Môi trường chăn nuôi

Một phần của tài liệu Thực trạng và một số giải pháp phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn thị trấn phong châu, huyện phù ninh, tỉnh phú thọ (Trang 41 - 43)

PHẦN 4 : KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

4.2. Thực trạng phát triển của các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn thị

4.2.5. Môi trường chăn nuôi

Hiện nay, các trang trại chăn nuôi lợn đều có các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi để bảo vệ môi trường. Sử dụng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi là phương pháp phổ biến nhất hiện nay (trên địa bàn tỉnh có 98% trang trại chăn nuôi lợn sử dụng hầm biogas; trên địa bàn thị trấn Phong Châu 100% trang trại sử dụng hầm biogas).

Cơ chế hoạt động của hầm biogas như sau: chất thải chăn nuôi sẽ được dẫn trực tiếp vào hầm ủ; sau khi vào hầm ủ, chất thải chăn nuôi được ủ ấm và bị phân hủy dưới quá trình hoạt động của vi sinh vật trong hầm ủ (quá trình này tạo ra hỗn hợp khí Metan (60%), Cacbon dioxit (30%), khí khác (10%) – hay còn được gọi chung là khí biogas); sau quá trình phân hủy, hầm ủ sẽ đẩy nước thải và chất thải chăn nuôi đã qua xử lý trong hầm ra ngoài môi trường.

Ưu điểm của phương pháp sử dụng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi:

- Hạn chế được mùi hôi của chất thải.

- Giảm thiểu hiệu ứng nhà kính: tạo được nguồn khí đốt tự nhiên cung cấp chất đốt và điện năng thay thế cho nguồn chất đốt truyền thống và nguồn điện truyền thống.

- Tạo ra được lượng khí đốt lớn (khí Metan chiếm 60%): 1kg phân lợn tạo ra 35-45 lít khí đốt.

Nhược điểm của phương pháp sử dụng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi:

- Cần sử dụng một diện tích đất lớn để xây hầm ủ: 90m3/100 con (thông số của loại bể biogas HDPE được sử dụng phổ biến trong các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn thị trấn).

- Chi phí xây dựng cao: khoảng 500.000 đồng/m3 (thông số của loại bể biogas HDPE được sử dụng phổ biến trong các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn thị trấn).

- Không xử lý hết được mùi hôi: hầm biogas thường có mùi hôi (mùi trứng thối) của khí H2S – 1 loại khí sinh ra trong quá trình phân hủy chất thải chăn nuôi.

- Sử dụng hầm biogas sẽ phải tiêu tốn một lượng nước rất lớn để dẫn chất thải chăn nuôi từ chuồng vào hầm ủ.

- Không xử lý chất thải chăn nuôi triệt để: hầm biogas vẫn thải nước thải và chất cặn bã ra ngoài môi trường.

- Không thật sự an toàn: hầm biogas chứa lượng khí đốt lớn nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao nếu hệ thống biogas không được xây dựng đạt tiêu chuẩn.

Có thể thấy rằng, phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi mà các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn thị trấn sử dụng là hầm biogas chưa giải quyết triệt để chất thải chăn nuôi và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn thị trấn

trang trại chăn nuôi lợn cơ sở 2 của ông Dũng có hệ thống biogas đã bị xuống cấp (chưa được tu sửa), làm giảm hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi, gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước và gây mùi khó chịu làm ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống xung quanh khu vực trang trại.

Một phần của tài liệu Thực trạng và một số giải pháp phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn thị trấn phong châu, huyện phù ninh, tỉnh phú thọ (Trang 41 - 43)