Phương pháp thu thập dữ liệu

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch của tỉnh hòa bình (Trang 35 - 40)

5. Kết cấu của luận án

1.2.3. Phương pháp thu thập dữ liệu

1.2.3.1. Phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp

Để nghiên cứu QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình, luận án đã xác định các loại dữ liệu thứ cấp cần thu thập bao gồm:

- Các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành; các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, các luận án tiến sĩ, các bài báo khoa học đăng trên các kỷ yếu Hội thảo chuyên ngành,… có liên quan đến du lịch và đề tài luận án.

- Các thông tin về du lịch, hoạt động KDDL của tỉnh Hòa Bình;

- Các số liệu về kết quả hoạt động du lịch của Hòa Bình: tổng lượng khách, tổng thu từ du lịch, tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch, đóng góp của du lịch vào GRDP của tỉnh,…;

- Các văn bản quản lý liên quan đến du lịch; các chính sách khuyến khích đầu tư và các dữ liệu về số lượng, chất lượng các dự án đầu tư PTDL; các dữ liệu về chất lượng nhân lực du lịch và đào tạo nhân lực du lịch của tỉnh, quảng bá du lịch, hợp tác PTDL,… Để có được các dữ liệu thứ cấp này, nghiên cứu sinh đã tiến hành thu thập qua các nguồn như sau:

-Truy cập và thu thập qua các kênh thông tin chính thức của các sở, ban, ngành liên quan đến QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình như: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình, các website của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Hòa Bình, Trung tâm Xúc tiến và Đầu tư Thương mại Du lịch tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Du lịch tỉnh Hòa Bình, cùng một số sở, ban, ngành có liên quan khác của tỉnh như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và

Môi trường, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông,… - Thu thập thông qua các cán bộ làm việc trực tiếp tại các sở, ban, ngành liên quan đến QLNN về du lịch của tỉnh Hòa Bình.

- Thu thập từ những bài báo, công trình NCKH có liên quan đến QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình mà nghiên cứu sinh đã tham khảo được.

Do số liệu thống kê không đầy đủ nên dù đã rất nỗ lực thu thập, tìm hiểu, nghiên cứu sinh đã gặp phải khá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn dữ liệu thứ cấp, phần lớn số liệu thứ cấp được thu thập trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020. Bên cạnh đó, năm 2020 là năm dịch bệnh Covid-19 khởi phát và hoành hành, ảnh hưởng rất lớn và làm đình trệ hầu hết các hoạt động KT-XH trên phạm vi toàn cầu, trong đó, du lịch là một trong những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Không nằm ngoài thực trạng chung đó, dù Việt Nam được đánh giá là quốc gia có những thành công nhất định trong việc kiểm soát dịch bệnh nhưng du lịch Việt

Nam nói chung và du lịch Hòa Bình nói riêng trong năm 2020 cũng có kết quả không mấy khả quan, thể hiện rõ qua các kết quả thống kê thu được. Chính vì vậy, mặc dù luận án có sử dụng số liệu thống kê liên quan đến PTDL của tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 nhưng các số liệu của năm 2020 chỉ sử dụng để tham khảo vì không thể hiện đúng bản chất mang tính quy luật các vấn đề liên quan PTDL của tỉnh, việc phân tích chủ yếu căn cứ vào các số liệu trong 5 năm từ 2015 đến 2019.

1.2.3.2. Phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp

Việc thu thập dữ liệu sơ cấp phục vụ cho nghiên cứu đề tài luận án được thực hiện như sau:

Luận án sử dụng kết hợp giữa phương pháp chuyên gia và phương pháp điều tra xã hội học để thu thập dữ liệu sơ cấp cần thiết phục vụ việc nghiên cứu đề tài luận án. Trong đó:

Phương pháp chuyên gia

Luận án sử dụng phương pháp chuyên gia nhằm mục đích xây dựng các tiêu chí đánh giá QLNN đối với PTDL của một địa phương cấp tỉnh để nghiên cứu thực trạng QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình.

Các chuyên gia thuộc nhóm đối tượng lấy ý kiến là các chuyên gia làm công tác quản lý, nghiên cứu về du lịch của Bộ VH,TT&DL, Tổng cục Du lịch, Viện Nghiên cứu PTDL, các trường đại học có đào tạo về du lịch. Nghiên cứu sinh đã tiến hành xin ý kiến 09 chuyên gia trong lĩnh vực du lịch (gồm 01 chuyên gia của Bộ VH,TT&DL, 01 chuyên gia của Tổng cục Du lịch, 02 chuyên gia của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch và 05 chuyên gia từ các trường đại học có đào tạo về du lịch).

Phương pháp điều tra xã hội học

Luận án sử dụng phương pháp điều tra xã hội học để khảo sát ý kiến các cán bộ QLNN về du lịch của tỉnh Hòa Bình, các doanh nghiệp du lịch, cư dân địa phương, khách du lịch đến Hòa Bình về thực trạng QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình, quan điểm và sự sẵn sàng tham gia PTDL của tỉnh, nhu cầu du lịch và thực trạng chất lượng du lịch của tỉnh Hòa Bình.

Việc thu thập dữ liệu sơ cấp phục vụ việc nghiên cứu đề tài luận án được thực hiện theo quy trình mô tả trong hình 1.2 sau đây (xem hình 1.2):

Xác định loại d ữ liệu sơ cấp cần thu thập Thiết kế mẫu phiếu khảo sát và xin ý kiến chuyên gia Khảo sát thử và điều chỉnh phiếu Khảo sát chính thức Tập hợp và xử lý dữ liệu

Hình 1.2. Quy trình thu thập dữ liệu sơ cấp

Bước 1: Xác định loại dữ liệu sơ cấp cần thu thập

Để phục vụ việc phân tích, đánh giá thực trạng QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình, dữ liệu sơ cấp được thu thập chủ yếu qua khảo sát các cán bộ quản lý trong các cơ quan QLNN về du lịch của tỉnh Hòa Bình. Bên cạnh đó, với mục đích có thêm thông tin phối hợp cùng các dữ liệu thứ cấp đã thu thập được để đưa ra các nhận định về PTDL và QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình, nghiên cứu sinh đã khảo sát đại diện một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch tại Hòa Bình về một số tiêu chí đánh giá QLNN đối với PTDL của tỉnh; quan điểm, đánh giá của cư dân địa phương và khách du lịch về PTDL và thực trạng chất lượng du lịch của tỉnh Hòa Bình.

Bước 2: Thiết kế mẫu phiếu khảo sát và xin ý kiến chuyên gia

Qua tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan, căn cứ vào phạm vi trách nhiệm của các cơ quan QLNN về du lịch được phân cấp theo Luật Du lịch 2017, nghiên cứu sinh đã tổng hợp các nội dung QLNN đối với PTDL của một địa phương cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, vận dụng lý thuyết về các tiêu chí đánh giá QLNN của Ngân hàng Phát triển Châu Á, kế thừa các công trình nghiên cứu của các tác giả Đào Anh Tuấn (2013), Nguyễn Anh Tú (2015), Nguyễn Hồng Phú (2018), nghiên cứu sinh đã đề xuất xây dựng bộ tiêu chí đánh giá QLNN đối với PTDL của một địa phương cấp tỉnh gồm 4 tiêu chí với 36 chỉ tiêu để khảo sát ý kiến các chuyên gia. Bộ tiêu chí do nghiên cứu sinh đề xuất được trình bày tại Phụ lục 1. Phiếu khảo sát ý kiến chuyên gia về các chỉ tiêu đánh giá QLNN đối với PTDL của một địa phương cấp tỉnh được trình bày tại Phụ lục 2. Thời gian tiến hành khảo sát chuyên gia từ ngày 15/10/2019 đến ngày 15/11/2019 bằng hình thức khảo sát trực tuyến qua email. Kết quả của khảo sát được trình bày tại Phụ lục 3.

Nghiên cứu sinh sử dụng kết quả khảo sát chuyên gia để thiết kế phiếu khảo sát thực trạng QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình với đối tượng tham gia khảo sát là các cán bộ làm việc trong các cơ quan QLNN về du lịch của tỉnh Hòa Bình. Phiếu được thiết kế với 30 chỉ tiêu đánh giá QLNN đối với PTDL của một địa phương cấp tỉnh. Việc đánh giá được thực hiện trên thang Likert 5 mức độ, thể hiện quan điểm của đối tượng tham gia khảo sát về các chỉ tiêu đánh giá (5 – rất tốt; 4 – tốt; 3 – trung bình; 2 – kém; 1 – rất kém).

Bước 3: Khảo sát thử và điều chỉnh phiếu

Khảo sát thử và điều chỉnh phiếu là bước có vai trò quan trọng nhằm đảm bảo phiếu khảo sát không mắc những lỗi thiết kế phiếu như câu hỏi đa nghĩa, câu hỏi không rõ nghĩa, câu hỏi khó hiểu hoặc dễ bị hiểu sai,… Để thực hiện khảo sát thử,

nghiên cứu sinh nhờ 15 cán bộ công tác trong lĩnh vực QLNN về du lịch thực hiện khảo sát và cho ý kiến về sự hợp lý, logic, rõ ràng và hình thức của phiếu khảo sát. Kết quả khảo sát thử cho thấy các vấn đề được đề cập trong phiếu khảo sát là phù hợp, tuy nhiên cần điều chỉnh thêm về mặt hình thức cho hợp lý hơn. Từ ý kiến đóng góp của các đối tượng tham gia khảo sát thử, nghiên cứu sinh đã tiếp thu và điều chỉnh phiếu khảo sát. Mẫu phiếu khảo sát thực trạng QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình được trình bày tại Phụ lục 4a.

Bước 4: Khảo sát chính thức

Theo nhà nghiên cứu Hair và các cộng sự (2006), đối với phân tích nhân khám phá (EFA) cỡ mẫu tối thiểu N ≥ 5*x (với x là tổng số biến quan sát). Theo quan điểm của Bollen (1989) để phân tích nhân tố khám phá số lượng mẫu tối thiểu là gấp 5 lần số quan sát theo công thức n = 5*m.

Để đánh giá thực trạng QLNN của đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình, với 30 biến quan sát tương ứng với 30 chỉ tiêu đánh giá được lựa chọn, kích thước mẫu tối thiểu cần đạt là n = 5*30 = 150. Do đó, để dự phòng những trường hợp mẫu không hợp lệ, sai quy cách, sai đối tượng và đảm bảo giá trị khảo sát, nghiên cứu sinh đã gửi phiếu khảo sát cho 180 cán bộ đang công tác tại các cơ quan QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình, bao gồm các cán bộ làm việc tại UBND tỉnh Hòa Bình, Sở VH,TT&DL tỉnh Hòa Bình, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Hòa Bình, UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Hòa Bình (Thành phố Hòa Bình, các huyện Mai Châu, Kim Bôi, Lương Sơn, Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Thủy, Đà Bắc,…), và các cán bộ làm việc tại các sở, ban, ngành khác có liên quan như Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông của tỉnh. Khảo sát được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 6/2020 đến tháng 11/2020. Kết thúc đợt khảo sát, nghiên cứu sinh thu về được 163 phiếu, số phiếu có giá trị thống kê (có đủ thông tin để xử lý) là 157 phiếu, đạt tỷ lệ 87,22%. Các phiếu không có giá trị thống kê là các phiếu mà người trả lời lựa chọn nhiều phương án trả lời, hoặc để trống nhiều câu hỏi trong nội dung phiếu.

Bên cạnh đối tượng tham gia khảo sát chính là cán bộ QLNN về du lịch của tỉnh Hòa Bình, nghiên cứu sinh cũng đã tiến hành khảo sát đại diện các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ du lịch tại Hòa Bình bao gồm đại diện của các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Với nhóm đối tượng này, nghiên cứu sinh tiến hành điều tra khảo sát về một số nội dung QLNN

đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình dưới góc độ là đối tượng quản lý, nhìn nhận về khả năng phục hồi và phát triển của du lịch tỉnh trong thời gian tới. Nghiên cứu sinh đã tiến hành gửi phiếu khảo sát cho 90 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tại Hòa Bình (gồm 13 doanh nghiệp lữ hành, 60 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú và

17 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống). Mẫu phiếu khảo sát được trình bày tại Phụ lục 4b. Số phiếu thu về là 76 phiếu, số phiếu có giá trị thống kê là 63 phiếu, đạt tỷ lệ 70%.

Ngoài ra, để có thêm thông tin hỗ trợ cho nghiên cứu đề tài, nghiên cứu sinh đã tiến hành khảo sát 150 khách du lịch tại Hòa Bình và 150 hộ dân đang sinh sống tại các khu vực giàu tiềm năng PTDL của tỉnh Hòa Bình. Với nhóm đối tượng cư dân địa phương, nghiên cứu sinh khảo sát để thăm dò thái độ của họ đối với việc PTDL tại địa phương; mức độ mong muốn tham gia cung ứng dịch vụ du lịch; tự đánh giá về mức độ cung cấp dịch vụ du lịch của địa phương (mức độ hấp dẫn, mức độ tham gia của người dân, CSHT và CSVCKT phục vụ PTDL, khả năng đáp ứng nhu cầu công việc của người dân khi tham gia làm du lịch, công tác tuyên truyền, công tác

đảm bảo an ninh – an toàn) đánh giá theo tùy chọn tốt/ chưa tốt hoặc đáp ứng/chưa đáp ứng. Mẫu phiếu khảo sát được trình bày tại Phụ lục 4c. Số phiếu thu về là 128 phiếu, số phiếu có giá trị thống kê là 107 phiếu, đạt tỷ lệ 71,33%. Với nhóm đối tượng là khách du lịch, nghiên cứu sinh đã thực hiện khảo sát khách du lịch đang tham gia các tour du lịch với nhiều loại hình khác nhau tại thời điểm khảo sát ở các điểm du lịch của Hòa Bình (gồm Thành phố Hòa Bình, các huyện Mai Châu, Kim Bôi, Lương Sơn, Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Thủy, Đà Bắc,…). Việc khảo sát đối tượng khách du lịch nhằm tìm hiểu về nhu cầu du lịch (thời gian/thời điểm đi du lịch, lý do chọn điểm

đến, các hoạt động ưa thích, nguồn thông tin tham khảo, đối tượng đi cùng, phương tiện vận chuyển/loại hình cơ sở lưu trú/hình thức ăn uống ưa thích, mức chi tiêu bình quân/ngày, đánh giá sự hấp dẫn của điểm đến; đánh giá của khách du lịch về chất lượng chương trình du lịch mà họ tham gia bao gồm các chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ vận chuyển, ăn uống, lưu trú, các hoạt động tại điểm đến, dịch vụ thuyết minh – hướng dẫn, vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề an ninh – an toàn. Mẫu phiếu khảo sát được trình bày tại Phụ lục 4d. Số phiếu thu về là 118 phiếu, số phiếu có giá trị thống kê là 113 phiếu, đạt tỷ lệ 75,33%. Các cuộc khảo sát này cũng được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 6/2020 đến tháng 11/2020.

Bước 5: Tập hợp và xử lý dữ liệu

Sau khi kiểm tra giá trị trong thống kê của phiếu khảo sát thu về, nghiên cứu sinh tiến hành mã hóa, nhập liệu và sử dụng phần mềm SPSS 20.0 để hỗ trợ phân tích, xử lý dữ liệu.

Với các chỉ tiêu đánh giá qua thang điểm từ 1 đến 5, giá trị khoảng cách = (Giá trị lớn nhất - Giá trị nhỏ nhất) / n = (5-1)/5 = 0.8 nên ý nghĩa các giá trị trung bình (GTTB) được xác định như sau:

1,00 ≤ GTTB ≤ 1,80 : Rất kém; 1,81 ≤ GTTB ≤ 2,60: Kém; 2,61 ≤ GTTB ≤ 3,40: Trung bình; 3,41 ≤ GTTB ≤ 4,20: Tốt;

4,21 ≤ GTTB ≤ 5,00: Rất tốt.

Kết quả khảo sát các cuộc khảo sát được trình bày tại Phụ lục 6, Phụ lục 7, Phụ lục 8 và Phụ lục 9 của luận án.

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch của tỉnh hòa bình (Trang 35 - 40)