CHƯƠNG 4 BÀN LUẬN
4.1.5. Triệu chứng lâm sàng
Các nghiên cứu về H. pylori và bệnh lý dạ dày tá tràng do vi khuẩn này gây ra
đã cung cấp một bằng chứng khoa học để xác định vai trò gây bệnh của H. pylori. Ở trẻ em, những biểu hiện ban đầu của tình trạng mới nhiễm H. pylori
thường không xác định được và thường dễ bị bỏ qua, các biểu hiện này thường lẫn vào các tình trạng bệnh lý khác như viêm dạ dày ruột cấp, ngộ độc thức ăn, nôn chu kỳ, khóc cơn [6].
Trên người lớn các cá thể nhiễm H. pylori sau giai đoạn cấp tính xảy ra trong tuần đầu, tổn thương tại dạ dày sẽ biến mất người khỏi bệnh hoặc chuyển sang viêm dạ dày mạn tính nếu cơ thể không thể thải loại được vi khuẩn. Tình trạng viêm với sự xâm nhập của các tế bào lymphocytes đa hình
thái tập trung ở vùng hang vị và vùng đáy của dạ dày. Mối liên quan giữa viêm dạ dày mạn tính và triệu chứng tiêu hóa còn chưa được khẳng định [6]. Cũng như vậy ở trẻ em vì không biết thời điểm nhiễm H. pylori, nên nếu như
không có các biểu hiện lâm sàng thì gần như bao giờ cũng ở giai đoạn mạn tính. Theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Bàng và cộng sự, 75% trẻ nhiễm H. pylori mà không có triệu chứng gì [3].
Triệu chứng thường được nhắc đến nhất là đau bụng với đặc điểm rất thay đổi, có thể khu trú hoặc không khu trú, đau quanh rốn nhưng thông thường nhất là đau bụng vùng thượng vị, đau làm trẻ có thể bỏ ăn thức giấc hoặc khóc cơn về đêm [6]. H. pylori được xem là thủ phạm gây đau bụng tái diễn. Nghiên cứu của Chong cho thấy trong số 218 bệnh nhân nhiễm H.pylori
17% có đau bụng tái diễn trong khi ở nhóm H.pylori âm tính tỷ lệ đau bụng tái diễn là 10% trong 238 bệnh nhân. Chong cho rằng nhiễm H.pylori có thể
là nguyên nhân gây đau bụng tái diễn ở trẻ em [18]. Đối nghịch lại với kết quả
nghiên cứu của Chong, Macarthur và Masoodpoor không tìm thấy mối liên quan giữa nhiễm H.pylori và đau bụng tái diễn [61], [65].
Ở Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Văn Ngoan trên 187 bệnh nhi viêm dạ dày mạn tính ở nhóm trẻ H.pylori (+) đau bụng tái diễn chiếm 92,6%, nôn và buồn nôn chiếm 64,6%, thiếu máu (22,3%), đau bụng sau ăn 40,7% [9]. Theo Nguyễn Thị Việt Hà và cộng sự 94,1% bệnh nhân có
đau bụng tái diễn, 53,8% bệnh nhân có nôn và buồn nôn, 56,7% bệnh nhân có biểu hiện chán ăn, 40,8% bệnh nhân có triệu chứng đầy bụng khó tiêu và 48,8% bệnh nhân có biểu hiện ợ hơi, ợ chua [7]. Theo Nguyễn Văn Bàng và cộng sự, 94,2% bệnh nhân nhiễm H. pylori có triệu chứng đau bụng trong đó
đau bụng tái diễn chỉ gặp ở 73,1% [2]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, đau bụng tái diễn là triệu chứng hay gặp nhất chiếm đến 96,3% số bệnh nhân. Nôn và buồn nôn gặp ở 52,1% bệnh nhân. 57,1% bệnh nhân có triệu chứng chán
ăn. Bệnh nhân có biểu hiện đầy bụng, ợ hơi và ợ chua cùng gặp với tỉ lệ là 41,3%. Cảm giác rát bỏng vùng thượng vị gặp với tỷ lệ 45%. Kết quả nghiên
cứu của chúng tôi cũng tương tự kết quả nghiên cứu của các tác giả trong nước và trên thế giới. Như vậy triệu chứng đau bụng tái diễn kèm theo những biểu hiện rối loạn tiêu hóa gặp nhiều ở những bệnh nhân nhiễm H.pylori.
Về tần suất cơn đau, theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Việt Hà và cộng sự, 61,6% bệnh nhân có đau nhiều (> 1 lần/tuần), 25,4% bệnh nhân có đau mức độ trung bình ( 1 lần/tuần) và 13% bệnh nhân có đau ít (<1 lần/tuần). Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi trong số 77 trẻ có đau bụng 58,4% đau bụng nhiều, 26% trẻ có đau mức độ trung bình và 15,6% bệnh nhân đau ít dưới 1 cơn mỗi tuần. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự như tác giả Nguyễn Thị Việt Hà [7].
Về vị trí đau bụng, theo nghiên cứu tác giả Nguyễn Văn Bàng 51,9% bệnh nhân đau bụng vùng thượng vị, 17,3% bệnh nhân đau bụng quanh rốn và 15,4% bệnh nhân đau bụng lan tỏa. Theo Nguyễn Thị Việt Hà và cộng sự, 61,6% bệnh nhân có đau bụng vùng thượng vị, 25% bệnh nhân đau bụng quanh rốn và 13,4% bệnh nhân đau bụng lan tỏa. Trong số 77 bệnh nhân có
đau bụng thì đau quanh rốn chiếm 50,6%, đau thượng vị gặp ở 33,8 % và 15,6% bệnh nhân đau bụng lan tỏa khó xác định vị trí. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự như tác giả Nguyễn Văn Bàng và Nguyễn Thị
Việt Hà [2], [7].
Khi tìm hiểu về mối liên quan giữa đau bụng với thời điểm và thời gian
đau bụng, tác giả Nguyễn Văn Bàng nhận thấy 25% bệnh nhân đau bụng khi
đói, 13,5% bệnh nhân đau bụng sau ăn no và 11,5% bệnh nhân có đau bụng về đêm. Theo Nguyễn Thị Việt Hà và cộng sự, 21,9% bệnh nhân đau bụng khi đói, 23,2% bệnh nhân đau bụng khi ăn no, 16,1% bệnh nhân có đau bụng về đêm và 46,8% bệnh nhân xuất hiện các cơn đau không xác định được thời gian trong ngày. Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, phần lớn cơn đau không liên quan đến bữa ăn (55,8%), đau sau ăn no chiếm 24,7%, đau lúc đói gặp ở 19,5% bệnh nhân. Cơn đau thường không xuất hiện tại thời điểm nhất
chủ yếu vào ban ngày, và 22,1% bệnh nhân đau nhiều hơn về đêm. Kết quả
nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự như nghiên cứu của hai tác giả trên [2], [7].