2.1. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
Tất cả các loài cây thuốc mọc tự nhiên và được trồng mà cộng đồng người dân tộc Bru - Vân Kiều tại xã A Ngo đã và đang sử dụng theo kinh nghiệm truyền thống.
2.2. ĐỊA ĐIỂM NGHIÊN CỨU
Xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
2.3. THỜI GIAN NGHIÊN CỨU
- Tổng quan và viết đề cương nghiên cứu: Tháng 10 năm 2013.
- Khảo sát thực địa: Từ tháng 10/2013 đến tháng 04/2014 chia làm 4 đợt:
Đợt 1: Từ ngày 15/11/2013 - 21/11/2013.
Đợt 2: Từ ngày 19/01/2014 - 26/01/2014.
Đợt 3: Từ ngày 24/03/2014 - 30/03/2014.
Đợt 4: Từ ngày 03/04/2014 - 09/04/2014.
- Tổng hợp, thống kê số liệu và hoàn thành Khóa luận Tốt nghiệp: từ ngày 10/04/2014 - 30/05/2014.
2.4. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
- Điều tra và lập danh mục các loài cây thuốc tại xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
- Nghiên cứu các bộ phận dùng làm thuốc, công dụng và kinh nghiệm sử dụng các loài cây thuốc đó để chữa bệnh của người dân tộc Bru - Vân Kiều.
- Tìm hiểu sự phân bố của các cây thuốc theo sinh cảnh trên địa bàn nghiên cứu.
- Xác định các loài cây thuốc có trong Sách đỏ Việt Nam.
- Tìm hiểu nguyên nhân tác động đến nguồn tài nguyên cây thuốc và đề xuất biện pháp bảo tồn.
2.5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.5.1. Phương pháp phỏng vấn
a. Phương pháp phỏng vấn trực tiếp
Chúng tôi sử dụng phương pháp phỏng vấn với các đối tượng phỏng vấn:
người dân, người đi hái thuốc, thầy lang nhằm biết trước sự có mặt của các loài cây thuốc trong khu vực, thu thập những thông tin cần thiết về thành phần loài, mức độ phong phú, sự phân bố tự nhiên cũng như kinh nghiệm sử dụng các loài cây thuốc của người dân tộc Bru - Vân Kiều.
b. Phương pháp phỏng vấn bằng phiếu
Ngoài phương pháp phỏng vấn trực tiếp chúng tôi còn dùng phiếu để phỏng vấn. Đối tượng phỏng vấn cũng chính những người dân ở xã A Ngo, mà đặc biệt hơn đó là những người đi hái thuốc để điều tra về thành phần loài, bộ phận sử dụng, công dụng và vùng phân bố của cây thuốc ở đây và một số thông tin khác.
2.5.2. Phương pháp khảo sát thực địa a. Phương pháp thu mẫu ngoài thực địa
- Khảo sát tổng thể để xác định tuyến nghiên cứu và tiến hành thu mẫu theo các tuyến đó. Các tuyến nghiên cứu gồm:
+ Tuyến 1: Dọc tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên địa phận thôn A La, xã A Ngo.
+ Tuyến 2: Dọc các tuyến đường trên địa phận thôn A Xơi, A Ngo, xã A Ngo.
+ Tuyến 3: Tuyến đường đi vào rừng.
+ Tuyến 4: Tuyến đường đi ven suối.
- Dụng cụ thu mẫu: cặp thực địa, sổ ghi chép, bút chì mềm, nhãn ghi số liệu, kéo cắt cây, máy ảnh.
- Nguyên tắc thu mẫu:
+ Mỗi mẫu đều có đầy đủ các bộ phận nhất là cành có lá, cùng hoa quả hay cả cây đối với loài cây thảo.
+ Các mẫu thu trên cùng một cây thì đánh cùng một số hiệu.
+ Ghi chép ngay những điểm dễ nhận biết ngoài thiên nhiên, nhất là đặc điểm dễ mất khi khô (màu sắc hoa, quả,…). Đồng thời ghi chép nơi phân bố của cây.
+ Đặt mẫu vào giữa một tờ báo rồi xếp vào cặp gỗ mang về phòng thí nghiệm xử lí.
b. Phương pháp xử lí và bảo quản mẫu
- Mẫu mang về cần được xử lí ngay: cắt tỉa lại, để vào một tờ báo khác sao cho có thể nhìn thấy tất cả các bộ phận, đặc điểm ở trên mẫu cây.
- Xếp khoảng 10 - 15 mẫu lại với nhau, buộc lại đồng thời dùng vật nặng ép xuống.
- Phơi nắng các bó mẫu, thay báo các bó mẫu, thay báo 3 - 4 lần/ngày cho đến khô, nếu nắng yếu thì dùng than hoặc điện để sấy mẫu.
- Để bảo quản được lâu, sau khi mẫu khô sẽ được xử lí bằng cồn 900 và CuSO4 để ngăn ngừa nấm mốc. Đổ cồn 900 vào một chậu men rộng, hòa tan CuSO4 vào cho đến khi dung dịch bão hòa. Cho mẫu cây vào ngâm trong thời gian từ 5 - 10 phút rồi đem sấy lại cho đến khô.
- Lên tiêu bản: Mẫu được đính trên giấy Croqui 29 x 41 cm, chú ý xếp sao cho mẫu có dáng đẹp, tự nhiên và có dán nhãn ở một góc về bên phải.
c. Phương pháp giám định tên cây - Phương pháp so sánh hình thái.
- Trong quá trình giám định, sử dụng khóa phân loại của Phạm Hoàng Hộ 1991, 1992, 1993. Ngoài ra còn tra thêm: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Đỗ Tất Lợi (2006).
d. Phương pháp lập danh mục
- Danh mục thực vật được xếp vào từng chi, họ theo cách sắp xếp của Brummitt, 1992.
- Trật tự các loài trong phạm vi từng chi, các chi trong từng họ được sắp xếp theo trật tự A, B, C.
- Danh mục được lập trên cơ sở thu các mẫu vật, đồng thời tham khảo đối chiếu các tài liệu sau:
+ Phạm Hoàng Hộ (1991 - 1993) trong tập “Cây cỏ Việt Nam” gồm 6 tập.
+ Đỗ Tất Lợi (2006), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”.
+ Đỗ Huy Bích và cộng sự (2002), “Những cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”.
2.5.3. Phương pháp xử lí số liệu
Dùng phần mềm Excel để xử lý số liệu.