Amihud and Mendelson (1986) là một trong những nhóm học giả đầu tiên đặt nền tảng nghiên cứu vai trò của thanh khoản trong việc định giá tài sản, đặc biệt chú trọng phân tích hành vi đầu tư của 2 nhóm đối tượng chính là nhà đầu tư ngắn hạn và dài hạn để lý giải tác động của thanh khoản trong việc định giá cổ phiếu. Trong nghiên cứu này, biến thanh khoản được đại diện bởi chênh lệch giá hỏi mua trên giá chào bán kết hợp phương pháp luận và phân chia danh mục theo nghiên cứu của Fama – MacBeth (1973), dữ liệu cổ phiếu được thu thập trên sàn chứng khoán NYSE giai đoạn 1960 – 1980 và phân tích dữ liệu trong vòng ít nhất 11 năm. Sau khi phân tích kết quả hồi quy dữ liệu chéo, nhóm tác giả phát hiện tính kém thanh khoản có mối tương quan dương với lợi nhuận cổ phiếu theo tỷ lệ: nếu tăng 1% trong tỷ lệ chênh lệch giữa giá hỏi mua trên giá chào bán thì suất sinh lời cổ phiếu tăng 0,211%. Bên cạnh đó những tài sản kém thanh khoản sẽ được nắm giữ bởi các nhà đầu tư có tầm nhìn đầu tư dài hơn, đặc tính này phù hợp với lý thuyết lợi nhuận và rủi ro phổ biến trong đầu tư tài chính. Sau đó Eleswarapu and Reinganum (1993) cũng dựa trên mô hình tương tự để phân tích dữ liệu theo danh mục cổ phiếu trong khoảng thời gian 36 tháng, nghiên cứu phát hiện ra tác động mùa vụ lên tỷ lệ giá mua bán và lợi nhuận cổ phiếu, cụ thể nghiên cứu khẳng định chỉ tồn tại mối quan hệ giữa thanh khoản lên tỷ suất sinh lời cổ phiếu trong tháng Giêng.
Jun, Marathe and Shawky (2002) nghiên cứu đề tài “Tính thanh khoản và lợi nhuận cổ phiếu trong thị trường vốn mới nổi” sử dụng dữ liệu thu thập của 27 công ty chứng khoán trên các thị trường mới nổi bao gồm các quốc gia Châu Á, Phi, Âu, Mỹ La tinh
và Trung Đông trong giai đoạn từ 1/1992 – 12/1999, nhóm tác giả nhận thấy có mối tương quan cùng chiều giữa tính thanh khoản và lợi nhuận cổ phiếu khi xem xét trên tổng thể thị trường. Kết quả này giữ nguyên trong trường hợp phân tích chuỗi thời gian và phân tích mặt cắt ngang lợi nhuận ngay cả khi kiểm soát hệ số beta thị trường, vốn hóa thị trường và tỷ lệ giá trên sổ sách Đây là một đặc điểm đáng lưu ý và nhóm tác giả đưa ra lý giải cho rằng do các thị trường mới nổi hình thành muộn hơn và hội nhập thấp với thị trường thế giới nên mang những đặc tính riêng biệt như việc nhà đầu tư không xem xét tính thiếu thanh khoản là một nhân tố rủi ro đối với lợi nhuận cổ phiếu, kết quả của nghiên cứu cũng ủng hộ quan điểm của các nghiên cứu khác trên các thị trường mới phát triển.
Chan and Faff (2005) tiếp cận mô hình 3 nhân tố của Fama – French để nghiên cứu “Định giá tài sản và rủi ro kém thanh khoản”, ngoài 3 nhân tố chính là quy mô công ty, giá trị sổ sách trên giá thị trường và lợi nhuận vượt mức trên thị trường thì tác giả bổ sung thêm biến đại diện thanh khoản là tỷ lệ turnover với dữ liệu hàng tháng của 517 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Úc (chiếm 48,45% số lượng cổ phiếu đang niêm yết tại cùng thời điểm) trong giai đoạn 1990 – 1998. Nghiên cứu kết luận rằng tính thanh khoản có mối tương quan âm rõ rệt với định giá lợi nhuận cổ phiếu, hệ số beta âm đối với những danh mục cổ phiếu lớn (cụ thể là danh mục đầu tư có giá trị sổ sách thấp và tính thanh khoản cao).
Datar, Naik and Radcliffe (1998) nghiên cứu “Thanh khoản và lợi nhuận cổ phiếu: Một thử nghiệm thay thế” lấy tỷ lệ khối lượng cổ phiếu giao dịch chia cho khối lượng cổ phiếu đang lưu hành làm đại diện cho biến thanh khoản, là một thử nghiệm thay thế nghiên cứu của Amihud and Mendelson (1986) nhưng khác biệt về biến đại diện thanh khoản và đồng thời biến giá trị sổ sách so với giá thị trường được bổ sung vào mô hình. Nhóm tác giả thu thập dữ liệu của các công ty phi tài chính trên thị trường chứng khoán New York (NYSE) từ tháng 7/1962 đến 12/1991 tương tự như khoảng thời gian trong nghiên cứu của Fama and French (1992), nhóm tác giả tìm thấy một bằng chứng hỗ trợ mạnh mẽ cho mô hình của Amihud and Mendelson khẳng định
quan điểm cho rằng cổ phiếu kém thanh khoản mang lại lợi nhuận trung bình cao hơn: trung bình tỷ lệ turnover giảm 1% thì tương ứng lợi nhuận cổ phiếu tăng cao hơn 4,5% mỗi tháng. Mối tương quan này vẫn giữ nguyên khi kiểm soát các yếu tố quyết định như quy mô công ty, giá trị sổ sách và hệ số beta của thị trường, khác với phát hiện của Eleswarapu and Reinganum (1993) cho rằng thanh khoản chỉ ảnh hưởng đến suất sinh lời cổ phiếu vào tháng Giêng, tác giả cho biết tính thanh khoản giải thích sự thay đổi trong mặt cắt ngang của lợi nhuận cổ phiếu trong toàn bộ thời gian của năm và không có tác động của mùa vụ.
Lam and Tam (2011) nghiên cứu “Thanh khoản và định giá tài sản: Bằng chứng trên thị trường chứng khoán Hong Kong” với bộ dữ liệu của 769 doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong giai đoạn 7/1981 – 6/2004 được biên soạn và tổng hợp bởi trường Đại học Rhode Island. Sử dụng mô hình nghiên cứu của Fama – French bao gồm 3 nhân tố đồng thời bổ sung nhân tố thanh khoản đại diện bởi tỷ lệ khối lượng giao dịch chia cho khối lượng cổ phiếu đang lưu hành. Sau khi kiểm soát các nhân tố quyết định ảnh hưởng đến lợi nhuận cổ phiếu, tác giả khám phá ra mối tương quan âm giữa thanh khoản và phần bù rủi ro kém thanh khoản cổ phiếu và khẳng định thanh khoản là một yếu tố quan trọng để định giá lợi nhuận trên thị trường chứng khoán Hong Kong. Đồng thời khi thử nghiệm chạy mô hình ở các thị trường có điều kiện và theo mùa vụ thì kết quả nghiên cứu vẫn không đổi, tác giả cũng so sánh các mô hình khác nhau và nhận định mô hình 4 yếu tố như trên là tốt nhất để giải thích mối tương quan giữa thanh khoản và lợi nhuận cổ phiếu.
Amihud (2002) đã sử dụng một biến đại diện hoàn toàn mới là biến thiếu thanh khoản ILIQ dùng đo lường thanh khoản cổ phiếu. Chỉ số ILIQ cho biết mức độ thay đổi của giá trên mỗi khối lượng cổ phiếu giao dịch. Ngoài ra tỷ suất sinh lời cổ phiếu còn chịu tác động bởi nhân tố quy mô doanh nghiệp, đối với các công ty nhỏ thì tính thiếu thanh khoản tác động mạnh hơn lên tỷ suất sinh lời so với các công ty có quy mô lớn, điều này được tác giả lý giải do công ty nhỏ thì có nhiều rủi ro về quản trị dòng tiền
hơn nên khi nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu của các công ty này thường có xu hướng kỳ vọng mức lợi nhuận cao hơn để bù đắp cho tính thiếu thanh khoản của cổ phiếu. Nghiên cứu khác của Chordia, Sarkar, and Subrahmanyam (2005) cũng đã kiểm chứng và đưa ra cùng một kết luận cho rằng thanh khoản và tỷ suất sinh lời có mối tương quan âm, sử dụng tỷ lệ khối lượng cổ phiếu giao dịch chia cho vòng quay cổ phiếu để đo lường tính thanh khoản và bộ dữ liệu các công ty chứng khoán trên sàn NYSE (giai đoạn 1993 – 1998) cùng với các biến trong mô hình 3 nhân tố của Fama
– French.
Ngoài ra một số thử nghiệm trên các thị trường khác nhau trên thế giới cũng ủng hộ lý thuyết về phần bù rủi ro, trong đó có thể kể đến nghiên cứu của Berkaert et all (2007) với bộ dữ liệu đáng tin cậy bao gồm 18 thị trường chứng khoán có đặc điểm chung là các thị trường mới nổi khu vực Châu Á, hay nghiên cứu của Acharya and Pedersen (2005) sử dụng mô hình CAPM phân tích mẫu dữ liệu của toàn bộ cổ phiếu trên 2 sàn chứng khoán NYSE và AMEX giai đoạn từ 1962 – 1999 và kết luận thanh khoản có mối tương quan âm trong định giá cổ phiếu.