1997 (dẫn qua [1]).

Trần Thế Tục (1997) [12] tiến hành nghiên cứu 8 giống bưởi . Bưởi Đoan Hùng, bưởi ngọt Như Quỳnh, Pumello, bưởi đường Yên Phong, Phú Thọ đã đưa ra đặc điểm hình thái, cấu tạo, tỷ lệ từng phần trong quả và thành phần hóa học trong nước ép của các giống bưởi thí nghiệm.

Trong quá trình tuyển chọn các giống bưởi ở một số tỉnh Nam Bộ, Phạm Ngọc Liễu, Nguyễn Ngọc Thi (1998)[7] có kết luận: từ năm 1995-1998 đã xác định được 67 giống bưởi được trồng trong vườn thuộc các tỉnh Nam Bộ, 54 giống đã được thu thập và lưu giữ tại nhà lưới của Viện Nghiên Cứu Cây Ăn Quả Miền Nam. Các cá thể bưởi Năm Roi cá thể bưởi đường lá cam (BC12), cá thể bưởi Da Xanh và cá thể bưởi đường Bến Tre có thể dùng làm cây mẹ để nhân giống cho nhu cầu trồng bưởi hiện nay.

Theo kết quả điều tra khảo sát tập đoàn giống bưởi tại Biên Hòa (Đồng Nai) do trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ thực hiện năm 2003 đã nghi nhận 25 giống bưởi. Trong đó 14 giống trồng phổ biến nhiều nhất là bưởi Đường lá cam, bưởi Thanh Trà.

Theo Phạm Thị Hương (2006) [9], bưởi Đoan Hùng gồm 3 giống được trồng chủ yếu là bưởi Sửu, bưởi Kinh và bưởi Khả Lĩnh. Bưởi Sửu và bưởi Khả Lĩnh có các chỉ tiêu vượt trội về năng suất, phẩm vị và đặc điểm cấu tạo quả vì vậy có thể tiến hành tuyển chọn cây đầu dòng để nhân giống và phổ biến sản suất.

Năm 2009, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã phối hợp với sở Khoa Học- Công nghệ tỉnh Bến Tre vừa tuyển chọn được một giống bưởi da xanh chất lượng cao, gần như không hạt (mỗi quả chỉ có từ 3-4 hạt), độ brix trung bình 3 năm liền là 1,1%, pH trung bình 4,4 (mức độ ngon ngọt cao, năng suất trên 200 quả/ cây/ năm, mỗi quả nặng từ 1,2-2,5kg).

Năm 2009, Sở Nông Nghiệp và PTNT Hà Nội đã bình tuyển được 37 cây bưởi Diễn, 24 cây xoài và 46 cây nhãn muộn có năng suất cao phẩm chất tốt. Đấy là các cây bình tuyển đạt yêu cầu để đưa vào khai thác giống (Sở NN và PTNT Hà Nội, 2010) [1].

Ở nước ta hiện nay, bưởi được nhân giống chủ yếu bằng phương pháp chiết và ghép. Cây sinh trưởng phát triển mạnh trong những năm đầu, nhanh cho thu hoạch nhưng dễ nhiễm nhiều loại sâu bệnh. Bưởi chiết cành thường dễ bị nhiễm bệnh Riogrand gummosis, hệ thống rễ cũng kém phát triển, ngoài ra quýt ghép trên gốc bưởi còn bị hiện tượng chân voi do mất cân đối về sinh trưởng giữa gốc ghép và cành ghép. Trong những năm gần đây, nhờ vào các thành tựu khoa học kỹ thuật, người ta đã áp dụng công nghệ sinh học vào việc nhân giống cây nói chung và bưởi nói riêng để đảm bảo cho cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, hệ số nhân giống cao…. (Trần Thế Tục, Hoàng Ngọc Thuận, 1999; Hoàng ngọc Thuận, 2001) [14].

Tập đoàn các giống bưởi nước ta rất phong phú và đa dạng, phân bố ở nhiều vùng sinh thái khác nhau. Qua nhiều năm dưới tác động chọn lọc đã tạo nên các vùng bưởi đặc sản với các giống bưởi nổi tiếng (Ngô Hồng Bình, 1995; Trần Thế Tục , 1995; Phạm Thị Chữ, 1996; Vụ Khoa Công nghệ và chất lượng sản phẩm, 2020; Bộ Nông Nghiệp và PTNT, 2004; Trung tâm khuyến nông Hà Nội, 2004).

Trong nhiều năm qua, Viện Nghiên cứu Rau Quả đã nghiên cứu, tuyển chọn và thi tuyển giống cây có múi: 13 giống bưởi (Bưởi chùm, Đoan Hùng,

Thanh Trà, PT3.10, PT3.36, PT3.13…) và 11 giống cam sành. Những giống này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là những giống tiến bộ kỹ thuật.

Hiện nay ở nước ta, diện tích trồng bưởi còn ít so với khả năng mở rộng sản suất so với các loại khác trong nhóm cây có múi. Bưởi chưa trở thành hàng hóa thương mại chủ yếu như các nước trên thế giới, chủ yếu dùng để tiêu thụ nội địa, trong những vùng hạn hẹp nhất định. Ở nước ta chỉ có bưởi Năm Roi Và Bưởi Da Xanh bước đầu đã được xuất khẩu sang thị trường các nước thuộc châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Do đó việc nghiên cứu và chọn lọc các giống bưởi để đưa vào phục vụ xuất khẩu là tiềm năng hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế phục vụ người dân.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khả năng sinh trưởng của một số giống bưởi tại xã tân cương, thành phố thái nguyên (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)