Ngoài việc thực hiện các chức năng chung của bao bì như bảo quản và bảo vệ hàng hóa, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, cung cấp thông tin về sản phẩm và quảng cáo sản phẩm thì bao bì xanh còn có thêm hai chức năng quan trọng khác là bảo vệ môi trường và tái tạo tài nguyên. Hai chức năng này được thể hiện thông
qua nguyên tắc 4R1D, đó là: giảm thiểu (Reduce), tái sử dụng (Reuse), phục hồi (Reclaim), tái chế (Recycle) và phân hủy (Degradable)
- Giảm thiểu (Reduce) ở đây được xem là việc cố gắng giảm thiểu lượng bao bì sử dụng cho một sản phẩm ít nhất có thể. Đối với hàng hóa thì việc đóng gói bao bì là tiền đề để bảo vệ hàng hóa và tạo điều kiện cho việc vận chuyển, bán hàng và các chức năng khác của bao bì. Ở Mỹ và các nước Châu Âu đang thực hiện việc giảm số lượng bao bì bằng cách thiết kế các loại bao bì mỏng, nhẹ và không sử dụng bao bì khi không thật sự cần thiết.
- Tái sử dụng (Reuse) là việc sử dụng lại bao bì nhiều lần. Sau khi qua xử lý đơn giản, các bao bì có thể được sử dụng lại. Việc tái sử dụng bao bì lại nhiều nhất có thể sẽ giúp nâng cao tỷ lệ tái sử dụng của chất thải bao bì và giúp làm giảm đáng kể khối lượng chất thải.
- Phục hồi (Reclaim) đề cập đến việc tạo ra các sản phẩm tái tạo chẳng hạn như sử dụng làm phân trộn nhằm mục đích cải thiện đất đai hay sử dụng nhiệt đốt bao bì để thu được nguồn năng lượng và không tạo ra ô nhiễm thứ cấp.
- Tái chế (Recycle) được hiểu như là việc sử dụng lại các nguyên liệu, nguồn tài nguyên để làm các bao bì, vật liệu đóng gói mới nhằm giúp giảm thiểu sự ô nhiễm và chi phí sẽ thấp hơn
- Phân hủy (Degradable) là khi chất thải bao bì không thể tái sử dụng được nữa thì các bao bì có thể dễ dàng phân hủy mà không tạo thành các chất thải vĩnh viễn (Guirong Zhang và cộng sự, 2012).