II. XÂY DỰNG CƠ SỞ NẮM TÌNH HÌNH, TRỪ GIAN, PHÁ TỀ, PHÁ CHÍNH QUYỀN ĐỊCH, MỞ RỘNG VÙNG GIẢI PHÒNG (1947 1950)
1. Bối cảnh trong nước, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Lào Ca
Năm 1948, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và Đông Dương có nhiều biến đổi, có những thuận lợi nhưng cũng đứng trước không ít khó khăn, phức tạp.
Liên Xô, là nước đứng đầu hệ thống xã hội chủ nghĩa sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, ngày càng được củng cố và lớn mạnh, có cơ sở, điều kiện để hỗ trợ, giúp đỡ các nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu khôi phục, phát triển kinh tế và chống lại sự chống phá của chủ nghĩa đế quốc. Ở châu phi, châu Á, đặc biệt ở
Đông Dương, phong trào đấu tranh chống đế quốc, giành độc lập dân tộc tiếp tục phát triển mạnh. Ở Trung Quốc, cuộc chiến giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản đang lan rộng, Giải phóng quân của Đảng Cộng sản trung Quốc đã tiến công và kiểm soát nhiều khu vực, nhiều vùng gần với biên giới Việt Nam. Đế quốc Mỹ là quốc gia đứng đầu các nước tư bản về kinh tế, tài chính và quân sự, đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu thống trị các nước nhỏ, chiếm lại thị trường quốc tế, bằng cách dùng viện trợ kinh tế, quân sự buộc các nước tư bản châu Âu phải phụ thuộc vào Mỹ, chống lại Liên Xô và các nước dân chủ.
Tình hình chính trị nước Pháp rất phức tạp, Chính phủ Pháp liên tục sụp đổ. Về kinh tế, tài chính, nước Pháp gặp nhiều khó khăn, bởi hậu quả nặng nề của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, mặt khác, chi phí cho cỗ máy chiến tranh xâm lược kéo dài ở các nước thuộc địa ngày càng trở thành gánh nặng cho nền kinh tế Pháp. Từ một nước tư bản tài chính, làm giàu bằng cách “cho vay nặng lãi”, Pháp
dần dần trở thành con nợ và lệ thuộc vào đế quốc Mỹ.
Trong nước, sau thất bại nặng nề tại Việt Bắc trong Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp đứng trước nhiều khó khăn, buộc giới cầm quyền Pháp phải thay đổi, chuyển từ chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang chiến tranh tổng lực
“Đánh lâu dài”, kết hợp cả quân sự, chính trị, kinh tế. Để thực hiện chiến lược đó,
quân Pháp tiến hành củng cố vùng chiếm đóng, đồng thời mở các cuộc hành quân ra các vùng tự do hòng chống phá bộ máy lãnh đạo cách mạng, lực lượng kháng chiến của ta và lấn chiếm mở rộng địa bàn. Cùng với việc chuyển hướng chiến lược về quân sự, thực dân Pháp gấp rút tuyển mộ lính nguyh, xây dựng chính quyền tay sai, vơ vét sức người và của cải của nhân dân, thực hiện chính sách
“Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Thực hiện
chính sách chia để trị, thực dân Pháp lần lượt lập ra các xứ tự trị trên vùng Tây Bắc. Đối với ta, lực lượng vũ trang tuy được tôi luyện và trưởng thành nhưng vẫn còn non yếu, sức chiến đấu chưa cao, trang bị vũ khí còn nhiều thiếu thốn.
Bước sang năm 1949, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến quan trọng có lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Nội bộ Chính phủ Pháp lục đục vì những thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và sự khó khăn của nền kinh tế Pháp. Trên chiến trường cả nước cũng như trên chiến trường Tây Bắc, địch ngày càng rơi vào thế bị động, lúng túng. Chính sách bình định theo chiến thuật “Vết dầu loang” của chúng không đạt kết quả. Để giành lại thế chủ động trên chiến trường Đông Dương, thực dân Pháp triển khai Kế hoạch Rơve.
Về tình hình địch, cuối năm 1947, miền Tây Lào Cai cơ bản đã bị thực dân Pháp chiếm đóng, miền Đông bị thổ ty theo thực dân Pháp khống chế, chống lại chính quyền cách mạng. Vùng tự do của tỉnh lúc này bị thu hẹp chỉ còn lại dải đất giáp từ Phố Lu (Bảo Thắng) đến gần Bảo Nhai (Bắc Hà). Như vậy, ở cả hai mặt, lực lượng của ta đều phải rút. Nhân dân ở các thị trấn, thị xã, huyện lỵ phần lớn đã
tản cứ về Lục Yên (Yên Bái), cán bộ, công nhân viên được biên chế gọn lại, dựa vào Lục Yên để công tác.
Về quân sự, sau khi chiếm được Lào Cai, địch tiếp tục mở nhiều cuộc tiến công chiếm đóng các nơi như Bảo Hà, Phố Ràng, Nghĩa Đô, đồn Dóm, đồn Phát. Đồng thời, chúng chia Lào Cai là một phân khu thuộc Khu quân sự Tây Bắc, dưới Phân khu Lào Cai có Tiểu khu Phố Ràng, Nghĩa Đô, Hoàng Su Phì. Địch gấp rút đôn quân, bắt lính, xây dựng ngụy quân, ngụy quyền, thành lập các tiểu đoàn người Thái, củng cố các vị trí chiếm đóng, đẩy mạnh vơ vét của cải của nhân dân để phục vụ chiến tranh xâm lược.
Về chính trị, để dễ bề cai trị, thực dân Pháp thực hiện chính sách chia để trị với mức độ cao hơn và quy mô lớn hơn. Ở Lào Cai, chúng thành lập “tỉnh” Phong Thổ nằm trong “Xứ Thái tự trị”, có các châu Văn Chấn, Văn Bàn, Than Uyên và các châu Sa Pa, Bát Xát thuộc hữu ngạn sông Hồng do thổ ty Đèo Văn Ân làm Tỉnh trưởng và tỉnh Lào Cai nằm trong “Xứ Nùng tự trị” có các châu Mường Khương, Bắc Hà, phần huyện Bảo Thắng thuộc tả ngạn sông Hồng và châu Hoàng Su Phì do thổ ty Nông Vĩnh An làm Tỉnh trưởng. Đây thực chất là ngụy quyền tay sai của thực dân Pháp dựng lên và do cố vấn người Pháp điều hành. Thực dân Pháp đặc biệt coi trọng sử dụng thổ ty. Để khống chế thổ ty, thực dân Pháp cho thổ ty hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi như cung cấp vũ khí, lương thực, thực phẩm, lực lượng và tạo điều kiện cho thổ ty buôn bán. Mặt khác, chúng tìm mọi cách hạn chế không cho thổ ty được mở rộng ảnh hưởng ra ngoài khu vực chúng kiểm soát, gây chia rẽ nội bộ thổ ty nhằm buộc tất cả các thổ ty phải lệ thuộc vào chúng.
Bên cạnh việc khống chế thổ ty, thực dân Pháp thường xuyên tiến hành các cuộc càn quét lớn, lùng bắt cán bộ, tăng cường chia rẽ các dân tộc, đặc biệt chúng tuyên truyền xuyên tạc làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số hận thù với người Kinh, nhằm loại bỏ cán bộ người Kinh ra khỏi địa bàn đồng bào các dân tộc. Chúng xây dựng các đội bảo an tập trung, lính dõng, đóng đòn bốt ở các bản làm nhiệm vụ tuần phòng và càn quét tại địa phương và thực hiện mưu đồ gây chia rẽ đoàn kết các dân tộc, bắt lính của dân tộc này đi khủng bố dân tộc khác để gây hận thù giữa các dân tộc. Đặc biệt, chúng treo giải thưởng bằng muối, bạc trắng với số lượng lớn cho những ai chặt đầu cán bộ người Kinh đem nộp. Ngoài ra, thực dân Pháp còn tổ chức mạng lưới chỉ điểm thuộc Sở mật thám liên bang, phòng nhì từ phân khu đến các tiểu khu cả trong binh lính và trong nhân dân để điều tra, theo dõi các hoạt động quân sự của ta.
Về kinh tế, thực dân Pháp đặt ra nhiều thứ thuế đánh vào người dân. Chúng hạ giá đồng bạc trắng, hạ giá nông sản phẩm để thu mua rẻ. Thông qua tay sai phản động, thực dân Pháp tăng cường vơ vét của cải của nhân dân để cung cấp cho chiến tranh, bắt các thôn bản lập sổ đinh vừa để phục vụ cho việc bắt lính, bắt phu, vừa để thu thuế.
Với những thủ đoạn về kinh tế, chính trị, quân sự trong quá trình chiếm đóng Lào Cai, thực dân Pháp đã khai thác triệt để những đặc điểm xã hội, chính trị miền núi, biên giới, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ nhận thức và đời sống thấp kém, lại ảnh hưởng nặng nề bởi quan điểm cổ hủ, lạc hậu, để xây dựng nên mối quan hệ bóc lột giữa tư bản Pháp với thổ ty phong kiến; biến thổ ty được coi như tầng lớp trên của xã hội miền núi thành những tay sai đắc lực phục vụ cho mục đích cai trị của chúng.