Đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân được cấy máy CRT

Một phần của tài liệu Chỉ định và hiệu quả của phương pháp cấy máy tạo nhịp tái đồng bộ tim sau điều trị suy tim nội khoa tối ưu (Trang 106 - 108)

4.1.2.1 Thuốc điều trị nội khoa

Trong nghiên cứu của chúng tôi, nhóm thuốc được sử dụng để điều trị suy tim trước và sau khi cấy máy CRT không khác nhau nhiều. Thuốc được sử dụng tuân theo khuyến cáo điều trị suy tim:

- 97,7% bệnh nhân có dùng thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể angiotensin cao hơn so với nghiên cứu của N Varma (84,6%).

- 77,3% bệnh nhân có dùng thuốc chẹn thụ thể bêta, thấp hơn của N Varma (86,4%).

- 72,7% bệnh nhân dùng nhóm thuốc kháng Aldosteron (MRA). Kết quả này gần giống với tác giả N Varma (78,3%) [174].

- 2,3 % bệnh nhân có dùng nhóm ARNI và 13,4% có dùng SGLT2i.

Để thuận tiện cho việc điều trị suy tim, thuốc điều trị suy tim được chia thành 2 nhóm, một nhóm chủ yếu là điều trị triệu chứng như: digoxin, lợi tiểu, nitrate, và một nhóm thuốc để điều trị làm tăng chất lượng cuộc sống và kéo dài cuộc sống như: chẹn thụ thể bêta, ức chế thụ thể và ức chế men chuyển, ARNI, thuốc kháng aldosterone và nhóm thuốc kháng kênh If. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi, đã được sử dụng các thuốc điều trị suy tim theo khuyến cáo của Hội tim mạch Châu Âu gồm thuốc chẹn thụ thể bêta, ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể, kháng aldosterone chiếm tỷ lệ cao [134]. Trong nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận, bệnh nhân dùng digoxin chiếm tỷ lệ cũng khá cao (76,1%), tỷ lệ này cao hơn so với việc dùng digoxin trong điều trị suy tim của các tác giả nước ngoài [33],[53],[124],[134], có nhiều khả năng do nhóm đối tượng suy tim của các tác giả này khác với nhóm đối tượng nghiên cứu của chúng tôi. Tuy nhiên, sau khi cấy máy CRT

tỷ lệ bệnh nhân dùng digoxin giảm hơn trước khi cấy máy một cách có ý nghĩa (p=0,03), do tình trạng lâm sàng cải thiện hơn. Gần đây, một số tác giả ghi nhận, ở bệnh nhân có suy tim phân suất tống máu giảm, digoxin làm tăng tỷ lệ tái nhập viện ở các thời điểm 6 tháng, 12 tháng và 24 tháng sau khi xuất viện [18]. Vì vậy, cần cân nhắc sử dụng digoxin trong điều trị suy tim nặng, chỉ nên sử dụng khi bệnh nhân suy tim có triệu chứng khó thở nhiều, có rung nhĩ đáp ứng thất nhanh kèm theo.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, có 97,7% là nhịp xoang, trong đó có 29,5% bệnh nhân nhịp xoang có tần số tim >100 lần/phút, nhưng chỉ có 20,5% số bệnh nhân này có dùng ivabradine, thấp hơn nhiều so với các tác giả khác [33],[53],[124], [134]. Chúng ta nên cải thiện việc sử dụng thuốc này trong điều trị suy tim phân suất tống máu giảm, có nhịp xoang sau khi đã sử dụng chẹn thụ thể bêta liều tối ưu bệnh nhân có thể dung nạp được, mà tần số tim vẫn còn >70 lần/phút. Một nhóm thuốc mới ra đời gần đây là hợp chất LCZ696 hay còn gọi là ARNI (Angiotensine Receptor Neprilysine Inhibitor), thuốc này đã chứng minh tốt hơn so với ức chế thụ thể trong điều trị suy tim phân suất tống máu giảm, trong việc giảm tỷ lệ tử vong và nhập viện trong thử nghiệm lâm sàng. Trong nghiên cứu của chúng tôi, có một ít bệnh nhân cũng đã sử dụng (2,3%), do thuốc mới có ở Việt Nam trong thời gian gần đây.

4.1.2.2 Đặc điểm về nguyên nhân suy tim có chỉ định cấy máy CRT

Trong nghiên cứu của chúng tôi, có 50% bệnh nhân cấy CRT là suy tim do bệnh cơ tim dãn thứ phát sau tăng huyết, đái tháo đường, uống nhiều rượu, rối loạn nhịp tim, sau mổ van tim. Có 42% bệnh nhân cấy CRT là suy tim do bệnh cơ tim dãn tiên phát. Chỉ có 8% bệnh nhân là suy tim do bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ (BCTTMCB). Điều này hoàn toàn khác với các nghiên cứu khác trên thế giới, bệnh nhân có chỉ định cấy CRT trong nghiên cứu thường là suy tim do BCTTMCB: như nghiên cứu PROPECT [41] tỷ lệ này là 53%, nghiên cứu MADIT -CRT tỷ lệ là 55%

[116]. Trong nghiên cứu của N Varma, nhóm bệnh nhân bị suy tim do bệnh cơ tim dãn tiên phát là 46,8%, suy tim do bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ là 38,4% [174]. Nhiều công trình nghiên cứu chứng minh rằng, dù bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ được giải quyết triệt để nguyên nhân, thì tiên lượng cải thiện điều trị suy tim đặc biệt là đáp ứng với CRT

cũng thường kém hơn so với nhóm bệnh nhân bị bệnh cơ tim dãn [41],[116]. Nghiên cứu N Varma, sự có hay không có đáp ứng với CRT của nhóm bệnh nhân suy tim do bệnh cơ tim dãn tốt hơn so nhóm bệnh nhân suy tim do bệnh tim thiếu máu cục bộ (p=0,003) [174].

Một phần của tài liệu Chỉ định và hiệu quả của phương pháp cấy máy tạo nhịp tái đồng bộ tim sau điều trị suy tim nội khoa tối ưu (Trang 106 - 108)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(181 trang)
w