Chính trị – xã hội

Một phần của tài liệu (Trang 31 - 34)

V ỒN M NỘ TỪ 1885 1918

2.1.1.2. Chính trị – xã hội

Trước hết về chính trị, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều lệ thuộc và bị các nước thực dân khống chế. Đồng thời, giai cấp phong kiến trở thành công cụ phục vụ và tay sai của các nước đế quốc.

Ở Ấn Độ, tuy triều đình phong kiến Môgôn không còn nhưng giai cấp phong kiến trở thành một tầng lớp tay sai của đế quốc Anh. Mặt khác, sau cuộc khởi nghĩa Xipay (1857 – 1859), những cải cách do chính quyền Anh đề ra thông qua Đạo luật cải tiến quản lý Ấn Độ đã biến Ấn Độ trở thành một thuộc địa nằm dưới quyền cai trị trực tiếp của chính phủ Anh. Công ty Đông ấn bị giải tán, thay mặt chính phủ là một Phó vương (Viceroy) với một Hội đồng gồm 5 ủy viên có chức năng như một chính phủ. Ngày 1- 1-1877, Nữ hoàng Anh Victoria tuyên bố đồng thời là Nữ hoàng Ấn Độ. Cùng với đó, Ấn Độ không có một Hiến pháp riêng, mà thực hiện theo Hiếp pháp của thực dân Anh. Nền chính trị của Ấn Độ bị cột chặt và lệ thuộc vào đế quốc Anh. Như vậy, Ấn Độ chính thức trở thành một bộ phận trong đế quốc Anh. Để bảo vệ bộ máy thống trị này, chính phủ Anh quyết định tăng cường lực lượng quân đội Anh ở Ấn Độ từ tỷ lệ 1/6 lên 1/2 hoặc 1/3.

Còn ở Trung Quốc, các nước đế quốc xiết chặt sự khống chế triều đình Mãn Thanh, thao túng và can thiệp sâu vào nội bộ của Trung Quốc. Tuy triều đình phong kiến Mãn Thanh vẫn còn tồn tại nhưng nó trở yếu hèn, làm tay sai cho các nước đế quốc. Do đó, tạo điều kiện cho các nước đế quốc xâu xé Trung Quốc. Nền thống trị của triều đình Mãn Thanh càng lún sâu vào khủng hoảng. Thậm chí việc triều đình bổ nhiệm các quan chức địa phương cũng bị các đế quốc can thiệp. Các đế quốc còn thông qua phương thức “cố vấn” để khống chế các cơ quan tài chính, quân sự, v.v…của triều đình Mãn Thanh. “Nhiều người đương thời đã gọi triều đình Mãn Thanh là “triều đình của bọn Tây” [31;83]. Trên thực tế, triều đình Mãn Thanh ngày càng trở thành công cụ phục vụ cho chính sách nô dịch của chủ nghĩa đế quốc thực dân đối với Trung Quốc.

Về xã hội, chính sách khai thác của các nước thực dân đã làm cho xã hội Ấn Độ và Trung Quốc có những thay đổi. Đó là những chuyển biến trong các giai cấp cũ và sự xuất hiện những giai cấp mới.

Ở Ấn Độ, hình thành hai giai cấp cơ bản của xã hội hiện đại đó là giai cấp tư sản và vô sản. Đại bộ phận giai cấp tư sản Ấn Độ có nguồn gốc xuất thân từ các Đaminđa (địa chủ), người cho vay lãi, thương gia và các vương công. Mặc dù bị sự chèn ép nhiều mặt của tư bản Anh nhưng về cơ bản tư sản Ấn Độ đã trưởng thành khá nhanh chóng và vững chắc vào nửa sau thế kỷ XIX với việc xây dựng được một nền công nghiệp dân tộc và có một vị thế không thể chối cãi đối với sự phát triển của Ấn Độ.

Gắn liền với sự ra đời của giai cấp tư sản đó là đội ngũ giai cấp vô sản. Những nhóm đầu tiên của vô sản nhà máy Ấn Độ đã được hình thành trong những năm 60 ở Bombay và Calcutta. Đến đầu những năm 90 của thế kỷ XIX,“tổng số lượng công nhân trong các nhà máy gồm 400.000 người, tập trung ở hai trung tâm chính: Bombay 118.000 người, Bengal 120.0000 người (ở Madras chỉ có khoảng 24.000 người). Bên cạnh đó, số lượng công nhân đường sắt, thợ mỏ khoảng 700 - 800 nghìn người”

[36;73]. Họ nguyên là những người nông dân và những người làm nghề thủ công bị phá sản, đa số là công nhân làm việc có tính thời vụ. Trong ngành dệt sợi có các công nhân phụ nữ và trẻ em được sử dụng rất đông đảo. Tất cả công nhân đều bị ba tầng áp bức của chủ nghĩa thực dân, chế độ phong kiến và chủ nghĩa tư bản bản xứ. Tiền lương của họ rất thấp, đời sống và điều kiện lao động hết sức tồi tệ. Mỗi ngày họ phải làm việc từ 19 đến 14 tiếng đồng hồ. Các công nhân trẻ em cũng phải làm việc từ 9 đến 14 tiếng đồng hồ, không có ngày nghỉ lễ, không có bảo hộ lao động.

Bên cạnh sự ra đời và phát triển của giai cấp tư sản và vô sản, còn xuất hiện tầng lớp tri thức tiểu tư sản. Tầng lớp này được hình thành và phát triển trong nhiều thập niên trước khi xuất hiện nền công nghiệp hiện đại. Điều đặc biệt là tầng lớp này được hưởng nền giáo dục phương Tây nên họ đã nhanh chóng tiếp thu các giá trị tinh thần của phương Tây.“Năm 1880, tổng số người Ấn Độ hưởng nền giáo dục Anh khoảng 50.000 người, số người đạt tiêu chuẩn cử nhân (B.A) được phỏng đoán chừng 5000 người. Số lượng người học tiếng Anh tăng nhanh từ 298.000 người lên 505.000 người năm 1907. Các tờ báo lưu hành bằng tiếng Anh đạt 90.000 bản năm 1885 lên 276.000 bản năm 1905” [36;74]. Nếu tính cả báo chí phương ngữ thì con số đó còn lớn hơn nhiều. Những con số này cũng đã nói lên sự hiện diện đông đảo của đội ngũ phóng viên. Tầng lớp tiểu tư sản tri thức tuy còn ít về số lượng nhưng họ đã trở thành một bộ phận quan trọng, lực lượng đi đầu trong các cuộc vận động dân chủ tư sản từ giữa thế

kỉ XIX ở Ấn Độ:“Những người Ấn có giáo dục này đã trở thành các lãnh tụ chính trị và tư tưởng của phong trào dân tộc ở Ấn Độ” [36;74].

Giống như Ấn Độ, xã hội Trung Quốc xuất hiện hai giai cấp mới: tư sản và vô sản. Từ những năm 60, 70 của thế kỉ XIX trở đi, hàng ngũ giai cấp tư sản Trung Quốc đã hình thành. Thành phần của họ bắt nguồn từ ba bộ phận khác nhau. Một số quan lại địa chủ và thương nhân lớn có địa vị chính trị, có thế lực kinh tế bỏ vốn kinh doanh thương nghiệp trở thành tầng lớp trên của giai cấp tư sản dân tộc. Họ có nhiều liên hệ với đế quốc, phong kiến nên tinh thần cách mạng không cao. Bộ phận thứ hai là những người xuất thân từ thương nhân, chủ các xưởng và công trường thủ công, tiểu chủ, tiểu thương các loại bóc lột làm thuê. Những nhà kinh doanh lớn lên trong lĩnh vực thương nghiệp và công nghiệp tiền máy móc là bộ phận đông đảo nhất của tư sản dân tộc Trung Quốc. Một bộ phận khác ít nhiều biệt lập, tương đối đông và mạnh mẽ về kinh tế, đã trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành tư sản dân tộc trong nước là tư sản Hoa kiều.

Chính sách đầu tư vào lĩnh vực khai thác công nghiệp của các nước tư bản đã hình thành và phát triển đội ngũ công nhân. Xuất thân của giai cấp công nhân ở Trung Quốc cũng giống như giai cấp công nhân Ấn Độ đó là những người nông dân và thợ thủ công phá sản buộc phải làm thuê cho tư bản nước ngoài. Ngoài công nhân làm việc trong các xí nghiệp của các nước tư bản nước ngoài còn có công nhân trong các xí nghiệp của người Trung Quốc.“Cùng với sự phát triển của máy móc, số lượng công nhân công nghiệp tăng nhanh, theo số liệu thống kê không đầy đủ, vào năm 1918, ở Trung Quốc có 1.749.339 công nhân, đến năm 1919 con số đó tăng lên là 2.352.000”

[ 17;25]. Ngoài ra, việc sử dụng lao động phụ nữ và trẻ em rất được chú trọng, trong tổng số công nhân làm việc ở các ngành công nghiệp nhẹ đã có tới 50% phụ nữ và trẻ em.

Bên cạnh sự xuất hiện và phát triển của hai giai cấp cơ bản trong xã hội hiện đại, tầng lớp trí thức tiểu tư sản cũng từng bước ra đời và phát triển. Đầu tiên là việc các nước tư bản đua nhau khoanh vùng, lập tô giới đã buộc họ phải tuyển một khối lượng lớn người Trung Quốc vào làm việc và phục dịch. Do ý thức được tầm quan trọng trong việc đào tạo tầng lớp tri thức mới ở Trung Quốc, cho nên những người nước ngoài đều khá tích cực trong các hoạt động giáo dục. Đến năm 1905 đã có tới 30 ngàn người Trung Quốc học trong trường do người nước ngoài xây dựng. Bên cạnh

đó, Trung Quốc cũng rất cần những công chức mới, nhằm đáp ứng các yêu cầu công việc mới của xã hội. Vì thế, người Trung Quốc cũng mở mang các trường học để đào tạo ra những người chuyên “làm các công việc về nước ngoài”. Có thể nói, bộ phận tri thức tiểu tư sản là bộ phận tinh hoa nhất, họ đã nhạy bén tiếp thu những giá trị tinh thần, những tinh hoa văn hóa nhân loại. Họ là những người truyền bá tư tưởng mới, khơi dậy ý thức dân tộc, tập hợp và lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân chống lại các nước thực dân.

Rõ ràng, sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân vào Trung Quốc cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX đã thúc đẩy sự chuyển biến của những giai cấp cũ, đồng thời làm xuất hiện những giai cấp mới. Điều này đã được Mao Trạch Đông khẳng định: “Các lực lượng chính trị đồng thời phát sinh và phát triển với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa mới ấy tức là chính trị của giai cấp tư sản, tiểu tư sản và vô sản”[ 17;26].

Rõ ràng, những chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, xã hội ở Ấn Độ và Trung Quốc cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX đã chuẩn bị những điều kiện cho sự thành lập một tổ chức chính trị của phong trào dân tộc. Sự ra đời của Đảng Quốc Đại và Đồng Minh hội chính là sự đáp ứng yêu cầu của những biến đổi đó. Nói cách khác, sự ra đời của Đảng Quốc Đại Ấn Độ năm 1885 và Trung Quốc Đồng Minh hội năm 1905 là kết quả của những chuyển biển kinh tế - xã hội ở Ấn Độ và Trung Quốc cuối thế kỉ XIX.

Một phần của tài liệu (Trang 31 - 34)