Sự lành miệng nối ống tiêu hóa

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hiệu quả hỗ trợ dinh dưỡng chu phẫu trên bệnh nhân phẫu thuật tiêu hóa có suy dinh dưỡng nặng (Trang 44 - 45)

- Quá trình lành vết thương gồm 3 giai đoạn có chồng lấn lên nhau: cầm máu và viêm (6 ngày đầu), tăng sinh (ngày 4-14), tu sửa và hoàn chỉnh (sau 7 ngày). Trong giai đoạn đầu có sự tổng hợp và lắng đọng sớm các cơ chất ngoại bào tại vết thương như fibronectin, collagen III, fibrin. Chúng gia tăng nhanh trong vòng 24 giờ đầu và đạt đến đỉnh trong 1-2 ngày, giúp hàn kín vết thương, chống thấm nước. Trong các giai đoạn lành vết thương, nhiều cơ chế cùng tham gia nối tiếp và đan xen với nhau, nhưng nổi bật hơn là chuyển hóa collagen, nó có vai trò quan trọng trong sự thành bại của lành vết thương. Tổng hợp collagen phụ thuộc vào sự cung cấp đầy đủ oxy và các chất DD, tưới máu tốt và không có nhiễm trùng tại chỗ vết thương [22], [49].

- Quá trình lành miệng nối tiêu hóa bắt đầu với việc tái lập lưu thông bằng kỹ thuật khâu nối. Nếu quá trình lành thất bại, miệng nối xì rò, gia tăng tỷ lệ biến chứng. Ngược lại, nếu đường khâu lành một cách quá mức, có thể dẫn đến sẹo hẹp miệng nối. Sự toàn vẹn sớm của miệng nối nhờ sự hình thành một vết hàn sớm bằng fibrin ở thanh mạc giúp bịt kín không thấm nước và khả năng giữ các mũi khâu của thành ruột mà đặc biệt là lớp dưới niêm, nơi chứa các sợi collagen đàn hồi phong phú. Phần ống tiêu hóa thiếu thanh mạc có tỷ lệ xì rò miệng nối cao hơn [22], [49]. Lớp biểu mô là một hàng rào vật lý ngăn chặn sự thoát dịch và thâm nhập của vi khuẩn. Sự tái biểu mô hóa vết thương ống tiêu hóa bắt đầu rất sớm, chỉ sau tổn thương vài giờ, lớp biểu mô mới này sẽ gắn chặt vào lớp màng đáy và lớp dưới biểu mô mới tái lập [7].

- Có một sự sụt giảm đáng kể sức chịu căng ở bờ miệng nối trong tuần đầu tiên do sự phân hủy sớm của collagen, được thực hiện bởi men collagenase có nguồn gốc từ bạch cầu trung tính, đại thực bào và vi khuẩn trong lòng ruột. Điều này xảy ra trong suốt 3-5 ngày đầu tiên, dẫn đến sự phân hủy collagen vượt quá tổng hợp. Sự tiến triển lành miệng nối như là một kết quả cân bằng tốt giữa phân hủy collagen và sự tổng hợp nó tăng dần bắt đầu vài ngày sau đó. Thời điểm yếu nhất của miệng nối không phải là ngày đầu tiên mà thường rơi vào sau 3-5 ngày hậu

-

- phẫu [22], [49]. Lực áp giữ miệng nối trong 3 ngày đầu phụ thuộc chủ yếu vào chỉ khâu hay kim bấm bám vào mô collagen hiện hữu. Nếu lượng collagen ở miệng nối giảm đi quá mức sẽ làm lỏng các mũi chỉ khâu hay kim bấm và gây nên xì rò miệng nối, thường xảy ra vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 sau mổ [7],[49].

- Mặc dù đã có nhiều kỹ thuật được xem xét nhằm tạo nên một miệng nối tối ưu, trên lâm sàng vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục ủng hộ một kỹ thuật nào là ưu điểm hơn hẳn. Tuy nhiên, người ta biết rằng mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm. Các miệng nối khâu tay nếu có lộn niêm mạc ra ngoài sẽ có nguy cơ cao hơn xì rò và dính ruột về sau, nhưng khâu tay có tỷ lệ hẹp miệng nối thấp hơn. Vì không có ưu thế vượt trội của bất kỳ phương pháp nào, nên các phẫu thuật viên được khuyên rằng cần quen thuộc các kỹ thuật khác nhau và áp dụng chúng theo yêu cầu của từng hoàn cảnh [22].

- Sau PT tiêu hóa, nhu động dạ dày - ruột phục hồi nhanh hay chậm tùy thuộc vào mức độ stress do PT - gây mê hồi sức gây ra, cũng như việc áp dụng tới đâu của chương trình phục hồi sớm sau mổ. Nhìn chung, nhu động đại tràng phục hồi chậm hơn, từ ngày thứ 2 hay thứ 3 sau mổ [5]. Sự hồi phục của dạ dày sớm hơn, cho phép bắt đầu nuôi ăn qua dạ dày sớm nhất có thể là 6 giờ sau mổ, thông thường là sau 12- 24 giờ. Trong khi đó chức năng tiêu hóa của ruột non phần lớn bắt đầu phục hồi chỉ 2 giờ sau mổ, điều này ủng hộ quan điểm nuôi ăn tiêu hóa sớm sau PT [61].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hiệu quả hỗ trợ dinh dưỡng chu phẫu trên bệnh nhân phẫu thuật tiêu hóa có suy dinh dưỡng nặng (Trang 44 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(168 trang)
w