4. KẾT QUẢ ÁP DỤNG CÁC KỸ THUẬT CANH TÁC TRÊN CÂY CHUỐI TẠI MỘT SỐ VÙNG TRỒNG CHỦ LỰC
4.2.2. Hiệu quả việc ứng phó với biến đổi khí hậu
* Tại Phú Thọ: Trong điều kiện trồng chuối ở những vùng trồng chính có thể chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng ngập úng trong mùa mưa; hạn hán trong mùa khô và chịu ảnh hưởng lớn khi gió lốc.
Kết quả khảo sát một số mô hình trồng chuối tại huyện Tam Nông cho thấy, ngoài việc áp dụng kỹ thuật thâm canh cao, hầu hết các hộ gia đình/các cơ sở sản xuất lớn đều áp dụng biện pháp khắc phục. Cụ thể:
- Giống: Chuối tiêu hồng, tiêu Phú Thọ. - Mật độ trồng: 2.500 cây/ha.
- Đề phòng ngập úng: Đào rãnh thoát nước. - Đề phòng gió lốc: Chằng dây níu cây với nhau.
- Khô hạn trong mùa mưa: Chủ yếu vẫn sử dụng tưới thủ công. - Chế độ bón phân:
+ Bón lót bằng phân chuồng 5 - 10 kg kết hợp với NPK*M1 5.10.3-8 liều lượng 0,3 - 0,5 kg/cây (trộn đều các loại phân đưa xuống hố - phủ đất - trồng cây - lấp đất kín gốc tới độ sâu cách mặt luống 10 cm - tưới ẩm).
+ Bón thúc 3 lần bằng NPK*M1 12.5.10-14, lần 1 sau trồng từ 1 - 1,5 tháng liều lượng 0,7 - 1,0 kg, lần 2 sau lần 1 từ 1,5 - 2,0 tháng: 1,5 - 2,0 kg, lần 3 khi cây trổ buồng: 1,0 - 1,5 kg.
+ Phòng trừ sâu bệnh: Phòng trừ sâu đục thân bằng cách sử dụng thuốc có chứa hoạt chất Carbonsufour hoặc Thiosultap-Sodium rắc xung quanh gốc chuối với liều lượng 3 - 5 g/cây; nếu phát hiện sâu, sử dụng biện pháp bẫy rồi diệt; Phòng trừ các loại sâu hại lá, quả bằng cách phun thuốc Abamectin, Emamectin, alpha Cypermethrin; Phòng trừ các bệnh trên thân lá, quả bằng cách phun các loại thuốc Mancozeb, Kasuran BTN, Zincopper, Oxyt clorua đồng, Bóoc-đô…
- Hiệu quả: Việc áp dụng các kỹ thuật đồng bộ đã làm tỷ lệ trổ buồng đạt trên 95% (so với đối chứng theo tập quán địa phương là xấp xỉ 90%), bình quân 10 nải/buồng, quả ra đều và chắc, ít bị đốm trên quả. Thời gian sinh trưởng cũng sẽ rút ngắn lại khoảng 10 ngày so với canh tác thông thường (tổng thời gian sinh trưởng đến thu hoạch thông thường từ 12 - 13 tháng). Thu nhập của mô hình đạt 300 triệu đồng/ha cao hơn so với ruộng đối chứng khoảng 40 - 50 triệu đồng.
* Tại Gia Lai: Đối với điều kiện trồng chuối ở Gia Lai, cần giải quyết hai vấn đề chính là nước tưới và gió lốc. Kết quả khảo sát mô hình chuối ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước tại Công ty Cổ phần Cà phê Gia Lai cho thấy: Để ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp (mùa khô kéo dài, mùa mưa đến muộn/kết thúc sớm dẫn đến nguồn nước khan hiếm), Công ty đã triển khai lắp đặt hệ thống tưới trên toàn bộ diện tích trồng chuối và triển khai biện pháp chống đổ gẫy trên toàn bộ diện tích trồng. Các biện pháp chính được áp dụng tại mô hình cụ thể như sau:
- Mật độ trồng: 2.500 cây/ha. Cây in-vitro.
- Tưới nước: Hệ thống tưới phun mưa duy trì 3 ngày tưới 1 lần nếu trời không mưa. Mỗi lần tưới 10 - 15 lít nước/cây.
- Chống đổ gẫy: Sử dụng dây chuyên dụng, bản to để chằng níu cây với nhau, kết hợp với chống bằng cọc ở các hàng bên ngoài.
- Chế độ bón phân: Do tưới tiêu chủ động nên chế độ bón phân cũng được chia làm nhiều lần bón nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và thúc loại phân cần thiết cho từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây.
+ Lượng bón cho 1 ha: 1.250 kg urê + 1.250 kg kali clorua + 250 kg NPK (tỷ lệ 17:17:17).
+ Cách bón:
Bón lót: 3 - 5 kg phân chuồng hoai mục + 0,3 kg lân supe + 0,2 kg vôi bột. Bón thúc: Lượng phân chia làm 10 lần bón, mỗi tháng bón 1 lần từ tháng thứ nhất đến tháng thứ 10. Mỗi lần bón 50 g urê + 50 g kali clorua/cây. Từ tháng thứ 7 đến tháng thứ 8 (khi trỗ buồng), cùng với lượng phân hàng tháng, bón bổ sung 2 lần NPK tỷ lệ 17:17:17 với lượng 50 g/cây. Bón bằng cách rắc xung quanh gốc rồi tưới.
Các biện pháp phòng trừ sâu bệnh được cán bộ phụ trách thường xuyên kiểm tra để có biện pháp phòng trừ phù hợp.
- Để cây vụ 2: Những cây con mọc ra trước tháng thứ 6 bị loại bỏ, Khi cây có hoa, bắt đầu để cây con cho vụ 2.
- Chăm sóc cây vụ 2: Sau khi thu hoạch vụ 1, bón bổ sung phân hữu cơ và điều chỉnh lượng phân vô cơ ít hay nhiều hơn một chút cho từng cây để cây có độ sinh trưởng đồng đều.
Hiệu quả: Với phương thức canh tác tiến tiến như vậy đã làm giảm lượng nước tưới, giảm công lao động tưới, tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Từ đó, cây chuối sinh trưởng khỏe, đạt độ đồng đều cao, trỗ buồng đồng loạt. Trung bình mỗi buồng để được 9 - 10 nải thương phẩm. Năng suất đạt trung bình trên 45 tấn/ha, cao hơn nhiều so với năng suất trung bình toàn vùng (13,7 tấn/ha).