Hiện nay các ngân hàng và các công ty cung cấp dịch vụ tài chính trên thế giới đã đạt được những thành công đáng kể trong việc số hóa và ứng dụng công nghệ hiện đại vào các hoạt động tài chính - ngân hàng, trong đó các yếu tố của Ngân hàng số được sử dụng linh hoạt trong các mảng: mô hình kinh doanh; quản trị, vận hành; giao dịch với khách hàng cho đến chăm sóc khách hàng và nghiên cứu phát triển sản phẩm...
Việc kết hợp giữa tư duy chiến lược của các nhà lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng/tổ chức tài chính (thể hiện ở chiến lược phát triển công nghệ mới và mức độ sẵn sàng đầu tư) cùng với nguồn vốn dồi dào đầu tư cho công nghệ, đặc biệt là đầu tư cho các startup về công nghệ đã làm nên thành công của rất nhiều tên tuổi lớn. Điển hình là Google đầu tư hơn 400 triệu USD cho việc phát triển AI (thông qua mua lại công ty phát triển Trí tuệ nhân tạo
DeepMind vào năm 2014) hay Wells Fargo đã thành lập 1 dự án đầu tư cho các startup về công nghệ với số vốn lên đến 1 triệu USD/1 công ty, sau 4 năm dự án đã tiếp nhận 1.800 ứng dụng từ hơn 50 quốc gia, và đã đầu tư vào 19 công ty startup (Business Wire, 2018). Mặc dù có quy mô nhỏ hơn nhiều so với các tổ chức nói trên, LienVietPostBank cần phải có kế hoạch dài hạn để sẵn sàng nguồn vốn đầu tư vào công nghệ bởi công nghệ luôn biến đổi không ngừng và đòi hỏi nguồn vốn không hề nhỏ.
Các ngân hàng trên thế giới đặc biệt ưu tiên tập trung thiết lập kho dữ liệu dễ dàng truy cập. Dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất trong triển khai Trí tuệ nhân tạo. Để triển khai thành công, cần phải loại bỏ những rào cản do dữ liệu phân bố rải rác. Nhiều ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi dữ liệu vào đám mây, đồng thời ứng dụng thành công Trí tuệ nhân tạo tạo ra các trợ lý ảo để tiếp xúc khách hàng ban đầu, trả lời các câu hỏi của khách hàng cũng như tư vấn và hướng dẫn. ứng dụng công nghệ giúp các ngân hàng cải thiện quy trình đánh giá tín dụng và nắm bắt được sở thích, hành vi khách hàng qua số lượng khổng lồ các dịch vụ cung ứng, từ đó đưa ra các sản phẩm tài chính phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Điển hình cho việc liên tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm tài chính để thâm nhập thị trường hoặc hỗ trợ thương mại điện tử phải kể đến dịch vụ ví điện tử (Alibaba với AliPay, Samsung với SamsungPay, Apple với ApplePay, Tencent với Tenpay, Google Tez, Amazon Pay), sản phẩm cho vay tiêu dùng trực tuyến (HuaBei cung cấp cho người dùng mua hàng của Alibaba, Jie Bei liên kết trực tiếp với tài khoản Alipay, Amazon Lending), dịch vụ quản lý tiền mặt (Yu’e Bao), nền tảng cho vay P2P (Zhao Cai Bao thuộc hệ sinh thái tài chính Ant Financial).
Sự tham gia của các Fintech đã tạo nên các ngân hàng trực tuyến mới không cần chi nhánh vật lý giúp giảm thiểu chi phí hoạt động. Các ngân hàng này hoạt động hoàn toàn trên nền tảng điện toán đám mây, sử dụng dữ liệu
lớn để tính toán khoản tiền vay và thiết lập các điều khoản, điển hình như MyBank của Alibaba cung cấp các khoản vay gắn với các hoạt động thương mại cốt lõi của Alibaba còn WeBank của Tencent cung cấp tín dụng vi mô không tài sản đảm bảo.
Xu hướng chung của các tổ chức tài chính và công ty công nghệ là kết hợp với nhau để chuyển đổi từ sản phẩm có tính năng duy nhất sang sản phẩm đa tính năng. Từ tính năng nhắn tin, các công ty công nghệ chuyển đổi để trở thành nền tảng đa năng tích hợp dịch vụ của bên thứ ba là thanh toán và dịch vụ tài chính (Alibaba, Tencent, Facebook). WeChat ngoài tính năng trò chuyện ban đầu đã tích hợp thêm thanh toán chuyển khoản qua Tenpay, đặt taxi, vé máy bay và tàu hỏa, bảo hiểm, quản lý tài sản và nhiều dịch vụ tài chính khác; vay tiêu dùng khi mua hàng trên Taobao nhờ tích hợp hệ sinh thái Ant Financial; Google hiện cũng đang thêm tính năng trò chuyện với ví điện tử Google Tez ở Ân Độ. LienVietPostBank có thể xem xét liên kết với các công ty Fintech trong các hoạt động quản trị và nghiên cứu, phát triển sản phẩm nhằm đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ hiện đại, bắt kịp với xu hướng phát triển vũ bão trên thế giới.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
CMCN 4.0 được khởi đầu từ những năm 2000 và đến nay đã thực sự bùng nổ, với tốc độ, phạm vi và tác động lan tỏa đến mọi lĩnh vực, mọi chủ thể. Nó đã tạo ra những thay đổi cho một cuộc cách mạng hoàn toàn mới, cuộc cách mạng thiên về Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of things (IOT), robot, 3D, Big Data với mục đích biến thế giới thực thành thế giới số. Trong bối cảnh đó, tương lai của tài chính được xác định là một hệ sinh thái ngày càng hội tụ, nơi các dịch vụ tài chính được cung cấp không chỉ bởi ngân hàng mà còn bởi các công ty có nền tảng thương mại điện tử và phương tiện truyền thông xã hội. Trong những năm tới hệ thống ngân hàng sẽ có sự sàng lọc mạnh mẽ hơn với vị thế dẫn đầu thuộc về những ngân hàng hội tụ các đặc điểm: (i) Tập trung nguồn lực vào việc chuyển đổi số, (ii) Kết hợp hiệu quả HĐKD theo vùng địa lý và sản phẩm, (iii) Gia tăng lợi nhuận đóng vai trò là lớp đệm tài chính vững chắc cho các dự án chuyển đổi số hóa và (iv) Nhận được sự hỗ trợ từ Cơ quan quản lý và Chính phủ trong quá trình chuyển đổi số hóa. Việc xác định rõ những tác động và xu hướng phát triển của hoạt động Ngân hàng số giúp các ngân hàng đề ra chiến lược hành động phù hợp, đúng đắn, kịp thời đổi mới để nắm bắt tốt những cơ hội, vượt qua những thách thức đảm bảo được sự phát triển an toàn, ổn định và bền vững.
45
TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN BƯU ĐIỆN LIÊN VIỆT