B. PHẦN NỘI DUNG
2.2.5. Tài nguyên sinh vật
Rừng ở phía Tây thành phố thuộc kiểu rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới với thành phần loài phong phú, đa dạng, nhiều tầng. Diện tích đất lâm nghiệp có rừng năm 2012 là 59152,27 ha, chiếm 46,02% diện tích tự nhiên, rừng của thành phố là giao lưu của hai luồng thực vật Bắc Nam. Luồng thực vật phía Bắc tiêu biểu là các cây họ Đậu, họ Dẻ. Luồng phía Nam tiêu biểu là các cây họ Dầu. Đặc tính sinh thái của rừng rất phong phú và đa dạng về cấu trúc, tổ thành loài.
Rừng của thành phố ngoài ý nghĩa kinh tế, còn có ý nghĩa phục vụ nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch. Bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân và núi Bà Nà là nơi hội tụ thảm thực vật Bắc - Nam với những khu rừng quốc gia cần phải bảo vệ.
Đà Nẵng có khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa phân bố ở xã Hòa Ninh, Hòa Phú của huyện Hòa Vang, có diện tích 8838 ha. Tại khu bảo tồn này có 544 loài thực vật bậc cao thuộc 379 chi, 136 họ, gồm thầu dầu, 41 dâu tằm, hương, sến, mật, trắc, kim giao, gụ,…Về động vật rừng, Bà Nà có 256 loài, trong đó lớp thú có 61 loài thuộc 26 họ, 8 bộ; lớp chim có 179 loài thuộc 46 họ, 16 bộ; lớp bò sát có 17 loài thuộc 8 họ, 2 bộ. Các loài quý hiếm là trĩ, sao, gà lôi lam màu trắng, voọc,…
Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có diện tích 4370 ha với 985 loài thực vật bậc cao thuộc 483 chi, 143 họ. Về động vật có 278 loài thuộc 68 họ, 26 bộ, 4 lớp. Giá trị nhất là một số loài động vật quý như voọc vá (loài thú đặc hữu Đông Dương),…
Khu nam Hải Vân có diện tích 10850 ha với 501 loài thực vật bậc cao thuộc 251 chi, 124 họ; 205 loài chim thú thuộc 60 họ, 23 bộ. Ngoài giá trị đa dạng sinh học, rừng ở đây còn có tác dụng chắn bão và điều tiết thủy chế sông Cu Đê.
Ngoài những động vật rừng có giá trị đã nêu ở trên, Đà Nẵng còn có tài nguyên sinh vật biển phong phú. Biển Đà Nẵng có trữ lượng hải sản lớn, khả năng khai thác hàng năm khoảng 60 - 70 nghìn tấn. Vùng tập trung nhiều cá là vùng nước có độ sâu từ 51 - 200m (chiếm 48,2% khả năng khai thác); Độ sâu dưới 50m chiếm 31,2%, vùng nước sâu trên 200m chiếm 20,6%.
Thành phố có hơn 546 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản. Đó là điều kiện tốt để hình thành các vùng nuôi thủy sản với các hình thức nuôi trồng khác nhau như nuôi bè (tôm hùm, cá) ở Thọ Quang, nuôi tôm ở Nại Hiên Đông, Hòa Cường, Hòa Hiệp… Các loại hải sản chính đang nuôi là cá mú, cá hồi, tôm sú và tôm hùm.