- Ngành ngân hàng muốn làm cách mạng công nghệ phải có nguồn nhân lực số. Trong khi máy móc, trang thiết bị có thể đầu tư bằng tiền thì nhân lực có đủ trình độ tiếp cận với trang thiết bị mới, có hàm lượng công nghệ cao thì không phải một sớm một chiều có được. Chuyển đổi mô hình Ngân hàng số là cả một quá trình do đó LienVietPostBank cần xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT trung dài hạn. Hàng năm rà soát, đánh giá trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực nhân viên từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể, phù hợp với từng đối tượng, vị trí làm việc trong từng lĩnh vực.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện, đầu tư cho nhân viên tham gia các khóa học do các đơn vị bên ngoài tổ chức để có thể học hỏi các kinh nghiệm từ các tổ chức, các ngân hàng khác. Việc cử cán bộ đi thực tập, nghiên cứu, khảo sát tại các ngân hàng nước ngoài cũng là một hình thức để tiếp cận, tìm hiểu các sản phẩm hiện đại, cập nhật công nghệ mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.
- Quan tâm, tăng cường các khóa đào tạo tập trung về chuyên môn dành riêng cho nhân viên chuyên trách các nghiệp vụ Ngân hàng số, đảm bảo những nhân viên này đều luôn theo kịp công nghệ hiện đại, được cập nhật, bổ sung kiến thức mới thường xuyên.
- Tạo dựng hệ thống quản trị nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng chế độ đãi ngộ tương xứng để người lao động gắn bó với Ngân hàng, nhất là chế độ đãi ngộ, lương, thưởng cao để thu hút, chiêu tài và giữ chân được đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi có kinh nghiệm và năng lực làm việc.
- Trong điều kiện công nghệ phát triển, công nghệ số sẽ tự động hóa nhiều quy trình từ đó giảm thiểu nhiều việc làm truyền thống nhưng cũng tạo cơ hội cho nhiều công việc mới. LienVietPostBank cần có kế hoạch tuyển dụng phù hợp, đảm bảo tuyển đúng và đủ, có sự sắp xếp điều chuyển nhân viên hài hòa giữa các vị trí vừa để giảm thiểu chi phí vừa đảm bảo có nguồn nhân sự chất lượng cao bắt kịp xu thế phát triển công nghệ.