Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN năm 2012 (AHRD)

Một phần của tài liệu Vấn đề bảo đảm thực hiện quyền dân sự của công dân nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam (Trang 36 - 38)

Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN (ASEAN Human Rights Declaration - gọi tắt là AHRD) là văn kiện chính trị đầu tiên của ASEAN nhằm tạo khuôn khổ chung trong việc tăng cường hợp tác về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong tầm khu vực. AHRD được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 được tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia vào ngày 18/11/2012, với sự tham gia ký kết của 10 nước ASEAN (Brunie, Campuchia, Lào, Myanmar, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Philippines). Tuyên ngôn bao gồm 40 Điều, xác định bốn nhóm quyền cơ bản trong đó có các quyền về dân sự. Tuyên ngôn được xây dựng trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng, đặc thù khu vực và sự đa dạng của mỗi quốc gia, phù hợp với nguyên tắc và mục tiêu đề ra trong Hiến chương ASEAN. Cho dù không phải là một điều ước, Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN 2012 vẫn mang giá trị chính trị - pháp lý, cũng như giá trị đạo đức nhất định. Tuyên ngôn này thể hiện cam kết của tất cả các quốc gia trong khối ASEAN trong lĩnh vực quyền con người. Vấn đề bảo đảm quyền dân sự trong Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN được thể hiện:

Thứ nhất, Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN đã ghi nhận các quyền dân sự, tạo cơ sở pháp lý để các quốc gia trong khối ASEAN quy định các quyền con người, quyền dân sự của công dân.

Một là, mọi người có thể tự do đi lại và cư trú bất kỳ quốc gia nào và được quyền quay trở về quốc gia của mình mà không bị hạn chế bởi biên giới lãnh thổ tại Điều 15 AHRD quy định.

Hai là, AHRD còn thừa nhận quyền tự do quan điểm và biểu đạt, vì thế mỗi quan điểm hay biểu đạt của mình, mọi người có thể tự do thể hiện mà không phải đáp ứng yêu cầu hay điều kiện nào. Đây cũng là một trong những quyền cơ bản của con người, thể hiện tiếng nói, ý kiến đối với vấn đề mà mình quan tâm, nội dung cụ thể tại Điều 23 AHRD quy định “Mọi người có quyền tự do quan điểm và biểu đạt,

bao gồm quyền giữ quan điểm mà không bị can thiệp, quyền tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá thông tin, bằng lời, bằng văn bản hay bằng các phương tiện khác theo lựa chọn của người ấy”.

Ba là, việc thừa nhận quyền tự do hội họp một cách hòa bình cũng là một bước tiến mạnh mẽ, cho thấy sự tiếp thu ý kiến từ văn kiện pháp lý khác để hoàn thiện văn kiện pháp lý ở tầm khu vực.

Bốn là, AHRD còn ghi nhận quyền sống tại Điều 11 AHRD, theo đó, mọi người đều có quyền được sống, quyền này phải được pháp luật bảo vệ và không ai có thể tước đoạt quyền sống của người khác một cách tùy tiện.

Năm là, Điều 12 AHRD nhắc đến quyền tự do và an toàn cá nhân, nghĩa là không ai có thể bị bắt, lục soát hay giam giữ trái phép dù dưới bất kỳ hình thức nào nhằm tước đoạt tự do nào của người khác.

Sáu là, Điều 13 AHRD cũng nhắc tới việc không ai phải chịu sự tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn ác hay hành vi vô nhân đạo. AHRD chứng tỏ sự lắng nghe, tiếp thu từ tình hình thế giới khi đã ghi nhận quyền sở hữu, sử dụng, cho tặng hay vứt bỏ những tài sản hợp pháp riêng mà chủ sở hữu được quyền thực hiện và theo đó, không ai có thể tước đoạt những tài sản ấy một cách vô căn cứ tại Điều 17.

Bảy là, quyền quốc tịch được ghi nhận tại Điều 18 AHRD, quyền này thừa nhận mọi người đều có quốc tịch theo luật quy định, việc tước đoạt quốc tịch trái phép hay thay đổi quốc tịch đều không được thừa nhận.

Tám là, nội dung được ghi nhận tại Điều 19 là việc kết hôn hay ly hôn giữa nam và nữ dựa trên sự tự nguyện, bình đẳng.

Chín là, AHRD cũng thừa nhận quyền xét xử công bằng, công khai bởi tòa án, qua đó không ai bị coi là có tội nếu hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo luật trong nước hay quốc tế tại thời điểm gây ra hành vi đó.

Cuối cùng, Điều 21 AHRD quy định “Mọi người có quyền không bị can thiệp trái phép vào sự riêng tư, gia đình, nhà cửa hay thư tín, bao gồm dữ liệu cá nhân, hoặc bị làm tổn hại danh dự và uy tín của người đó. Mọi người có quyền được pháp luật bảo vệ khỏi sự can thiệp hay làm tổn hại đó.” Cùng với việc quy định không ai được làm tổn hại danh dự, uy tín khi can thiệp trái phép riêng tư của người khác thì AHRD cũng quy định quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo tại Điều 22. Quyền này thể hiện tinh thần bình đẳng, không được phân biệt đối xử hay xúi giục nào giữa các tôn giáo, tín ngưỡng.

Thứ hai, trách nhiệm của các quốc gia thành viên trong bảo đảm quyền dân sự. AHRD là văn kiện không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, vấn đề bảo đảm các quyền dân sự nói riêng được thực hiện trên cơ sở cam kết và hợp tác. Dù vậy,

AHRD vẫn hiện thực hóa các nhóm quyền trong đó có quyền dân sự đã cho thấy rằng sự thận trọng hơn từ các quốc gia thành viên và nỗ lực tiếp thu, cập nhật những quyền mới đảm bảo tối đa quyền lợi của công dân quốc gia mình. Tuyên bố nhân quyền ASEAN đã thể hiện nguyện vọng, quyết tâm, nỗ lực của người dân và chính phủ các nước thành viên trong khu vực để tiến tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN luôn hướng tới con người. Cộng đồng chung ASEAN phấn đấu thúc đẩy thực hiện Tuyên bố Nhân quyền ASEAN phù hợp với các nguyên tắc đề ra trong Hiến chương Liên Hợp quốc, Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, Tuyên bố và Chương trình Hành động Viên, và các văn kiện quốc tế về nhân quyền khác mà các quốc gia thành viên ASEAN đã tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực ghi nhận quyền con người, cụ thể là quyền dân sự thì có thể thấy, trong tuyên ngôn không đề cập đến quyền lập hội dù có nhắc đến quyền tụ họp (khoản 24), đây cũng là sự thiếu sót khi các quốc gia đàm phán ký kết bản tuyên ngôn này.

Một phần của tài liệu Vấn đề bảo đảm thực hiện quyền dân sự của công dân nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam (Trang 36 - 38)