Đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh Hòa Bình

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch của tỉnh hòa bình (Trang 150 - 152)

5. Kết cấu của luận án

4.2.4. Đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh Hòa Bình

Dù sở hữu nhiều tiềm năng nhưng đến nay việc khai thác PTDL tỉnh Hòa Bình còn nhiều hạn chế, trong đó hệ thống CSHT, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch thiếu đồng bộ và không đảm bảo về chất lượng. Hệ thống CSHT không chỉ phục vụ riêng cho PTDL mà còn ảnh hưởng đến đời sống của dân cư địa phương do họ đều sử dụng chung hệ thống CSHT này. Để có thể đầu tư nâng cấp hệ thống CSHT của tỉnh, cần tập trung ở một số hoạt động trọng điểm như sau:

Thứ nhất, xây dựng ban hành chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công – tư, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân; ưu tiên ngân sách nhà nước hỗ trợ cho tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch; hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ người dân tham gia PTDL cộng đồng,…

Thứ hai, đầu tư cải tạo mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nối với thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận đến các khu, điểm du lịch trên toàn tỉnh để thuận lợi cho du khách đến Hòa Bình. Hỗ trợ đầu tư nâng cấp các bến tàu, thuyền để kết nối tuyến du lịch đường thủy trên sông Đà từ Quảng Ninh lên thành phố Hòa Bình và đến các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.

Thứ ba, tiếp tục ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông đường bộ kết nối với khu du lịch hồ Hòa Bình theo Quy hoạch tổng thể PTDL của tỉnh Hòa Bình và Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình.

Thứ tư, phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ PTDL hướng tới trình độ của khu vực. Đầu tư xây dựng hạ tầng hệ thống viễn thông, mạng wifi miễn phí tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm có lượng khách đông; phủ sóng điện thoại tại các điểm du lịch cộng đồng vùng sâu, vùng cao để thuận lợi cho việc thông tin liên lạc đáp ứng nhu cầu của du khách.

Để thực hiện được các công việc nêu trên, các sở, ban, ngành có liên quan cần chủ trì và phối hợp thực hiện các trách nhiệm cụ thể sau:

Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch; bố trí nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng du lịch; nghiên cứu đề xuất ban hành cơ chế chính sách ưu tiên cho các dự án đầu tư PTDL sinh thái gắn với trồng rừng, các dự án tạo ra sản phẩm du lịch mới có chất lượng,… Chủ trì, phối hợp tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn vốn, nguồn tài trợ trong và ngoài nước đầu tư cho PTDL. Gắn xúc tiến đầu tư với xúc tiến du lịch của tỉnh; chủ trì, phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực triển khai các dự án du lịch có quy mô lớn tại Hòa Bình; tham mưu cân đối nguồn vốn đầu tư hàng năm của tỉnh và nguồn chương trình đầu tư xây dựng CSHT du lịch quốc gia ưu tiên cho các dự án đầu tư PTDL trọng điểm của tỉnh.

Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy của tỉnh và tại các khu, điểm du lịch trọng điểm tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải khách du lịch đến Hòa Bình. Quản lý, nâng cao năng lực phục vụ các bến cảng đường thủy, điểm đỗ xe đạt chuẩn cho khách du lịch; phối hợp quản lý chất lượng vận tải, trạm dừng nghỉ du lịch. Xây dựng và triển khai đề án phân luồng, tuyến giao thông ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển khách du lịch vào các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra xử lý các phương tiện vận tải không đủ tiêu chuẩn phục vụ đảm bảo an toàn cho khách du lịch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất hỗ trợ CSHT cấp nước sạch cho các địa phương có điều kiện, tiềm năng xây dựng các khu, điểm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; đề xuất hỗ trợ đầu tư CSHT du lịch tại các điểm du lịch. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện quản lý tốt quy hoạch ba loại rừng tỉnh Hòa Bình; không sử dụng diện tích rừng tự nhiên để xây dựng hạ tầng du lịch theo quy định, trừ một số trường hợp do Thủ tướng chính phủ chấp thuận.

Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin tại các địa bàn du lịch trọng điểm và các dịch vụ công nghệ số phục vụ khách du lịch. Xây dựng hạ tầng hệ thống du lịch thông minh của tỉnh. Chỉ đạo các nhà mạng ưu tiên cho các điểm du lịch cộng đồng tại vùng sâu, vùng xa.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư và khuyến khích hoạt động du lịch, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch của tỉnh hòa bình (Trang 150 - 152)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(164 trang)
w