THUYẾT TIẾN HÓA (EVOLUTIONISM)

Một phần của tài liệu Nhân học về sự khác biệt văn hóa: Phần 1 (Trang 34 - 36)

Trong lịch sử các lý thuyết nhân học, thuyết tiến hóa là lý thuyết đầu tiên thực sự tạo được ảnh hưởng lớn trong cộng đồng các nhà nghiên cứu. Sự hình thành của thuyết tiến hóa trong nhân học gắn liền với vai trò của các học giả Lewis Henry Morgan (1818 - 1881) ở Mỹ; và Edward Burnett Tylor (1832 - 1917) và James Frazer (1854 - 1941) ở Anh.

Thuyết tiến hóa trong nhân học là một sự phát triển từ thuyết tiến hóa trong sinh học của Charles Darwin. Darwin cho rằng chúng ta có thể chia thế giới sinh vật thành nhiều nhóm, mỗi nhóm thuộc về một bậc thang tiến hóa, theo chiều từ thấp đến cao. Cá tiến hóa hơn thực vật, bò sát tiến hóa hơn cá, chim tiến hóa hơn bò sát, thú tiến hóa hơn chim và con người là loài tiến hóa hơn tất cả. Dựa trên mô hình này, thuyết tiến hóa trong nhân học cho rằng các xã hội và các nền văn hóa trên thế giới cũng phát triển từ thấp đến cao, theo một con đường duy nhất, từ mông muội đến văn minh, từ nguyên thủy đến hiện đại. Việc xã hội này khác nhau là do họ đang ở các nấc thang khác nhau trên con đường phát triển.[3]

Ngay sau khi ra đời, thuyết tiến hóa đã được các đế quốc thực dân sử dụng rộng rãi như một công cụ để biện minh cho công cuộc xâm lược và đô hộ các vùng đất mới ở Châu Á, Châu Phi dưới chiêu bài «Khai hóa văn minh» cho các dân tộc thuộc địa. Theo thuyết này, các dân tộc thuộc địa ở Á, Phi và Mỹ Latin được xem là đang ở các bậc thang tiến hóa thấp hơn so với các xã hội Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan. Theo đó, các xã hội ở Anh, Mỹ đã phát triển nhanh hơn, và vì thế họ đã đến được những bậc thang cao nhất. Họ có luật pháp, chế độ sở hữu tư nhân, nhà nước, biết ăn chín uống sôi, không ăn chung bát, không uống chung cốc, và ủng hộ chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Trong khi đó, các xã hội ở châu Phi, châu Á mới chỉ đến được những bậc thang thấp hơn của quá trình tiến hóa. Do đó, họ chưa có sở hữu tư nhân mà vẫn dựa trên chế độ sở hữu công cộng, vẫn chỉ có luật tục chứ chưa có luật pháp và tòa án, vẫn ăn uống chung đụng, mất vệ sinh, chưa có nhà nước của riêng họ, và chuyện một người đàn ông năm thê

bảy thiếp là phổ biến. Để có thể đạt đến trình độ của các nước phương Tây, các nước Á, Phi phải mất vài trăm năm tiến hóa nữa. Nếu họ muốn tiến hóa nhanh hơn, họ không còn con đường nào khác là nhờ cậy sự giúp đỡ, “khai sáng” của các nước phương Tây văn minh và tiến bộ.

Ví dụ

Tại sao học sinh Việt Nam khi ở trên lớp thường có xu hướng thụ động, ít khi dám bày tỏ ý kiến mà chủ yếu là lắng nghe, tiếp nhận kiến thức của thầy cô, trong khi học sinh ở các nước Âu - Mỹ nhìn chung là chủ động và mạnh dạn bày tỏ chính kiến hơn?

Theo quan điểm của thuyết tiến hóa, đây là dấu hiệu cho thấy rằng học sinh Việt Nam và mô hình giáo dục Việt Nam đang ở “trình độ tiến hóa” thấp hơn so với các học sinh và mô hình giáo dục của phương Tây. Học sinh Việt Nam vẫn đang học theo mô hình giáo dục “lấy giáo viên làm trung tâm”, theo đó học sinh chỉ đơn thuần là lắng nghe, tiếp nhận kiến thức mà thầy cô truyền đạt. Trong khi đó, các học sinh phương Tây đã tiến đến giai đoạn “tiến bộ hơn” là mô hình giáo dục “lấy học sinh làm trung tâm”, theo đó học sinh là người chủ động, tự có suy nghĩ, chính kiến của riêng mình về cách thức học tập, về những kiến thức mà họ muốn tiếp nhận, và tự do thể hiện quan điểm của mình. Nguyên nhân của sự khác biệt này là do nền giáo dục Việt Nam chậm chạp, thiếu đổi mới, và do đó tụt hậu so với nền giáo dục ở các nước phương Tây.

Một phần của tài liệu Nhân học về sự khác biệt văn hóa: Phần 1 (Trang 34 - 36)