CHƯƠNG 4 BÀN LUẬN
4.2.2. Định khu tổn thương trên nội so
Về định khu tổn thương trên nội soi, theo Nguyễn Gia Khánh và cộng sự, 5,1% bệnh nhân nhiễm H. pylori có biểu hiện tổn thương ở thân vịđơn thuần, 38,5% tổn thương hang vị đơn thuần và 56,5% bệnh nhân có tổn thương cả
hang vị và thân vị [6]. Tỷ lệ tổn thương cả hang vị và thân vị ở nhóm nhiễm
H. pylori cao gấp 1,8 lần so với nhóm không nhiễm H. pylori. Theo Nguyễn Văn Ngoan và cộng sự, 7% bệnh nhân nhiễm H. pylori có biểu hiện tổn thương ở thân vị đơn thuần, 26,2% tổn thương hang vị đơn thuần và 72,1% bệnh nhân có tổn thương cả hang vị và thân vị (toàn bộ dạ dày) [9]. Trong nghiên cứu của chúng tôi tổn thương toàn bộ dạ dày là hay gặp nhất chiếm 46,3%. Tổn thương hang vị đơn thuần chiếm 22,5%. Tổn thương thân vị đơn thuần chỉ gặp ở duy nhất 1 trường hợp chiếm 1,2%. 5% trẻ có tổn thương hành tá tràng đơn thuần và 12,5% trẻ có tổn thương cả dạ dày và tá tràng. Bàn luận về định khu tổn thương trên nội soi trong VDDMT do H. pylori các tác giả cho rằng H.pylori cư trú chủ yếu với mật độ cao nhất ở hang vị so với các vùng khác của dạ dày do vậy quá trình viêm cũng diễn ra ưu thế ở hang vị rồi lan tỏa đến các vùng khác của dạ dày, tùy theo tình trạng nhiễm H. pylori
nặng hay nhẹ, có H. pylori ở thân vị hay không mà quá trình viêm diễn ra khu trú ở hang vị hay lan cả ra vùng thân vị (tức là viêm toàn bộ dạ dày).
Về tổn thương định khu trên nội soi, khi so sánh kết quả với nghiên cứu của hai tác giả Nguyễn Gia Khánh và Nguyễn Văn Ngoan chúng tôi nhận thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.
Trong nghiên cứu này 12,5% trẻ có triệu chứng gợi ý bệnh lý dạ dày tá tràng, có nhiễm vi khuẩn H. pylori nhưng không có tổn thương niêm mạc dạ
dày tá tràng trên nội soi. Theo các tác giả, hình ảnh dạ dày bình thường trên
đại thể khi nội soi ở trẻ bị nhiễm H. pylori là khá phổ biến, hình ảnh đại thể
bình thường trên nội soi không loại trừ được không có tổn thương trên mô bệnh học [9] [85]. Trên thực tế lâm sàng, hình ảnh nội soi bình thường làm thầy thuốc khó quyết định thái độ điều trị. Tình huống này đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ với kết quả mô bệnh học và triệu chứng lâm sàng.