2. Bước chuẩn bị của các tờ báo có triển vọng thành lập tập đoàn báo chí:
2.4. Sài Gòn Giải Phóng:
Báo Sài Gòn Giải Phóng không phúc đáp chính thức thư mời phỏng vấn của người thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, thông qua tìm hiểu các diễn biến đăng tải trên báo Sài Gòn Giải Phóng và trao đổi với ông Nguyễn Đức Quang, Trưởng ban Chính trị, nguyên Tổng thư ký toà soạn báo Sài Gòn Giải Phóng, người viết đã khái quát được một số vấn đề.
Trước khi có quyết định 219, Sài Gòn Giải Phóng đã quan tâm tìm hiểu mô hình tập đoàn báo chí ở Trung Quốc và đã có 3 kỳ báo đề cập đến mô hình này. Đây là cách tờ báo thể hiện rõ ý chí muốn trở thành một tập đoàn báo chí của mình.
Về thế, tờ báo là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Cộng sản TP.HCM. Từ đầu năm 2005, Bí thư Thành Uỷ Nguyễn Minh Triết đã nhiều lần đến thăm và đốc thúc Sài Gòn Giải Phóng trình phương án thành lập tập đoàn. Trong chuyến thăm vào dịp Tết Bính Tuất, đề cập đến chiến lược phát triển tờ báo Đảng thành tập đoàn báo chí, đồng chí Bí thư Thành Uỷ Nguyễn Minh Triết đã “đề nghị các sở ban ngành của TP cần hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để Báo SGGP triển khai thực hiện các dự án phát triển - trước mắt là trụ sở báo, nhà in và một số ấn bản báo đang xúc tiến xuất bản mới.”[24] Ông Nguyễn Minh Triết chỉ đưa ra một yêu cầu duy nhất vào thời điểm tháng 5/2005, đó là báo Sài Gòn Giải Phóng phải giữ vững tính định hướng và tính truyền thống, tính nghiêm túc, tính đúng đắn, tính chiến đấu và chất lượng thông tin [7].
Về lực, tờ báo có số phát hành khá với 5 ấn phẩm: SGGP hàng ngày, SGGP Thứ Bảy, SGGP Thể thao, SGGP Điện tử, SGGP Hoa Văn, đầu tư mạnh vào chất lượng đội ngũ (viết báo, quảng cáo, phát hành), cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị thông tin. Đây cũng là một trong số những tờ báo của cả nước tự hạch toán kinh doanh và kinh doanh có hiệu quả (dù thực lãi chưa nhiều). Cũng như nhiều tờ báo, Sài Gòn Giải Phóng có nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa, được dư luận quan tâm, nổi bật với các hoạt động từ thiện và giáo dục [7].
Như vậy, đối với báo Sài Gòn Giải Phóng, thế đã có nhưng lực thì còn yếu. Chính vì lực yếu mà lại có tham vọng “vươn mình lên ngang tầm các tờ báo trong khu vực và quốc tế về nghiệp vụ và kỹ thuật, có thể vững vàng vào thế kỷ 21 với tư cách là một tập đoàn báo Đảng vững mạnh trong tương lai”, khâu chuẩn bị của báo SGGP lại càng khẩn trương. Báo SGGP hướng tới mở rộng hoạt động bằng cách “đồng loạt triển khai hàng chục dự án, với
mức đầu tư hàng chục tỷ đồng” [7] Trong nửa sau năm 2005, Sài Gòn Giải Phóng xúc tiến đề án xin tăng thêm các ấn phẩm và đến đầu năm 2006, tờ báo đã nắm trong tay quyết định ra thêm hai ấn phẩm mới. Ngoài ra, tờ báo cũng lập đề án mở rộng sang các lĩnh vực hoạt động kinh doanh khác (trung tâm chế tác điện ảnh, trung tâm sách, trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ).
Cũng như Tiền Phong và VietNamNet, SGGP đề xuất đối sự hỗ trợ của nhà nước trên hai phương diện:
(1) Cần sự lãnh đạo chặt chẽ của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
(2) Cần được sự tháo gỡ cơ chế của các Sở, Ban, Ngành.
So với các tờ báo khác, SGGP bắt đầu chuẩn bị công khai cho Quyết Định 219 sớm nhất (trước 1 năm). Tuy nhiên, trong một cuộc trao đổi trên tư cách cá nhân, ông Nguyễn Đức Quang, Trưởng ban Chính Trị Báo SGGP, người đã có quá trình theo dõi công việc chuẩn bị thành lập tập đoàn báo chí, cho biết báo SGGP vẫn còn nhiều lúng túng, chưa định ra được mô hình tập đoàn báo chí cụ thể. Ông Quang nhấn mạnh: “Về ý chí, ý muốn thì có”. Ông Quang đưa ra 2 góp ý:
(1) Tờ báo phải tự chủ được về kinh tế mới nên nhắm đến mục tiêu thành lập tập đoàn. Vì nói đến tập đoàn là nói đến kinh tế, nên phải dùng lực kinh tế phù hợp với nhu cầu nội tại chứ không nên dùng quyết định duy ý chí.
(2) Việt Nam không nên chọn theo một mô hình tập đoàn báo chí nào, mà tốt nhất là tự mình xây dựng nên một mô hình phù hợp. Báo SGGP không có ý định học theo mô hình tập đoàn báo chí của Trung Quốc, dù đã từng sang Trung Quốc tham quan mô hình này. Trước mắt, SGGP nhắm tới việc làm thế nào để các ấn phẩm sinh lợi ở mức cao nhất.