Thực trạng áp dụng các kỹ thuật thâm canh

Một phần của tài liệu Cay chuoi (Trang 36 - 38)

4. KẾT QUẢ ÁP DỤNG CÁC KỸ THUẬT CANH TÁC TRÊN CÂY CHUỐI TẠI MỘT SỐ VÙNG TRỒNG CHỦ LỰC

4.2.1. Thực trạng áp dụng các kỹ thuật thâm canh

(1) Mô hình tại Phú Thọ

- Các giống đang sản xuất gồm: Chuối Tiêu hồng, Tiêu Phú Thọ, chuối tây Phấn Vàng, tây GL3-2. Ngoài ra còn có một số giống chuối ngự, chuối hột, chuối lá… nhưng không phổ biến và được trồng rải rác trong một số vườn hộ. Một số giống như Williams cũng đang được trồng thử nghiệm tại một số mô hình.

- Quy trình áp dụng: Các cơ sở được khảo sát đều áp dụng các quy trình nền của Viện Nghiên cứu Rau quả và các cơ quan chuyên môn của địa phương khuyến cáo.

- Các khâu kỹ thuật chính được vận dụng trên mô hình. + Thời vụ trồng chính:

Chuối tiêu: Trồng tháng 2 - 3, thu hoạch tháng 1 - 2 năm sau. Chuối tây: Trồng tháng 1 - 3, thu hoạch tháng 4 - 7 năm sau. + Mật độ: 2.000 - 2.500 cây/ha.

+ Chu kỳ sản xuất: Tùy theo từng cơ sở sản xuất, cây chuối được trồng lại với chu kỳ 1 - 3 năm. Đối với các trang trại có diện tính lớn thường chỉ thu 1 vụ và trồng lại hàng năm. Các hộ nhỏ lẻ thường để thu hoạch vụ 2 hoặc vụ 3.

+ Chế độ chăm sóc:

Vùng sản xuất chuối của Phú Thọ chủ yếu là vùng đất bãi ven sông, người sản xuất có khả năng thâm canh khá cao. Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh trong canh tác chuối cũng được người dân áp dụng khá tốt. Các biện pháp kỹ thuật như tưới nước, bón phân, bao buồng, chống đổ, phòng trừ sâu bệnh đều được thực hiện. Việc tưới nước hoàn toàn bằng biện pháp xả nước vào rãnh từ các kênh tưới sẵn có của địa phương. Không bố trí hệ thống tưới tiết kiệm nước. Chủ yếu tưới vào mấy tháng mùa khô.

Lượng phân bón cũng được bón tùy theo điều kiện của từng cơ sở/ từng hộ. Lượng phân bón các loại cho 1 vụ chuối dao động từ 0 - 5 kg phân chuồng/cây (bón phân hữu cơ không được chú trọng); 0,2 - 0,5 kg urê/cây; 0,3 - 1,0 kg lân supe; 0,3 - 0,5kg kali clorua hoặc kali sulfat; 0,2 - 0,3 kg vôi bột.

Cách bón phân chủ yếu áp dụng như sau:

Bón lót: Toàn bộ lượng phân chuồng, lân supe, vôi bột.

Bón thúc đạm urê: 10 ngày sau trồng bón 30%, 60 ngày sau trồng bón 30% nữa và 90 ngày sau trồng bón lượng còn lại.

Bón thúc phân kali: Lúc cây chuẩn bị trỗ hoa bón 30% lượng kali, cây trỗ được 30 ngày bón nốt lượng còn lại.

(2) Mô hình chuối tại Gia Lai

- Các giống đang sản xuất: Giống chuối được trồng thương mại với diện tích lớn và phục vụ xuất khẩu chủ yếu là chuối Tiêu Nam Mỹ (chuối Già Nam Mỹ). Giống chuối mốc được trồng nhiều nhưng chủ yếu tiêu thụ nội địa. Ngoài ra, các giống chuối hột, chuối tiêu địa phương cũng được trồng nhưng với diện tích không nhiều và thường không tập trung.

- Quy trình kỹ thuật áp dụng: Chưa có quy trình cụ thể cho cây chuối nào được khuyến cáo cho bà con nông dân ở đây. Các doanh nghiệp sử dụng quy trình của riêng họ. Các biện pháp kỹ thuật được áp dụng tại đây như sau:

+ Thời vụ trồng chính:

Chuối tiêu: Trồng tháng 6 - 8, thu hoạch tháng 5 - 7 năm sau. Chuối tây: Trồng tháng 5 - 7, thu hoạch tháng 7 - 9 năm sau. + Mật độ: 2.000 - 2.500 cây/ha.

+ Chu kỳ sản xuất: Tùy theo từng cơ sở sản xuất, cây chuối được trồng lại với chu kỳ 1 - 3 năm. Đối với các trang trại có diện tính lớn, trồng xuất khẩu thường thu 2 vụ sau đó mới trồng lại. Các hộ dân trồng với diện tích nhỏ lẻ thường để thu hoạch vụ 2 hoặc vụ 3. Một số ít để lâu hơn nữa.

Gia Lai là một trong những tỉnh có đất đai màu mỡ của vùng Tây Nguyên. Phong trào trồng cây ăn quả mới được phát triển trong những năm gần đây. Do vậy việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác cây ăn quả nói chung, cây chuối nói riêng có phần hạn chế. Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp lớn đã tổ chức sản xuất chuối phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Các kỹ thuật cũng như các việc ứng dụng công nghệ cao mới được áp dụng một cách bài bản. Các biện pháp kỹ thuật như tưới nước, bón phân, bao buồng, chống đổ, phòng trừ sâu bệnh đều được thực hiện trên các mô hình lớn.

Về bón phân cho chuối: Đối với các hộ nhỏ lẻ, trồng với diện tích ít, thường không có bố trí hệ thống tưới. Biện pháp bón phân cũng được bón tương tự nông dân các tỉnh ngoài Bắc. Một năm bón 4 - 5 lượt vào các thời điểm trồng cây; thúc sinh trưởng; thúc hoa, thúc quả. Lượng phân bón cũng được bón tùy theo điều kiện của từng cơ sở/từng hộ. Lượng phân bón các loại cho 1 vụ chuối dao động từ 0 - 5 kg phân chuồng/cây; 0,2 - 0,5 kg urê/cây; 0,3 - 0,5 kg lân supe; 0,3 - 0,5 kg kali clorua; 0,2 - 0,3 kg vôi bột.

Tưới nước: Việc tưới nước cho chuối rất hạn chế ở các hộ trồng nhỏ lẻ. Việc tưới cho chuối theo hệ thống chỉ được thực hiện trên quy mô lớn và do các doanh nghiệp thực hiện.

Cách bón phân chủ yếu áp dụng như sau:

Bón lót: Toàn bộ lượng phân chuồng, lân supe, vôi bột.

Bón thúc sinh trưởng 15 ngày sau trồng bón 20% đạm + 20% kali; 60 ngày sau trồng bón 30% đạm + 20% kali; sau 90 ngày sau trồng bón nốt 30% lượng đạm còn lại và 20% kali; tháng thứ 5 (chuẩn bị trỗ buồng) bón 20% kali và tháng thứ 10 bón nốt 20% lượng kali còn lại.

Một phần của tài liệu Cay chuoi (Trang 36 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)